Trên quê hương 'Ba đảm đang' Đan Phượng

Những ngày này, trở lại Đan Phượng, truyền thống 'Ba đảm đang' năm xưa vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người, trở thành động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội...

"Chuyển mình" trên quê hương "người gái đảm" Đan Phượng. Ảnh: Mai Nguyễn

Những câu chuyện xúc động

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy cho biết: Đầu năm 1965, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt, Hội đã xin ý kiến Huyện ủy phát động phong trào thi đua “Ba đảm nhiệm”.

Chỉ sau một tuần phát động, cả huyện đã có 5.635 phụ nữ nộp đơn đăng ký tham gia. Hiệu quả của phong trào được ghi nhận, phản ánh trên trang nhất Báo Nhân Dân, gây được tiếng vang lớn thời đó. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quyết định nhân rộng thành cao trào khắp miền Bắc, với ba nội dung rút gọn: Đảm nhiệm sản xuất thay thế chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình để chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm sẵn sàng phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

"Sau 2 tháng, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký tham gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến phong trào của phụ nữ và chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy nói.

Bà Lê Thị Quýnh, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Trung Châu những ngày đầu phong trào ra đời nay đã ngoài 80 tuổi. Bà Quýnh vẫn nhớ như in khí thế phong trào năm xưa.

Theo đó, phụ nữ huyện Đan Phượng "tay cày, tay súng" thi đua rất sôi nổi. Chồng con ra chiến trường, phụ nữ ở quê nhà đảm nhận thay tất cả phần việc của nam giới từ phụng dưỡng bố mẹ già, chăm sóc, nuôi dạy con đến cày bừa, sản xuất... Với những đóng góp của các chị, Đan Phượng trở thành huyện có cánh đồng đạt 5 tấn thóc/ha đầu tiên của miền Bắc. Ngoài ra, phụ nữ các xã còn tổ chức những đợt thi đua gắn với các phong trào “Ba không, ba đảm", “Nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Hai con, ba cây” (con lợn, con cá, cây ngô, cây lúa, cây dâu)...

Trong kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ Đan Phượng đã viết hàng trăm lá thư động viên chồng con yên tâm chiến đấu và một trong những lá thư đó đã được in trên Báo Quân đội nhân dân (số 1180, ngày 18-2-1965). Tính đến năm 1973, huyện Đan Phượng có 1.643 phụ nữ có chồng đi chiến đấu, 4.046 bà mẹ có từ 1 đến 5 con nhập ngũ.

Bà Đặng Thị Tỵ ở thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng nhớ lại: “Thời đó, ngoài đảm nhiệm công việc gia đình, công việc của hợp tác xã, chúng tôi còn tham gia chiến đấu. Khi đó, cả 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có trung đội dân quân nữ cơ động và trung đội dân quân có con nhỏ. Tại trận địa đều có những tay súng nữ ngày đêm luân phiên nhau trực chiến. Đặc biệt, Trung đội dân quân nữ xã Song Phượng đã chiến đấu 43 trận mà vẫn vững tay súng. Trong chiến đấu đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, nổi bật là 4 nữ dân quân: Tạ Thị Gái, Ngô Thị Lâm, Quách Thị Hợi, Bùi Thị Lấu trực chiến bảo vệ đập Đáy ngày 28-4-1967, được tỉnh Hà Tây truy tặng danh hiệu “Dũng sĩ đập Phùng”.

Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng có lịch sử đến nay đã gần 60 năm. Những người phụ nữ năm ấy giờ đây cũng đã cao tuổi, người còn, người mất, nhưng họ đã có một lứa tuổi thanh xuân nhiều ý nghĩa và rất đỗi tự hào vì đã góp phần vào sự khởi nguồn của một phong trào cách mạng, tô thắm thêm truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Xây dựng quê hương văn minh, hiện đại

Phụ nữ xã Đan Phượng trồng và chăm sóc hoa dọc tuyến đê kiểu mẫu, làm đẹp quê hương. Ảnh: Mai Nguyễn

Các nẻo đường về “quê hương người gái đảm" Đan Phượng hôm nay đã được trải nhựa khang trang, cờ hoa rực rỡ, tạo khí thế hân hoan trong những ngày cả nước kỷ niệm thống nhất đất nước (30-4-1975). Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, hầu hết tuyến đường liên thôn, liên xã, đường ngõ xóm ở đây đều được nhựa hóa khang trang; làng xóm đã đổi thay rõ nét…

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Bảy, phát huy truyền thống "quê hương người gái đảm”, phụ nữ huyện Đan Phượng không quản ngại khó khăn, vượt qua mọi gian khổ, phát huy sự cần cù, khéo léo của người phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; xây dựng quê hương giàu đẹp, dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Từ năm 2021 đến nay, các cơ sở Hội trên địa bàn đã đảm nhận trồng và chăm sóc 16 đoạn đường nở hoa, tuyến đê kiểu mẫu, 5 đoạn đường bích họa với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng cùng hàng trăm ngày công lao động.

Tranh sáng tạo từ rác thải tái chế do Chi hội Phụ nữ thôn Thống Nhất (xã Song Phượng) thực hiện. Ảnh: Kim Chung

Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đan Phượng cũng đã ra mắt 1 mô hình vận động “Phụ nữ ứng xử đẹp, thực hiện nếp sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và 8 mô hình “Di tích lịch sử kiểu mẫu”; 2 mô hình “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu” tại thôn Hạnh Đàn, xã Tân Lập và thôn Thống Nhất, xã Song Phượng; 3 mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả” tại chợ Phùng (thị trấn Phùng), chợ Mới (xã Thọ Xuân), chợ Gối (xã Tân Hội).

Bên cạnh đó, nhiều mô hình làm theo Bác thiết thực, hiệu quả hướng vào việc chăm lo cho phụ nữ trẻ em, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã được các cấp Hội nhân rộng như: Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”,“Hũ gạo tình thương”, “Tặng thẻ bảo hiểm y tế”, “Tiết kiệm điện năng”, “Thu gom phế liệu gây quỹ từ thiện”... đã khẳng định hiệu quả và sức lôi cuốn đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Song Phượng Tạ Thị Kim Chung chia sẻ, trong tháng 5-2024 tới đây, Hội sẽ ra mắt mô hình mới “đồng hành cùng con”. "Với mô hình này, chúng tôi phối hợp với Hội cựu giáo chức của xã, tổ chức dạy, ôn tập miễn phí cho học sinh", bà Chung nói.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng Lê Văn Thìn, huyện Đan Phượng là địa phương đầu tiên của thành phố Hà Nội về đích xây dựng nông thôn mới (năm 2015). Đến nay, huyện tiếp tục dẫn đầu thành phố phong trào này với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Những kết quả trong xây dựng nông thôn mới có đóng góp tích cực, quan trọng của các cấp Hội, các tầng lớp phụ nữ trong huyện, tiếp tục khẳng định vai trò, khả năng to lớn, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước của phụ nữ Đan Phượng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tren-que-huong-ba-dam-dang-dan-phuong-665031.html