Trên những dặm đường đất nước
Mùa xuân năm nay, bên thềm những ngày tháng 4 lịch sử, tôi và anh trai - nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh thực hiện cuộc hành trình về chiến trường xưa, dọc theo chiều dài đất nước. Một chuyến đi chúng tôi muốn thực hiện từ lâu...
Hai anh em đã qua vĩ tuyến 17, cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, nơi đất nước cắt chia; qua Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Bình Định, Phú Yên; đến Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, qua Xuân Lộc - Đồng Nai về Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.
Một hành trình trở về những năm tháng xa xanh, ký ức một thời khói lửa nhiều hiểm nguy thử thách. Hành trình về với những vùng đất, những con người với nhiều gắn bó. Tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp thông tấn, báo chí trên suốt dọc đường chúng tôi đi qua; niềm vui gặp gỡ với những nhân chứng lịch sử đã có mặt trong các bài viết, hình ảnh của chúng tôi từ những năm tháng ấy. Và cả những người bạn mới với nhiều đồng cảm chân tình… Những cuộc gặp gỡ ấm áp, tin cậy, ân tình, tăng thêm tình yêu cuộc sống và khơi dậy những dự định sáng tạo mới.
Chúng tôi qua cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải, nơi đất nước 21 năm cách chia. Nửa thế kỷ vùng đất vĩ tuyến 17 này im tiếng súng. Nhưng ký ức về những năm tháng đã xa ấy vẫn đâu đây. Trong những dòng nhật ký chiến trường đầu năm 1972, tôi đã viết khi lần đầu đến đây: Trong khi chờ đò, tôi đứng trên một mỏm đất cao nhìn sang bên kia sông. Một cảm giác thật đặc biệt. Vành đai trắng im lìm. Dốc Miếu ngay trước mặt. Xa xa là Cồn Tiên bên phải, đồi 31 bên trái. Xa sau đấy nữa là Cửa Việt... Con đường số 1, đoạn gần giới tuyến bỏ hoang đã lâu, cỏ mọc um tùm. Mặt đường chi chít các hố pháo, hố bom. Giới tuyến im ắng lạ thường. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng pháo đề - pa đâu đó trong ánh sáng của những trái hỏa châu luôn lơ lửng trên bầu trời. Cảm giác ấy có vẻ như đánh lừa người bình thường. Vì trong lòng đất, trong những dải cát dài dọc theo bờ sông, cả một cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Cuộc sống ấy đang đợi chúng tôi.
Dù đã chuẩn bị trước nhưng ngày đầu tiên ấy vẫn để lại ấn tượng rất đặc biệt trong tôi. O du kích mũ tai bèo, quàng ngang chiếc khăn dù cùng con đò như hiện ra từ trong cổ tích. Mặt sông loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta, mà để xóa đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ.
Quang cảnh Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà… đã hoàn toàn đổi khác. Những con đường mới, những khu dân cư mới chen nhau, khó lòng tìm thấy những dấu vết xưa. Cầu Hiền Lương mới bắc qua sông Bến Hải rộng và đẹp hơn nhiều, bên cạnh vẫn còn cây cầu cũ biểu tượng của một thời.
Ngay trên cây cầu lịch sử vẫn còn vệt sơn trắng cách chia một thời, chúng tôi gặp lại những người quen cũ, trong đó có chị Hoàng Thị Chẩm, hay còn gọi là O Chẩm (theo cách gọi vùng này). Hoàng Thị Chẩm là người du kích bắn tỉa nổi tiếng trên vành đai điện tử McNamara năm xưa. Chị là người tôi đã viết trong bài “Trên vành đai điện tử" quen thuộc với bạn đọc từ những năm tháng ấy.
Năm 1972, sau đợt đầu của chiến dịch tổng tiến công, tôi đã về xã Trung Hải (Gio Linh, Quảng Trị), viết về cuộc sống của người dân ở đây sau giải phóng. Tôi không bao giờ quên hình ảnh chị đưa tôi đi thăm vành đai ngày ấy. Khói đốt đồng cuộn bay khi bà con Trung Hải từ khu tập trung trở về quê cũ, chuẩn bị cho vụ lúa mới trên đất đai còn không ít bom mìn. Ngay sau giải phóng, cuộc sống mới đã bắt đầu với gia đình chị Chẩm và bà con vùng giới tuyến này.
Sau hòa bình, O Chẩm cùng gia đình làng xóm xây dựng lại cuộc sống trên quê hương. Chị đã có một gia đình hạnh phúc, yên ấm, đông con cháu. Ngoài công việc đồng áng, chị còn trở thành người hộ sinh tình nguyện, giúp chăm sóc sức khỏe bà con trong vùng. Nhiều đứa trẻ ra đời trên mảnh đất từng là nơi đạn bom, chết chóc và chia ly này, dưới bàn tay của bà đỡ Hoàng Thị Chẩm.
Dốc Miếu là nơi có nghĩa trang liệt sĩ Gio Linh. Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi đã có những khoảnh khắc không thể quên. Nghĩa trang này là nơi có mộ liệt sĩ Thu Hồng, du kích xã Gio Mỹ, người tôi chụp ảnh trước khi chị hy sinh trong những ngày đầu chiến dịch. Đầu năm 1972, lần đầu tiên tôi vượt giới tuyến sang bờ Nam công tác. Tôi đã về căn cứ của đội cách đồi 31 không xa, sát ngay chiến tuyến, gặp những người du kích, nghe họ kể chuyện về cuộc sống, chụp ảnh họ rèn luyện, học tập, sinh hoạt tại căn cứ. Trong một số hình ảnh về họ, tôi có chụp chân dung người nữ du kích, Bí thư xã đoàn Thu Hồng. Bức ảnh ấy sau đã được dùng trên báo. Người xem ấn tượng với hình ảnh của nữ du kích đang trong tư thế ngắm bắn, vẻ đẹp duyên dáng, mũ tai bèo mềm mại, gương mặt sáng lên trong nắng. Điều vô cùng đau xót là vài tuần sau, Thu Hồng hy sinh ngay trong ngày đầu của chiến dịch, để lại niềm thương tiếc khôn nguôi trong lòng mọi người.
Lần trở lại này, khi chúng tôi đến nghĩa trang Dốc Miếu, những cán bộ, chiến sĩ trong đội du kích Gio Mỹ, các đồng đội của chị Thu Hồng năm xưa đã đợi sẵn. Điều đặc biệt là khi biết tin về chuyến đi của anh Trần Mai Hạnh và tôi, chị Thu Lan, các anh Đức Trung, Đức Nghĩa, những người em ruột của chị Thu Hồng từ Hà Nội vào, TP Hồ Chí Minh, từ Huế cùng có mặt. Chúng tôi đã đến viếng mộ liệt sĩ Thu Hồng và các liệt sĩ trong nghĩa trang Gio Linh với lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tôi có dịp gặp lại những người du kích từ hơn 50 năm trước. Các anh Nguyễn Văn Em, Trần Xuân Tiếp, Nguyễn Thị Thỉu... Nhiều người trong số họ lần đầu chúng tôi gặp lại nhưng tình cảm vẫn rất chân thành, thân thiết.
Nhà báo Trần Mai Hạnh và tôi có mặt ở Huế đúng ngày Huế giải phóng 26/3. Ký ức trở về với những kỷ niệm không thể nào quên. Tôi nhớ đêm đi bộ hơn 35 km từ cầu Mỹ Chánh vào Huế 49 năm trước cùng các nhà báo Lâm Hồng Long, Ngọc Quả, Đức Kiều… Khi rút chạy, quân Sài Gòn đã giật mình phá hỏng cây cầu này nên ô tô không qua được. Chúng tôi đi bộ xuyên đêm và đến thành phố vào lúc trời rạng sáng. Khi nhìn thấy Phu Văn Lâu, sông Hương, cầu Tràng Tiền, tôi cứ nghĩ mình đang trong một giấc mơ.
Huế đang trong một ngày hội lớn. Không khí thật tưng bừng. Cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên Phu Văn Lâu, trên các tòa nhà lớn, trên các đường phố. Ghe tàu tấp nập dưới sông Hương. Vẫn còn dấu vết cuộc tháo chạy lớn của quân đội Sài Gòn ở khắp nơi.
Tôi đi cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đến cửa chợ Đông Ba, rồi lên xe Jeep của các bạn sinh viên làm công tác tuyên truyền chạy dọc hai bờ sông xuống khu An Cựu, qua Vĩ Dạ, ngược lên phía cầu Bạch Hổ rồi vào thành nội... Tôi đã ngồi ngay ở bên thềm Phu Văn Lâu để viết bài “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay" trong con mắt tò mò của các bạn sinh viên trưa hôm ấy. Bài viết về Huế là bài đầu tiên của tôi trong những ngày xuân 1975. Trong bài viết, tôi cố gắng ghi lại không khí thành phố trong khoảnh khắc ấy: “Huế hôm nay rạng rỡ trong nắng xuân buổi sớm, với sông Hương, núi Ngự và những tà áo dài tung bay... Nhưng Huế lại càng đẹp hơn với màu cờ cách mạng và những ánh mắt tràn ngập niềm vui của mọi người. Hình ảnh nổi bật của Huế trong ngày đầu giải phóng vẫn là hình ảnh lá cờ giải phóng tung bay trước cửa Ngọ Môn, chính nơi đây ngày 30/8/1945, Bảo Đại thoái vị".
Anh Trần Mai Hạnh và tôi có một kỷ niệm đặc biệt với Huế. Ngày 4/4/1975, đoàn công tác đặc biệt của Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam Đào Tùng trên đường vào chiến trường Nam Bộ, dừng chân ở Huế. Anh Trần Mai Hạnh là thành viên trong đoàn. Hai anh em chúng tôi gặp nhau ở Huế. Khoảng khắc ấy đã được nhà nhiếp ảnh Văn Bảo ghi lại trước cửa trụ sở tổ chức “Anh quốc bảo trợ nhi đồng”, sau này là trụ sở của cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Huế cho đến nay. Sau cuộc gặp ngắn ngủi ấy, chúng tôi lại chia tay nhau. Đoàn của Tổng Biên tập Đào Tùng, trong đó có anh Trần Mai Hạnh rời Huế trước qua Đà Nẵng, đến Quy Nhơn thì ngược lên Tây Nguyên, theo đường Trường Sơn vào căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng tại Tây Ninh. Tôi rời Huế sau, trong đội hình của tổ phóng viên mũi nhọn, theo cánh quân phía đông, đi dọc theo quốc lộ 1 xuống phía nam. Khi ấy, hai anh em cũng không thể ngờ chỉ mấy tuần sau, chúng tôi lại cùng có mặt tại Dinh Độc Lập - Sài Gòn trưa 30/4/1975 lịch sử.
Đà Nẵng ngày nay là một thành phố hiện đại, một đô thị đáng sống. Khi đi bộ dọc sông Hàn, tôi nhớ đến quang cảnh thành phố ngày đầu giải phóng với nhiều kỷ niệm đặc biệt. Chúng tôi vào thành phố khi lãnh sự quán Mỹ còn đang bốc cháy. Cảng Đà Nẵng ngổn ngang xe cộ, vũ khí. Sân bay Đà Nẵng còn những máy bay không kịp cất cánh. Sở chỉ huy Quân đoàn 1 của Trung tướng Ngô Quang Trưởng tan hoang… Tôi nhớ đến niềm vui, những gương mặt hồ hởi của người dân khi đón quân giải phóng. Tôi nhớ đến kỷ niệm về chuyến đi xe máy cùng các nhà báo Lâm Hồng Long, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm từ Huế vượt đèo Hải Vân hiểm trở để kịp có mặt sớm nhất ở thành phố lớn thứ hai miền Nam này. Từ Đà Nẵng khi ấy tôi lại một mình đi xe máy vượt đèo Hải Vân mang phim ảnh của anh em trong tổ về Đông Hà, đồng thời kịp viết bài về “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng".
Trong phần kết bài viết ký tên Trần Mai - Phóng viên Thông tấn xã Giải phóng khi ấy có đoạn: Những ngày tháng ba đang đi vào lịch sử của Đà Nẵng. 10 năm trước, ngày 23/3/1965, những lính Mỹ đầu tiên đã đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà. Ngày 29/3/1973, hai năm trước cũng tại đây, những lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam.
Tôi nhớ nhất hình ảnh mấy anh bộ đội giải phóng trẻ tuổi trước cửa trại lính Nguyễn Tri Phương, nằm trên đường Nguyễn Trường Tộ, nơi có trụ sở quân đoàn 1 của quân Sài Gòn, quân đoàn mà Tư lệnh, Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã từng tuyên bố: “Phải giữ Đà Nẵng bằng bất kỳ giá nào!”. Và ngay khi những lời tuyên bố đó đang được quảng cáo trên báo chí Sài Gòn thì cũng là lúc Ngô Quang Trưởng bỏ mặc các sĩ quan, binh lính và quên cả mệnh lệnh của chính mình, nhảy ra tàu biển chuồn ra khơi. Anh chiến sĩ giải phóng dẫn tôi lên phòng làm việc của Ngô Quang Trưởng ở tầng hai, dãy nhà bên phải. Bản đồ hành quân, tài liệu, sách vở, ảnh kỷ niệm tung tóe trên sàn nhà. Lá cờ 3 sao (cờ Trung tướng) chúi đầu xuống đất và một bức ảnh Ngô Quang Trưởng vứt dưới chân bàn. Một anh lính trẻ đang ngồi trên chiếc ghế bành có ba ngôi sao trên nền vải trắng, ghế cấp hàm của viên tướng này. Phòng của Ngô Quang Trưởng có rất nhiều sách. Tôi với tay lấy một quyển trên giá sách, cuốn “Bão lụt miền Trung”. Khi ấy, tôi chợt nghĩ không phải bão lụt miền Trung mà chính là bão lửa miền Trung, bão lửa Việt Nam đã thiêu cháy sự nghiệp của Ngô Quang Trưởng. Và cũng chính bão táp cách mạng đã đem lại bình minh cho thành phố, để một cuộc sống mới trên thành phố cửa biển này bắt đầu.
Ở Đà Nẵng lần này, chúng tôi có một cuộc gặp rất đặc biệt với một người Đà Nẵng. Trong bài “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng", tôi đã viết về cô như sau: "Một người trở về với Đà Nẵng nữa là Vĩnh An, cô gái xinh xắn, người quận 1, nguyên là học sinh trường nữ trung học Đà Nẵng, ra chiến khu hoạt động. Vĩnh An trở về thành phố của mình với tư cách là một cán bộ trong Ban công tác tuyên truyền của thành phố. Cô là một trong những người vui nhất thành phố hôm nay. Vĩnh An trong bộ quần áo ngày hội, quần đen, áo đen, măng-tô màu sữa đưa nhà báo Đinh Quang Thành đi chụp ảnh bằng chiếc Honda của gia đình cô. Chốc chốc, xe của Vĩnh An phải dừng lại vì gặp gỡ bạn bè, người quen. Cô nói: "Thật như một giấc mơ, 30 năm mới có ngày ni các anh ạ. Em đang sống những ngày hạnh phúc nhất!".
Rất may, nhà báo Lê Phạm Trần Quý của kênh truyền hình thông tấn Vnews tại Đà Nẵng đã dành nhiều công sức giúp tôi tìm lại được Vĩnh An sau gần nửa thế kỷ. Cuộc gặp rất cảm động giữa chúng tôi - tác giả bài báo và nhân vật của mình - diễn ra tại một quán cà phê ngày bên bờ giải phóng. Sau giải phóng, Vĩnh An tiếp tục học tập, tốt nghiệp cô làm giảng viên đại học và có một gia đình yên ấm. Chồng cô là một cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng. Cuộc gặp và trò chuyện rất cởi mở, thân tình của Vĩnh An với chúng tôi như những người thân quen sau gần nửa thế kỷ là một kỷ niệm đẹp trong chuyến trở về Đà Nẵng lần này.
TP Quy Nhơn là một điểm đến có ý nghĩa riêng trong chuyến đi. Tháng 4/1975, đây là thành phố cuối cùng trên quốc lộ 1 đoàn của Tổng Biên tập Đào Tùng dừng chân trước khi ngược đường lên Tây Nguyên đi tiếp. Anh Trần Mai Hạnh nhớ lại lần gặp của đoàn với lãnh đạo Bình Định khi ấy, trong đó có việc chuẩn bị cho lễ ra mắt ủy ban quân quản và công tác thông tin tuyên truyền ở đô thị mới giải phóng.
Trong bài “Gặp những người khởi nghĩa" khi đến Quy Nhơn, tôi có viết: Quy Nhơn có vẻ đẹp riêng với Gềnh Ráng, núi Một và cũng là một hải cảng lớn. Thành phố đã giải phóng được mươi ngày. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Chúng tôi đi qua những đường tấp nập người, những khu chợ lớn đông vui, nhà thờ, chùa chiền đã mở cửa trở lại. Những người công nhân hỏa xa cùng với nhân dân thành phố đã nổi dậy, cùng với lực lượng vũ trang cách mạng làm chủ Quy Nhơn. Nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn đã mang súng trở về với lực lượng cách mạng trước đó.
5 giờ sáng ngày 1/4, lá cờ Mặt trận rộng 13 thước được kéo lên trên nóc tòa thị chính thành phố, báo tin TP Quy Nhơn được hoàn toàn giải phóng. Đồng bào các phường Trung Ái, Trung Kiệt... đã chiếm đồn cảnh sát Bạch Đằng. Hàng ngàn đồng bào bị giam cầm ở nhà lao Phú Tài được sự giúp đỡ của một số cảnh sát Sài Gòn khởi nghĩa đã tự giải phóng mình. Ở nhà ga, những người công nhân xe lửa đã vùng dậy cướp súng của các “dân vệ” tự vũ trang, rồi chia nhau đi canh giữ từng đầu máy, toa xe. Các đầu máy lớn đã được đưa đến ga Diêu Trì, cách thành phố 11 km và được bảo vệ chu đáo. Kho máy móc ở Hầm Đá được giữ gìn nguyên vẹn. Và ngay sau khi quân giải phóng về, chuyến xe lửa đầu tiên cũng vào thành phố, kéo theo hàng chục toa xe chở người đi sơ tán trở về. Đoàn tàu treo cờ cách mạng, khẩu hiệu cách mạng cất tiếng còi rộn vang mừng thành phố giải phóng.
Giữa một Quy Nhơn ngày nay với nhiều thay đổi, chúng tôi tìm về những chốn xưa trong ký ức của mình: Nhà ga Diêu Trì, khu tưởng niệm lịch sử đấu tranh của tổ chức Đảng đầu tiên tại đây; nhà truyền thống của Điện lực Bình Định, nơi tôi đã tới khi mới giải phóng, khi ấy đặt các máy phát của nhà máy điện Quy Nhơn… Chúng tôi có cuộc gặp mặt rất cảm động với bác Nguyễn Duy Quý, nguyên quyền Bí thư Tỉnh ủy Bình Định. Bác Quý là Chính ủy Trung đoàn 72, đơn vị tham gia giải phóng Quy Nhơn ngày ấy. Câu chuyện với nhà cách mạng lão thành, người đã gắn bó cả đời mình cho cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất này để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trong chúng tôi.
Ở Nha Trang, chúng tôi đã thăm viện Pasteur, viện Hải Dương học, khu chợ Đầm… những nơi in dấu trong ký ức của tôi ngày ấy. Chúng tôi cũng thăm lại cơ sở của Thành ủy Nha Trang những ngày đầu tiếp quản. Đấy cũng là nơi tổ phóng viên mũi nhọn chúng tôi đã ở, với sự giúp đỡ của Thành ủy và người dân Nha Trang để sửa chữa điện đài, liên lạc với Tổng xã ở Hà Nội, phát các tin bài, trong đó có các bài về cuộc sống những ngày đầu giải phóng ở Quy Nhơn và Nha Trang.
Khi ấy cũng từ Nha Trang, chúng tôi kịp thời có mặt tại Phan Rang, khi “lá chắn thép" này bị đập tan. Trong bài “Vào Phan Rang giải phóng", tôi viết : Dọc đường đi, dấu vết của những trận đánh lớn vẫn còn, xác xe quân sự, xe tăng vẫn cháy. Ở sân bay Thành Sơn, một chiếc C130 chúi đầu trên đường băng vì chưa kịp cất cánh đã trúng đạn. Sân bay ngổn ngang vũ khí cá nhân, xe cộ, quân trang... Chúng tôi đi dọc theo đại lộ Thống Nhất đến Dinh tỉnh trưởng, khi đó đã là nơi làm việc của Ủy ban Quân quản… Một bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lớn treo ở trung tâm thông tin gần đó. Rất đông bà con đang đứng lại nhìn ngắm. Một bác có tuổi nói với tôi: Hơn 30 năm tui lại thấy hình Cụ Hồ!
Chúng tôi biết những người vẽ đã phải làm việc khẩn trương suốt đêm qua để kịp hoàn thành bức tranh lớn này. Đứng gác trước trung tâm là một cô gái cao gầy, mũ tai bèo mềm mại, mặc bộ đồ nâu sẫm, gương mặt rất nhẹ nhàng. Hỏi thăm thì biết cô tên là Trần Thị Sơn. Cách đây ba năm, Trần Thị Sơn còn là một cô thợ may nghèo, ở nhà số 10 đường Lê Lợi, tham gia hoạt động. Hôm nay Sơn trở về thị xã quê hương trong niềm vui mừng và cảm động của bạn bè, của bà con cô bác. Trần Thị Sơn nói với chúng tôi: Em gặp lại người quen, bạn bè. Ai cũng bất ngờ. Đối với riêng em, giờ phút quê hương giải phóng, giờ phút gặp gỡ cũng đột ngột quá. Ai cũng tin có một ngày, nhưng không ngờ lại là hôm nay...
Bài viết ấy cũng có một kỷ niệm đặc biệt với tôi: Ngay sáng hôm sau vào Phan Rang, tôi một mình đi xe máy về Nha Trang. Đường mới, cả trăm cây số, lại đi một mình ở vùng vừa giải phóng, khá nguy hiểm. Ngoài súng ngắn, tôi mang theo cả khẩu carbine báng gấp lấy ở sân bay Thành Sơn. Về đến Nha Trang, ngay buổi trưa ấy, tôi ngồi viết bài về Phan Rang để chuyển về cùng với báo cáo tình hình của anh em trong tổ với Hà Nội.
Trở lại Phan Rang - Tháp Chàm những ngày xuân này, chúng tôi thăm thành phố, trở lại những nơi tôi từng đến, thăm tháp Chàm Pô Klông-Garai nổi tiếng, chợ Phan Rang, tòa hành chính tỉnh, bây giờ là trụ sở Tỉnh ủy Ninh Thuận… Điều đặc biệt nhất ở đây là tôi đã gặp lại cô tự vệ Trần Thị Sơn mà tôi đã viết trong bài “Vào Phan Rang giải phóng". Nữ chiến sĩ tự vệ Trần Thị Sơn từ khi quê hương giải phóng đã tham gia nhiều công tác, sau trở thành Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, rồi Giám đốc Sở Nội vụ. Chúng tôi gặp lại Trần Thị Sơn sau 49 năm như những người anh em thân thiết. Chị rất cảm động khi tôi tặng lại bài báo về Phan Rang có nhắc đến hình ảnh của mình. Chị nói rất chân tình: Em không thể ngờ là được gặp lại người phóng viên năm xưa, với món quà thật đặc biệt, không thể ngờ được cuộc đời mình có được may mắn, hạnh phúc như vậy!
Chúng tôi về Phan Thiết, rất vui được gặp lại các đồng nghiệp tại Thông tấn xã Việt Nam. Một điều rất tự nhiên, chúng tôi nhắc nhiều về nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, người đã đi xa. Ông là một tài năng nhiếp ảnh lớn, đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về các tác phẩm “Bác Hồ bắt nhịp kết Đoàn" và "Mẹ con ngày gặp mặt". Ông lại là người con của quê hương Phan Thiết. Có một con đường mang tên Lâm Hồng Long ở thành phố này.
Những hồi ức nửa thế kỷ trước trở về trong tôi. Tháng 3/1975, tôi đã có dịp cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long vào Huế và Đà Nẵng giải phóng. Sau đó, chúng tôi lại cùng có mặt trong tổ phóng viên mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam, hành quân theo bước chân thần tốc của cánh quân phía đông, đi dọc miền Nam đất nước, qua một loạt các thành phố, chứng kiến nhiều trận đánh để có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 lịch sử. Khoảng giữa tháng tư, tôi đã cùng Lâm Hồng Long qua Phan Rang - Tháp Chàm, về Phan Thiết. Tôi là người mới đến đây, còn ông là người trở về mảnh đất quê hương sau 21 năm xa cách. Tôi không bao giờ quên gương mặt xúc động, những câu chuyện ông kể khi chúng tôi đèo nhau bằng xe Honda trên đoạn đường này. Tôi đã cùng ông thăm trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, gặp gỡ với những người dân Phan Thiết, chụp cảnh ghe thuyền cắm cờ giải phóng xuôi ngược trên sông Cà Ty... Anh em trong tổ mũi nhọn chúng tôi đã chứng kiến khoảnh khắc Lâm Hồng Long gặp lại những người ruột thịt trong gia đình sau bao năm tháng xa cách. Khi ấy, gia đình ông đang ở tại thị trấn La Gi - Hàm Tân, không xa Phan Thiết.
Năm 2002, tỉnh Bình Thuận đặt tên đường Lâm Hồng Long, 5 năm sau khi nhà nhiếp ảnh nổi tiếng qua đời. Chúng tôi cũng đã về Hàm Tân- La Gi , thăm ngôi nhà giờ đã trở thành nơi thờ tự của gia đình nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Tại La Gi hiện nay cũng có một con đường mang tên Lâm Hồng Long .
Chúng tôi về Đồng Nai một chiều tháng tư. Cùng các đồng nghiệp, chúng tôi đến những địa danh gắn bó trong những ngày cuối cùng của chiến tranh: Thị trấn Xuân Lộc cũ (nay là TP Long Thành), nơi diễn ra trận đánh quan trọng, đập tan lá chắn cuối cùng của quân Sài Gòn ở hướng đông, nơi tổ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam gặp Sư đoàn 304 (Sư đoàn Vinh Quang kết nghĩa) như một cơ duyên đúng vào lúc thời cơ lịch sử đang đến. Chúng tôi thăm lại đồn điền cao su Ông Quế, nay là Nông trường Ông Quế, nơi chúng tôi đã có những phiên làm việc bằng điện đài cuối cùng với Hà Nội vào những thời khắc quan trọng của chiến tranh; khu vực trường thiết giáp Nước Trong, nơi tôi đã ở cùng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 trong trận đánh rất ác liệt trước khi theo mũi đột kích thọc sâu của cánh quân phía đông tiến vào trung tâm Sài Gòn…
Từ căn cứ Nước Trong, nhà báo Trần Mai Hạnh và tôi qua sông Buông, vượt cầu Đồng Nai theo xa lộ vào thành phố, đi đúng con đường cánh quân phía đông đã đi vào sáng 30/4/1975. Trên đường đi, anh Trần Mai Hạnh và tôi chia sẻ với các đồng nghiệp những kỷ niệm về thời khắc không quên ấy. Tôi theo tổ phóng viên mũi nhọn, cùng các anh Vũ Tạo, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm… vào thành phố từ phía đông. Anh Trần Mai Hạnh cùng nhà nhiếp ảnh Văn Bảo, các phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng cùng đoàn quân giải phóng vào thành phố từ phía tây. Việc cùng có mặt ở Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 cùng các đồng nghiệp trong ngày toàn thắng là một kỷ niệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời làm phóng viên chiến trường của hai anh em. Rất may mắn là chúng tôi đều có những đóng góp của mình trong những đóng góp của cả đội ngũ: Nhà báo Trần Mai Hạnh viết bài tường thuật đầu tiên “Thành phố Hồ Chí Mình rực rỡ sao vàng"; những ý tưởng hình thành từ thời khắc lịch sử ấy sau này đã giúp ông viết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", tác phẩm đã được trao giải thưởng cao nhất của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng văn học ASEAN. Tôi ghi lại được hình ảnh "Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”, tác phẩm được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho Đại thắng mùa xuân 1975 lịch sử .
Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tren-nhung-dam-duong-dat-nuoc-379384.html