Trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ

Nói đến đột quỵ não, trước đây người ta thường nghĩ ngay đến bệnh của những người cao tuổi. Tuy nhiên, những thống kê gần đây đã cho thấy căn bệnh này chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở người trẻ. Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40 ca đột quỵ vào cấp cứu, trong đó 10% là người trẻ.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 bệnh nhân bị đột quỵ, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Hiện có khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ trong độ tuổi từ 18-50. Đáng chú ý, tỉ lệ người trẻ dưới 40 tuổi mắc căn bệnh này đang tăng trung bình 2% mỗi năm. Đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh. Tập thể dục mỗi ngày giúp giảm mỡ máu đồng thời giảm nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi. Nói không với chất kích thích, thuốc lá và xây dựng thói quen ăn uống khoa học, đồng thời chú ý khám sức khỏe định kì là cách bảo vệ bản thân trước căn bệnh đột quỵ.

Bệnh nhân đột quỵ não được đưa đến cơ sở y tế sớm, trong thời gian vàng (4,5 tiếng đầu), người bệnh có thể được áp dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị.

4 dấu hiệu quan trọng trong đột quỵ não dễ phát hiện và nhận biết:

1. Face: Méo miệng, mặt có cảm giác tê cứng, mặt bị lệch sang một bên

2. Arms: vận động, liệt nửa người một bên, người bệnh không nâng được chân/tay mốt bên, hoặc chân/tay bị rơi xuống

3. Speech: lời nói, người bệnh đột ngột không nói được, nói khó, nói líu lưỡi, hoặc không diễn đạt được.

4. Time: “thời gian là não” cứ mỗi phút trôi qua có 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục. Khi đột ngột xuất hiện 1 trong 3 dấu hiệu: méo miệng, yếu liệt tay chân cùng bên, ngông ngữ bất thường cần gọi cấp cứu ngay lập tức 115, cần ghi nhớ thới gian khởi phát và báo cho nhân viên y tế biết.

Lưu ý những điều không nên làm: Không cho bệnh nhân ăn uống, không tự ý uống thuốc, không cạo gió, không chích đầu ngón tay.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tre-hoa-benh-nhan-dot-quy-203209.htm