Cần làm gì để tránh bị sốc nhiệt khi thời tiết nắng nóng gay gắt?

Để phòng tránh sốc nhiệt, người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi làm việc ngoài trời; cứ sau 1-2 tiếng phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để giúp cơ thể hạ nhiệt.

Công nhân điện lực giải nhiệt tạm thời trong quá trình thi công dưới trời nắng nóng trên 41 độ C tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Công nhân điện lực giải nhiệt tạm thời trong quá trình thi công dưới trời nắng nóng trên 41 độ C tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 5, áp thấp nóng phía Tây tiếp tục hoạt động mạnh nên ở khu vực Bắc Bộ; các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên xuất hiện nhiều ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt.

Dự báo, do nắng nóng gay gắt hơn nên nhiệt độ trung bình trên cả nước cao hơn 1,5-2,5 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Các đợt nắng nóng với nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên tới 40 độ C có thể dẫn đến các vấn đề do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng... trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt.

1. Dấu hiệu của người bị sốc nhiệt

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (hơn 40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp.

Những người bị sốc nhiệt đa phần đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ.

Bị sốc nhiệt không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu... thậm chí có khả năng dẫn đến đột quỵ.

Trước khi bị sốc nhiệt, người bệnh thường có các dấu hiệu kiệt sức vì nhiệt như đau đầu; chóng mặt và nhầm lẫn; chán ăn và cảm thấy buồn nôn, đổ mồ hôi nhiều và da nhợt nhạt, sần sùi; chuột rút ở tay, chân và bụng; thở nhanh; nhiệt độ từ 38 độ C trở lên; khát nước.

Đến khi bị sốc nhiệt sẽ có các biểu hiện như các triệu chứng của kiệt sức vẫn còn sau 30 phút; nhiệt độ tăng lên đến 40 độ C hoặc cao hơn; cảm thấy nóng và khô; không đổ mồ hôi mặc dù cơ thể nóng; thở nhanh hoặc hụt hơi; mất tỉnh táo; lên cơn hoặc co giật; không phản ứng.

 Nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em và người già. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Nắng nóng gay gắt làm ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ em và người già. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

2. Một số bước sơ cứu khi bị sốc nhiệt

Sốc nhiệt có thể xảy ra trong vòng vài phút và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

Khi phát hiện người bị sốc nhiệt phải lập tức đưa đến nơi thoáng mát.

Sau đó, giúp người bệnh cởi bớt quần áo và cho họ uống nước có pha muối, nước chanh hoặc nước bột sắn dây…

Chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như cổ, nách, bẹn và lưng. Đây là nơi có rất nhiều mạch máu gần với da nên việc làm mát ở những khu vực này có thể làm giảm nhanh nhiệt độ của cơ thể.

 (Ảnh: Examiner)

(Ảnh: Examiner)

Nếu thấy bệnh nhân có những triệu chứng nặng như buồn nôn, sốt cao hay hôn mê thì cần phải chuyển ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Biến chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân sốc nhiệt cấp cứu muộn thường là co giật, tiêu cơ vân, suy thận, hôn mê kéo dài, tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục, thậm chí là tử vong.

3. Những ai dễ bị sốc nhiệt?

Khi nhiệt độ tăng vọt lên cao ngất ngưởng, khả năng sốc nhiệt có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu.

Tuy nhiên có một số đối tượng có nguy cơ cao gồm người có khả năng chịu đựng kém như người già, trẻ em, phụ nữ.

Người mắc bệnh lý mạn tính như bệnh tim mạch, gan, ung thư...

Những người lao động ngoài trời như công nhân, nông dân, vận động viên thể thao, nhân viên giao hàng,...

 Mỗi khi phải ra đường, người lớn hay trẻ em đều dùng nhiều biện pháp để chống lại cái nắng nóng gay gắt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Mỗi khi phải ra đường, người lớn hay trẻ em đều dùng nhiều biện pháp để chống lại cái nắng nóng gay gắt. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

4. Nên làm gì để chống bị sốc nhiệt?

Những người bị sốc nhiệt đa phần đều có đặc điểm chung là lao động hoặc di chuyển nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước, điện giải đầy đủ.

Để không bị sốc nhiệt, bạn nên hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, khi bắt buộc phải ra ngoài, bạn nên thực hiện một số biện pháp dưới đây.

Luôn che chắn khi ra ngoài trời

Khi di chuyển dưới trời nắng gắt, bạn nên mặc áo chống nắng. Áo khoác chống nắng thường được thiết kế với chất liệu có thể ngăn ngừa cả tia UV và làm giảm hấp thụ nhiệt, rất thích hợp để bảo vệ sức khỏe khỏi ánh nắng gay gắt, nhất là vào những ngày Hè. Ngoài ra, bạn cần sử dụng thêm khăn che, dùng ô, đội mũ.

Bạn cần lưu ý che chắn phần gáy (sau cổ) bởi trung khu điều nhiệt của cơ thể nằm ở vùng gáy. Ánh nắng chiếu thẳng vào gáy có thể làm trung khu tê liệt và mất khả năng điều khiển thân nhiệt. Do đó, che kín gáy bằng cách đội mũ rộng vành, mặc áo có cổ cao, hoặc sử dụng khăn che mặt rộng có thể vòng ra sau che phủ phần gáy khi đi ra ngoài trời nắng nóng là điều rất cần thiết.

Đối với người lao động, để phòng tránh sốc nhiệt, người lao động cần mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi làm việc ngoài trời. Cứ sau 1-2 tiếng, người lao động phải vào chỗ mát tạm nghỉ 10-15 phút để giúp cơ thể hạ nhiệt. Đồng thời cần bổ sung nước cho cơ thể. Trung bình một người nên uống từ 2,5-3 lít nước/ngày trong những ngày nắng nóng.

 Công nhân vệ sinh vất vả dưới cái nắng gay gắt với nền nhiệt cao. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Công nhân vệ sinh vất vả dưới cái nắng gay gắt với nền nhiệt cao. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Uống đủ nước

Bạn cần uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi phải làm việc hoặc đi ngoài trời nắng nóng. Cơ thể thường mất nhiều nước và điện giải do nhiệt vào mùa hè. Để sẵn một ít muối, đường và nước bên cạnh và bổ sung chúng bất cứ khi nào cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Điều này sẽ giúp duy trì cân bằng nước và điện giải suốt ngày.

Tránh uống rượu và chất caffeine

Bạn cần tránh các chất lỏng có chứa caffeine hoặc rượu, vì các chất này có thể khiến tình trạng mất nước hơn trầm trọng hơn.

 (Ảnh: Getty images)

(Ảnh: Getty images)

Tăng cường bổ sung các loại trái cây, rau củ

Thay vì ăn vặt, bạn nên ăn các bữa nhẹ hoa quả và salad giúp dễ tiêu, cung cấp năng lượng và có tính mát.

Cần hạn chế một số gia vị hoặc đồ ăn có tính cay, nóng vì có thể làm cơ thể nóng hơn, khó chịu.

Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp

Sốc nhiệt từ lạnh sang nóng rất thường gặp khi sử dụng điều hòa quá lâu (ở trong phòng, trong xe ôtô…).

Trước khi ra ngoài, bạn nên tắt điều hòa trước 30 phút để cơ thể kịp thích ứng, tránh sốc nhiệt máy lạnh.
Sau khi sử dụng máy lạnh, cần tắt máy lạnh và mở cửa để không khí lưu thông.

Bôi kem chống nắng

Ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến cháy nắng và hình thành sắc tố. Sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Cần lưu ý thêm về chọn kem chống nắng có chỉ số SPF và PA phù hợp.

 (Ảnh: Getty Images)

(Ảnh: Getty Images)

Đeo kính râm

Tiếp xúc với ánh nắng chói chang, lại chứa tia UV trong suốt mùa hè có thể làm tổn thương đôi mắt, gây ra nhiều bệnh mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc, khô mắt,... Đeo kính râm khi ra ngoài sẽ giúp bảo vệ đôi mắt.

Tăng cường rèn luyện sức khỏe

Rèn luyện sức khỏe không chỉ khiến cơ thể dẻo dai, tràn đầy sức sống hơn, mà còn giúp tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

Tạo không gian thoáng mát trong nhà

Bạn nên tạo không gian thoáng mát trong nhà, buông rèm cửa, che chắn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng vào thời điểm nóng nhất trong ngày./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-lam-gi-de-tranh-bi-soc-nhiet-khi-thoi-tiet-nang-nong-gay-gat-post943462.vnp