Tránh tình trạng 'vừa đá bóng, vừa thổi còi' trong thu hồi đất và xác định giá bồi thường

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Tranh chấp, khiếu kiện về thu hồi đất ngày càng tăng lên

ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho biết, qua tổng kết 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, quy định về giá đất cụ thể là điểm không thành công của luật này.

Lý giải cho điều mình nói, ông Thạch Phước Bình cho rằng, do giá đất cụ thể được UBND cấp tỉnh xác định luôn thấp hơn giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường nên đã làm phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, tình trạng này không những không giảm mà còn tăng lên.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Làm rõ thêm, đại biểu cho rằng, việc giao quyền cho UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể trong khi các quyền khác vẫn giữ nguyên như Luật Đất đai hiện hành như quyền giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; quyền chuyển mục đích sử dụng đất, quyền thu hồi đất. Trong khi đó, dự thảo chưa có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất bảo đảm tính độc lập của Hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên theo như tinh thần Nghị quyết số 18 của Trung ương.

"Do đó, sẽ khó tránh khỏi tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" trong thu hồi đất và xác định giá đất cụ thể để bồi thường cho người bị thu hồi đất", ĐBQH Thạch Phước Bình nhấn mạnh.

Từ đó, đại biểu đề nghị, nên chăng có một cơ quan độc lập với UBND cấp tỉnh để định giá đất hay cơ quan quản lý giá đất cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng để tư vấn xác định giá đất cụ thể.

ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) bày tỏ đồng tình với nguyên tắc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Tuy nhiên, đại biểu nêu quan điểm, thực tế cho thấy để thực hiện đúng và đáp ứng đầy đủ là rất khó và dễ dẫn đến tình huống người dân không chấp nhận phương án bồi thường do quy định không rõ ràng.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

"Có thể nói, việc thu hồi, bồi thường đất là một trong những vấn đề luôn có tính thời sự và phát sinh nhiều vấn đề khác có liên quan. Do đó, việc quy định rõ ràng để hiểu đúng và vận dụng đúng các quy định của pháp luật về đất đai là một trong những cách thức để tránh tình trạng tranh chấp, khiếu kiện phát sinh", đại biểu Trần Thị Thanh Hương nhấn mạnh.

Từ đó, nữ đại biểu tỉnh An Giang đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các tiêu chí cụ thể hơn để định lượng, xác định rõ cơ chế quy định việc hướng dẫn, đồng thời phân công cụ thể trách nhiệm thẩm định, giám sát nhằm đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả và khả thi trong thực tiễn.

Thu hồi để xây khu đô thị nên thương lượng với người dân

ĐBQH Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, về các trường hợp thu hồi đất, luật hiện hành và dự thảo luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi. Phương pháp này giúp cho việc thu hồi cụ thể từng trường hợp, từng dự án. Tuy nhiên, một vấn đề là lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thường không cố định và vận động theo hướng phát triển.

Mặt khác, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, khi nói đến thu hồi đất, tức là việc chính quyền, nhà nước thu hồi đất đai của chủ thể này trao cho một chủ thể khác bằng một mệnh lệnh hành chính. Do vậy, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, nhiều nguy cơ lạm quyền, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum.

"Nên chăng xem xét, tiếp cận một vấn đề nữa theo hướng những dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, những dự án phát triển kinh tế - xã hội mang tính chiến lược… thì thu hồi. Các dự án phát triển kinh tế đơn thuần thương mại theo quy hoạch, mang lại lợi ích chủ yếu cho nhà đầu tư thì thương lượng với người dân để mua lại hoặc thỏa thuận cho họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất", đại biểu đoàn Kon Tum đề xuất.

Đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh, khi nhà nước thu hồi đất, người dân mất đi một tư liệu sản xuất rất quan trọng. Bởi vậy, việc bồi thường, hỗ trợ không chỉ bằng tiền mà điều quan trọng nhất là đảm bảo kế sinh nhai lâu dài, bền vững cho người dân.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

ĐBQH Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) dẫn Báo cáo năm 2022 của ngành Tòa án nhân dân qua công tác giải quyết, xét xử các vụ án hành chính cho thấy, các vụ án chủ yếu liên quan đến khiếu kiện về quản lý đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chiếm khoảng 78,7% tổng số các vụ việc khiếu kiện.

Nguyên nhân do một số chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai còn bất cập, trong một số trường hợp thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hạ tầng nhưng chưa giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 14/11.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV ngày 14/11.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các điều kiện, tiêu chí đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để tách biệt với các dự án phát triển kinh tế có lợi ích thuần túy của chủ đầu tư. Từ đó tránh sự áp đặt chủ quan, máy móc, tràn lan khi nhà nước thu hồi đất dẫn đến sự không đồng thuận của người có đất bị thu hồi, đồng thời để từ đó áp dụng cơ chế thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phù hợp.

Còn ĐBQH Phạm Hùng Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) cho rằng, dự thảo Luật cần cụ thể hơn quy định về sự phối hợp giữa cấp ra quyết định thu hồi, chủ đầu tư dự án với cấp xã trong quá trình thực hiện thu hồi đất thì mới có thể tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc.

Về giá đất, đại biểu cho rằng, đây cũng là một chế định rất quan trọng trong Luật Đất đai và trong thực tiễn cũng nảy sinh nhiều khiếu kiện xung quanh vấn đề này. Do vậy, đề nghị cần làm rõ nguyên tắc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường, quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, quy định rõ về quy trình kiểm tra, giám sát của địa phương trong xây dựng bảng giá đất hàng năm.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tranh-tinh-trang-vua-da-bong-vua-thoi-coi-trong-thu-hoi-dat-va-xac-dinh-gia-boi-thuong-169221114134051661.htm