Trần Phương - Át chủ bài của điện ảnh thời kỳ đầu
Gương mặt nổi bật thuộc thế hệ đầu tiên của điện ảnh Cách mạng rũ bụi trần về cõi theo các bậc đàn anh và đồng nghiệp trang lứa như NSND Thế Anh, Trọng Khôi. Kết thúc cuộc dạo chơi điện ảnh, NSND Trần Phương kịp để lại dấu ấn trong lịch sử điện ảnh nước nhà.
Từ A Phủ đến đạo diễn nổi danh
A Phủ là vai nam chính đầu tiên của NSND Trần Phương, đóng cùng NSƯT Đức Hoàn. Hôm nay trò chuyện với phóng viên, NSƯT Đức Lưu nhớ lại kỷ niệm lên thăm NSƯT Đức Hoàn- cô Mỵ, trên đỉnh núi Ba Vì, toàn chuyện vui, dí dỏm. Thời ấy, Trần Phương phải lên núi sống vài tháng trước khi quay phim để diễn cho ra chất chàng trai Mông thứ thiệt. Đức Lưu nhớ thời ấy làm phim đói rét, khổ cực nhưng ai nấy đều vui. Không có dịp đóng chung với Trần Phương, Đức Lưu dù vậy đánh giá ông là nam diễn viên “đẹp trai, con át chủ bài của điện ảnh thời kỳ đầu”.
Điểm lại các vai diễn chính của Trần Phương, khán giả có thể thấy ông góp mặt trong nhiều tác phẩm kinh điển: Vai Khoa chồng Tư Hậu trong Chị Tư Hậu sản xuất năm 1963 do đạo diễn NSND Phạm Kỳ Nam và Trần Thiện Liêm thực hiện. Đóng cùng Phi Nga, Huy Công trong Biển gọi. Vai Vũ Khiêm trong Tiền tuyến gọi đóng cùng NSND Thế Anh, NSƯT Thanh Tú. Vai Lực trong phim đoạt Bông sen vàng Truyện vợ chồng anh Lực của đạo diễn, NSND Trần Vũ.
Dẫu biết Trần Phương tuổi cao sức yếu đã lâu nhưng NSND Trà Giang vẫn nghẹn ngào: “Là người có nhiều kỷ niệm với anh Trần Phương, nên nếu nói buồn không thôi chưa đủ. Sự ra đi của anh khiến tôi buồn thương và cảm nhận mất mát lớn. Biết bao đồng nghiệp từng làm phim với nhau đều lần lượt ra đi”. Trà Giang là một trong những đồng nghiệp thân thiết nhất với Trần Phương, cũng bởi hai người đóng chung khá nhiều. Trần Phương-Trà Giang từng đóng chung Chị Tư Hậu, Lửa rừng, Ngày lễ thánh, Đêm miền yên tĩnh. Sau này khi Trần Phương chuyển qua vai trò đạo diễn, ông tiếp tục mời Trà Giang trong nhiều tác phẩm như Đứng trước biển, Hoàng Hoa Thám, Dòng sông hoa trắng.
Không qua trường lớp đào tạo bài bản nhưng Trần Phương trong mắt Trà Giang đạo diễn có nghề, sáng tạo, tìm tòi và chân thực. Bà kể khi không làm phim, Trần Phương sinh hoạt ở đội kịch, có lúc diễn kịch, có lúc dựng tác phẩm. Thời ở trường Văn nghệ Nhân dân thành lập tại chiến khu Việt Bắc, Trần Phương lĩnh hội không ít kiến thức từ các tên tuổi lừng lẫy giới văn học, sân khấu như Thế Lữ, Song Kim, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Cả Tam. Sự nghiệp đạo diễn điện ảnh của Trần Phương không thể không nhắc những tác phẩm kinh điển như Tội lỗi cuối cùng, Hy vọng cuối cùng và Dòng sông hoa trắng. Bộ ba tác phẩm giúp ông tới với Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng theo Trần Phương học việc trong phim Đứng trước biển. “Chú Trần Phương là đạo diễn mềm mại, tinh tế, rất hài hòa và biết cách cầm trịch một bộ phim. Ấn tượng của tôi về chú là thế, rất nhẹ nhàng. Cuộc dạo chơi điện ảnh của chú cũng vậy, không hề ồn ào. Tôi cũng lấy làm tiếc không được theo chú làm Tội lỗi cuối cùng”, Thanh Vân nói. Anh đánh giá: nhắc Trần Phương không thể không nhắc Tội lỗi cuối cùng và Hy vọng cuối cùng. Ở Tội lỗi cuối cùng, ông có công phát hiện Phương Thanh. Theo Thanh Vân, trước đó hình ảnh Phương Thanh rất khác, phim này lột xác và đạt tới đỉnh cao. Hy vọng cuối cùng là phim về Hà Nội xưa cũ với những ngõ nhỏ phố nhỏ rất thú vị. NSND Thanh Vân cho rằng diễn xuất của NSƯT Tất Bình trong phim này rất hay.
Tài năng và ấm áp
Thời Trần Phương đóng vai Khoa- chồng Tư Hậu trong Chị Tư Hậu- ông là gương mặt đình đám nhờ Vợ chồng A Phủ. “Thời ấy anh Trần Phương rất đẹp và nổi tiếng. Đặc biệt trong phim có vai con gái của Tư Hậu, do đó anh Trần Phương đem bé Thủy con anh vào Quảng Bình quay phim, chúng tôi càng thân tình hơn. Vợ chồng anh Phương sinh được bốn người con gái và một cậu con trai, bé Thủy khi này mới ba, bốn tuổi. Tôi cảm nhận được tình cảm của một người cha tuyệt vời dành cho các con. Là nghệ sĩ, cuộc sống đầy khó khăn nhưng anh luôn chăm lo học hành cho các con từ nhỏ tới khi trưởng thành”, NSND Trà Giang kể.
Một diễn viên điển trai, đạo diễn tài năng hẳn nhiều người theo đuổi. NSND Thanh Vân cười ý nhị “không dám bàn” rồi chua thêm: “Một người tài rạng rỡ, tài năng như thế thì đào hoa cũng là chuyện dễ hiểu. Đem thắc mắc hỏi NSND Trà Giang, liệu đóng nhiều phim với Trần Phương có nảy sinh tình cảm đặc biệt, bà cười lớn: “Khi tôi làm phim cùng, anh ấy đã một vợ bốn, năm con rồi nên chúng tôi rất nghiêm túc. Có chăng là tình nghệ sĩ, yêu quý và tôn trọng lẫn nhau. Nghệ sĩ nhiều năm làm việc với nhau không thể không quý mến nhau, nhưng tình cảm riêng tư tuyệt nhiên không có”. Dù vậy Trà Giang cũng thừa nhận Trần Phương ngoài đời đào hoa, đa tình.
Trong tư cách đạo diễn, Trần Phương khiến đồng nghiệp kính trọng ở sự sáng tạo, tỉ mỉ, đam mê nghệ thuật và làm việc không mệt mỏi. Làm phim về Hoàng Hoa Thám, ông về Yên Thế tìm hiểu bối cảnh và lịch sử, gặp con gái cụ Đề Thám. Với phim Đứng trước biển, Trà Giang ấn tượng ở sự dũng cảm lựa chọn của Trần Phương. “Các phim trước như Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm tôi đều vào vai chính diện. Còn Đứng trước biển tôi lại vào vai cậy quyền cậy thế, tác oai tác quái. Phim ra mắt, nhiều người không thích nhưng cũng rất nhiều người khen sự dũng cảm của Trần Phương khi chọn tôi”, NSND Trà Giang nhớ lại.
Mỗi lần ra Hà Nội, Trà Giang đều sắp xếp ghé thăm Trần Phương, khi ở nhà riêng trên Hoàng Hoa Thám lúc ở trại dưỡng lão trên Sóc Sơn, dù sau này trí nhớ ông sa sút nhiều. Đáng quý ở Trần Phương là ấm áp với đồng nghiệp. NSND Thanh Vân bảo, ngay với những người trẻ như anh đi học việc, Trần Phương rất ân cần. Không đứng lớp giảng dạy nhưng Trần Phương rất có trách nhiệm với lớp trẻ mới chập chững vào nghề. “Anh Phương giúp đỡ nhiều người mới làm nghề, trong đó có Tất Bình. Anh nâng đỡ Tất Bình rất nhiều từ khi còn là diễn viên, sau này thành đạo diễn”, NSND Trà Giang nói. NSƯT Tất Bình thì coi Trần Phương là người thầy bởi “không có Trần Phương thì không có Tất Bình ngày nay”.
Kết thúc cuộc dạo chơi trần thế ở tuổi 91, NSND Trần Phương hẳn không còn điều gì hối tiếc. Diễn viên hay đạo diễn, dẫu ở vai trò nào ông đều có thành tựu rực rỡ.
NSND Trần Phương tên thật Trần Đức Phương, sinh 1930 tại Thái Nguyên. Ông qua đời sáng 26/8 tại nhà riêng, hưởng thọ 91 tuổi. Tang lễ tổ chức ngày 30/8 tại Nhà tang lễ thành phố 125 Phùng Hưng.