Trần Mạnh Tuấn: '20 năm qua Trịnh Công Sơn chỉ vắng bóng'
20 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 'trở về với cát bụi', bao thế hệ nghệ sĩ, ca sĩ, bao lớp khán giả vẫn tìm đến nhạc Trịnh...
Tối 9-4, nhân kỉ niệm 20 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (2001-2021), trường ĐH Văn Lang đồng hành cùng Gia đình nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn, với chủ đề “Những sớm mai Việt Nam”.
Đây là sự kiện thường niên được tổ chức hàng năm kể từ khi Trường ĐH Văn Lang khánh thành hội trường đại học đầu tiên tại Việt Nam mang tên cố nghệ sĩ.
Theo chiều dài năm tháng, những tác phẩm nhạc Trịnh đến với công chúng đã tạo nên một hình dung ngày càng hoàn chỉnh về di sản âm nhạc của cố nhạc sĩ trong gần nửa thế kỉ.
Di sản hơn 600 ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng đã cho công chúng thấy rõ thân phận của con người, của dân tộc Việt gắn liền với những thăng trầm của lịch sử trong nửa cuối thế kỉ 20.
Saxophonist Trần Mạnh Tuấn chia sẻ rằng bản thân rất vinh hạnh khi lần đầu tiên được chơi những giai điệu của Trịnh Công Sơn cùng với nhạc sĩ Dũng Đà Lạt tại hội trường này.
Tại chương trình văn nghệ, ông trải lòng: “Chúng tôi rất buồn khi phải cất lên tác phẩm này. Chúng tôi cố gắng nghĩ rằng đây chỉ là kỳ nghỉ dài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, anh chỉ đi vắng mà thôi.
Dường như trong tất cả các buổi biểu diễn của những nghệ sĩ chúng tôi, chúng tôi cảm nhận được anh vẫn đâu đó chia sẻ những yêu thương cũng như truyền năng lượng, tinh thần tốt đẹp nhất để những nghệ sĩ chúng tôi có nhiều cảm xúc hơn khi thực hiện ca khúc anh để lại.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn không giới hạn lứa tuổi. Và đây là tác phẩm tôi được chơi từ lúc 8 tuổi. Tôi không nghĩ rằng bản thân đủ may mắn để gặp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và trở thành người em được Trịnh Công Sơn dành cho một tình cảm rất đặc biệt” - Saxophonist Trần Mạnh Tuấn cho biết.
Anh chia sẻ rằng đây là ca khúc như để thả thính một cô gái nào đó của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lời bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất nên thơ và đôi khi hơi khó hiểu nên việc dịch ra tiếng nước ngoài là việc không mấy dễ dàng. Nhưng những giai điệu của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vô cùng đẹp và rất dễ nghe nên đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng”.
Saxophonist Trần Mạnh Tuấn cho biết thêm: “Suốt hai năm được ‘ở trọ’ trong âm nhạc Trịnh Công Sơn, tôi đã nhận ra được ý nghĩa tại sao chúng ta lại có mặt trên đời”.
Nữ ca sĩ Hoàng Trang chia sẻ chính mình là người may mắn được khai micro ở Lễ khánh thành hội trường Trịnh Công Sơn. May mắn lại được mọi người biết đến nhiều hơn qua ca khúc “Ta thấy gì đêm nay”. Cùng song ca với cô là anh chàng Nguyễn Đông.
Hằng năm, những sự kiện âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức tại hội trường trường ĐH Văn Lang. Đây là tiền đề để tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp cận và tìm hiểu các loại hình văn hóa nghệ thuật cũng như nối dài và lan tỏa tình yêu nhạc Trịnh ở người trẻ.
Đặc biệt, cùng đồng hành với chuỗi sự kiện 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn, bộ phim “Em và Trịnh” sẽ được ra mắt vào dịp Noel 2021.