Trăm năm hầu bóng - nhạc - văn

'Không có văn sẽ không có tín ngưỡng, không có nhạc sẽ chẳng còn văn. Đọc văn mà không được nghe nhạc thì cũng không thể hiểu, nghe nhạc mà không biết lễ thì cũng chả đến nơi' - nhà nghiên cứu Lê Y Linh đã chia sẻ trong cuốn sách 'Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn'.

Cuốn sách là câu chuyện lịch sử trăm năm của tín ngưỡng hầu bóng và nghệ thuật hát văn, đồng thời là tuyển tập đầy đủ nhất hàng trăm bài hát chưa công bố của một trong những “cây đại thụ” trong làng nhạc văn - hầu bóng: Thầy Phạm Văn Kiêm.

Trong các tín ngưỡng và phong tục thờ cúng của người Việt, không thể không nhắc đến tín ngưỡng hầu bóng với rất nhiều tên gọi: Hầu bóng, lên đồng, nhập đồng, thờ Tứ phủ, Tam phủ, thờ Chư vị, thờ Mẫu, thờ Thánh... Tín ngưỡng hầu bóng sống động và thay đổi theo thời gian, bởi “tùy tiền biện lễ, việc lễ lạt thiên biến vạn hóa và cung văn hầu nhạc cũng tùy cơ ứng biến”, các thể lệ, lời ca, điệu hát được sáng tạo và được truyền miệng qua các thế hệ. Điều đó cho phép duy trì và lan tỏa âm nhạc của nghi lễ, nhưng cũng khiến dễ tam sao thất bản.

Và thầy Phạm Văn Kiêm (còn được gọi là ông Khiêm, ông Kiêm chùa Vua, Phạm Đình Hiền) đã để lại một “di sản” cho thế hệ sau bằng bộ sưu tập các văn cổ mà ông đã đi sâu vào tìm tòi từ khi còn trẻ. Ông không chỉ sưu tầm, sáng tác, chép và lưu trữ văn một cách nghiêm cẩn trong vòng hơn nửa thế kỷ, mà còn luôn có ý thức truyền bá. Trong lời mở đầu của một số băng ghi âm, ông cho biết mục đích thu băng là để lại cho các thế hệ sau. Bộ sưu tập văn của ông kèm với băng nhạc là bộ được nhận dạng và xác định nguồn gốc đầy đủ nhất cho đến nay.

Cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” là sự đúc kết của hơn 40 năm mang máy thu thanh và sách bút theo thầy Kiêm học nhạc, học đạo, học lễ của nhà nghiên cứu Lê Y Linh kết hợp cùng những nghiên cứu tài liệu xưa và những kỳ điền dã bền bỉ theo các bậc cung văn trưởng lão từ những năm 1980 của tác giả. Cuốn sách gồm hai phần. Phần đầu miêu tả, chú giải, phân tích, tổng kết ngôn ngữ âm nhạc, cấu trúc điện thánh, diễn biến nghi lễ, thực hành hầu bóng trước năm 1990, qua đó khẳng định vai trò tổ nghề của thầy Kiêm cho các cung văn đương đại. Thầy Kiêm không chỉ thông thuộc lề lối cổ qua các bản văn, các sự tích các vị thần ở khắp các vùng miền Bắc, mà ông còn phát triển nghệ thuật hát văn đạt đến đỉnh cao của sự sáng tạo trên nền tảng những hiểu biết mà các lớp đàn anh để lại.

Phần thứ hai của cuốn sách công bố bộ sưu tập gần 200 bản văn của thầy Kiêm được đối chiếu với các bản văn cổ được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ vào đầu thế kỷ XX. Trong đó, 60 bản đã được nhà sưu tầm văn cổ Ngô Nhật Tăng chú giải chi tiết, cung cấp một công cụ vô giá để độc giả hiểu thêm vào Đạo, về Thánh. Theo tác giả Lê Y Linh, “nền tảng tư liệu âm nhạc này của thầy Kiêm có tầm quan trọng đặc biệt bởi thời gian tồn tại của nó” đó là hơn nửa thế kỷ bản lề giữa văn và lễ cổ với sự bung ra của thực hành nghi lễ ngày nay. Từ sau năm 1990, khi tín ngưỡng hầu bóng được tự do hoạt động, nhiều công trình nghiên cứu được công bố, nhưng “hiện chúng ta chưa có một bằng chứng rõ ràng của một bộ sưu tập nào khác có giá trị tương đương bộ sưu tập của Phạm Văn Kiêm”.

Dày hơn 800 trang, cuốn sách “Phạm Văn Kiêm và trăm năm hầu bóng - nhạc - văn” là nguồn thông tin tư liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng và những ai yêu mến nghệ thuật truyền thống nói chung, hát văn nói riêng. Cuốn sách do Công ty Sách và Truyền thông Việt Nam liên kết xuất bản cùng NXB Hội Nhà văn.

Vân Lam

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tram-nam-hau-bong-nhac-van-676640.html