TPHCM tồn đọng gần chục ngàn hồ sơ vì chờ bảng giá đất mới
Từ ngày 1 - 27/8, cơ quan thuế ở TPHCM đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ nhưng chưa thể giải quyết vì đang chờ hướng dẫn về bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...
Chờ hướng dẫn
Cục Thuế TPHCM vừa có văn bản khẩn, gửi UBND TPHCM về việc giải quyết hồ sơ đất đai từ ngày 1/8. Đây là lần thứ 2, Cục Thuế TPHCM có văn bản báo cáo về vấn đề này.
Theo đó, để giải quyết hồ sơ tính nghĩa vụ tài chính về đất đai được kịp thời, thống nhất, đảm bảo đúng quy định pháp luật, khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất có hiệu lực từ ngày 1/8, Cục Thuế TPHCM đã có công văn nêu những bất cập, vướng mắc trong quá trình giải quyết hồ sơ tại cơ quan thuế khi áp dụng quyết định số 02/2020/QĐ-UBND đối với các trường hợp áp dụng giá đất tại bảng giá đất theo quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024.
Cục Thuế TPHCM cho biết, từ ngày 1 - 27/8, cơ quan thuế đã tiếp nhận tổng cộng 8.808 hồ sơ. Trong đó, 346 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…)
Do đó, Cục Thuế TPHCM kiến nghị UBND TPHCM sớm ban hành quyết định điều chỉnh bảng giá đất và có hướng dẫn, chỉ đạo việc áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật (bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất, tỷ lệ phần trăm tính thu tiền thuê đất...) để cơ quan thuế kịp thời tính nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với các hồ sơ phát sinh từ ngày 1/8.
Ngoài ra, để tránh tồn đọng hồ sơ, khiếu nại, ảnh hưởng đến nhu cầu thực tế và quyền lợi hợp pháp của người dân, Cục Thuế TPHCM sẽ báo cáo Tổng cục Thuế về việc giải quyết các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Trước đó, chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời với chủ đề “Luật Đất đai 2024: Quyền lợi và nghĩa vụ người dân - trách nhiệm của chính quyền” vào sáng 18/8, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định, theo quy định của Luật Đất đai 2024, trường hợp nộp hồ sơ mà cấp tỉnh đã quyết định điều chỉnh giá đất, các chi phí được tính theo bảng giá đã điều chỉnh. Tuy nhiên, TPHCM chưa ban hành bảng giá đất điều chỉnh nên các sở, ban ngành đã báo cáo UBND TPHCM để trình lên Thủ tướng, xin hướng dẫn cụ thể.
“Việc này cũng không làm ách tắc hồ sơ đất đai của người dân. Các cơ quan thụ lý hồ sơ thì phải giải quyết. Còn vấn đề thu tiền có nội dung mà UBND TPHCM cần báo cáo Thủ tướng”, ông Thắng nói.
Còn ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, UBND TPHCM sẽ báo cáo HĐND TPHCM để nghe góp ý trước khi trình Ban Thường vụ Thành ủy. Bảng giá đất điều chỉnh của TPHCM phải phù hợp với quy định Luật Đất đai 2024 và phù hợp thực tiễn của địa phương.
“Vấn đề phát sinh là thực hiện nghĩa vụ tài chính sau ngày 1/8 sẽ áp dụng bảng giá đất nào. Đây là vướng mắc của cả các địa phương khác, không chỉ của TPHCM. Đầu tuần tới, UBND TPHCM sẽ ký văn bản báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính để tháo gỡ”, ông Cường nói.
Dừng tính thuế là sai
Hồi cuối tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã đưa ra dự thảo bảng giá đất để điều chỉnh Quyết định số 02/2020-QĐ-UBND của UBND TPHCM.
Theo dự thảo bảng giá đất này, 1 quận và 4 huyện có mức tăng giá đất tại một số vị trí đất trên 30 lần, cá biệt tại huyện Hóc Môn có mức tăng giá đến 51 lần.
Cụ thể, mức giá đất tại quận 1 tăng 5 lần; quận 3 tăng 4 - 9 lần; quận 4 tăng 11 lần; quận 5 và quận 7 tăng 6 lần; quận 6 tăng 5 - 11 lần; quận 8 tăng 4 - 18 lần; quận 10 tăng 5 - 6 lần; quận 11 tăng 4 - 9 lần; quận 12 tăng 3 - 33 lần; quận Bình Thạnh tăng 5 - 13 lần; quận Gò Vấp tăng 7 - 11 lần; quận Phú Nhuận tăng 7 - 8 lần; quận Tân Bình tăng 7 - 12 lần; quận Tân Phú tăng 7 - 17 lần; quận Bình Tân tăng 9 - 17 lần; TP. Thủ Đức tăng 6 - 35 lần; huyện Hóc Môn tăng 5 - 51 lần; huyện Củ Chi tăng 9 - 31 lần; huyện Bình Chánh tăng 2 - 36 lần; huyện Nhà Bè tăng 7 - 23 lần; huyện Cần Giờ tăng 8 - 23 lần.
Trước thông tin giá đất sẽ tăng đột biến, người dân TPHCM đã đổ xô đi làm thủ tục đất đai. Tuy nhiên hiện nay, các chi cục thuế tại TPHCM chỉ tính tiền sử dụng đất cho những hồ sơ nhận trước ngày 31/7. Đối với các hồ sơ sau ngày 1/8, tức ngày Luật Đất đai năm 2024 bắt đầu có hiệu lực, cơ quan thuế vẫn đang chờ hướng dẫn.
Theo bà Ung Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cần có thời gian cho người dân phản biện, từng quận, huyện tổ chức phản biện giá đất trên địa bàn thì sát thực tế hơn.
Hiện nay có tình trạng các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất có liên quan nghĩa vụ tài chính khi chuyển qua cơ quan thuế từ ngày 1/8 được thông báo phải chờ hướng dẫn. Bà Hương khẳng định, việc ngưng giải quyết hồ sơ cho người dân lúc này là hoàn toàn không đúng. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM nghiên cứu, tham mưu để UBND TPHCM có văn bản chỉ đạo giải quyết cho người dân.
“Việc ngành thuế dừng tính thuế của người dân là sai vì luật không hồi tố. Hiện nay, bảng giá đất mới chưa ban hành, bảng giá đất cũ vẫn còn hiệu lực nên phải tính thuế cho người dân theo bảng giá đất cũ”, bà Hương nói.