TP. Huế trực thuộc Trung ương: Ưu tiên đầu tư gì, phát triển lĩnh vực nào?

Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư được Huế xác định là công tác hết sức quan trọng. Lãnh đạo địa phương hiện rất quan tâm và đã có những định hướng cụ thể đối với công tác này.

Phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch, công nghiệp văn hóa

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay, địa phương đã xác định những lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư khi Huế trở thànhthành phố trực thuộc Trung ương.

Đối với ngành dịch vụ sẽ tập trung phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp như văn hóa, di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, biển và đầm phá, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề gắn với thương hiệu di sản cố đô Huế.

Huế chú trọng phát triển du lịch chuyên đề gắn với thương hiệu di sản cố đô Huế. Ảnh: Ngọc Văn.

Huế chú trọng phát triển du lịch chuyên đề gắn với thương hiệu di sản cố đô Huế. Ảnh: Ngọc Văn.

Huế sẽ phát triển du lịch thông minh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, du lịch xanh, bền vững; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế và có hàm lượng tri thức, công nghệ cao gắn với công nghệ số, kinh tế số, dịch vụ đô thị thông minh.

Thành phố này sẽ phát triển kinh tế di sản gắn với du lịch và công nghiệp văn hóa; xây dựng nền tảng kinh tế của thành phố dựa trên 3 trụ cột là kinh tế du lịch, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn; phát huy giá trị di sản bằng du lịch văn hóa, cảnh quan, đô thị và sinh thái. Huế thực hiện quy hoạch không gian để mỗi di sản trở thành hạt nhân tạo động lực phát triển.

Đối với ngành công nghiệp, Huế ưu tiên phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp điện tử, bán dẫn, thiết bị điện tử, viễn thông, công nghiệp vật liệu mới. Mặt khác, Huế ưu tiên phát triển một số ngành như sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu; khuyến khích phát triển các sản phẩm đồ uống, công nghiệp luyện kim gắn với cảng biển; sản xuất điện từ nguồn năng lượng xanh như hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex (thị xã Hương Thủy). Ảnh: Ngọc Văn.

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn nút khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Gilimex (thị xã Hương Thủy). Ảnh: Ngọc Văn.

Trong phát triển kinh tế biển và đầm phá, Huế sẽ tập trung xây dựng kinh tế biển là một trong những trung tâm mạnh của cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển và đầm phá.

Ngoài ra, Huế còn đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư nông thôn với các tiêu chí đảm bảo quy định, phù hợp với định hướng giữ gìn và phát huy các không gian đô thị di sản, chú trọng phát triển xanh, bền vững, thông minh và có nét đặc trưng riêng.

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư

Đề cập về những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ XVI về công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện bằng các quyết định, kế hoạch, chỉ thị về tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và tăng cường đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.

Huế sẽ tập trung xây dựng kinh tế biển. Ảnh: CCM.

Huế sẽ tập trung xây dựng kinh tế biển. Ảnh: CCM.

Trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), hệ thống hóa bộ TTHC, rút ngắn quy trình, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC, thường xuyên tham mưu UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định công bố TTHC chuẩn hóa thuộc chức năng quản lý.

Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, hằng năm, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, báo cáo những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bộ chỉ số PCI, đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cải thiện, nâng hạng bộ chỉ số một cách phù hợp...

Tỉnh đã xây dựng và vận hành phần mềm quản lý dự án ngoài ngân sách; kiện toàn và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả hơn 4 tổ công tác giám sát, quản lý các dự án đầu tư do Chủ tịch và 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách, sớm đưa vào hoạt động đối với các dự án đã được chấp thuận, lựa chọn nhà đầu tư; sớm hoàn thành thủ tục kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư…

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tp-hue-truc-thuoc-trung-uong-uu-tien-dau-tu-gi-phat-trien-linh-vuc-nao-post1705376.tpo