TP. Hồ Chí Minh: Nhiều thiếu sót trong hoạt động thu gom chất thải tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh

UBND xã Đa Phước (huyện Bình Chánh) thuê hai đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã nhưng tần suất thu gom thấp, UBND xã chưa sát sao kiểm tra nên xảy ra nhiều thiếu sót.

Thanh tra huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) vừa ban hành kết luận thanh tra (KLTT, số 186/KL-TTH) liên quan đến vấn đề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (chất thải) trên địa bàn xã Đa Phước. Trước đó, từ 24.10 - 11.12.2023, Đoàn Thanh tra đã thanh tra tại UBND xã Đa Phước.

Tần suất thu gom chất thải chưa đúng quy định

Trụ sở UBND xã Đa Phước, huyện Bình Chánh. Ảnh: Quang Phương.

Theo KLTT, trên địa bàn xã Đa Phước có 2 đơn vị thực hiện hoạt động thu gom CTRSH có tư cách pháp nhân gồm Công ty TNHH Dịch vụ Công ích Sài Gòn Xanh (Công ty Sài Gòn Xanh, Q.8, phương tiện thu gom: xe tải 1,9 tấn và 2,4 tấn) và Công ty TNHH Phan Trinh (Q.6, xe tải thu gom 3,5 tấn). Ngoài ra, các đơn vị thu gom còn sử dụng 6 xe thô sơ (xe lôi), chưa đạt chuẩn hoạt động.

Do đó làm ảnh hưởng tần suất thu gom, chất lượng vệ sinh môi trường… Các đơn vị thu gom không thực hiện ký hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội cho người thu gom rác nhưng UBND xã Đa Phước không kiểm tra, đề xuất xử lý vi phạm đối với các đơn vị thu gom.

Tần suất thu gom rác hiện nay trên địa bàn xã chưa đảm bảo theo quy định. Cụ thể tần suất thu gom từ 2 ngày/lần đối với tất cả các địa điểm trên địa bàn xã và 1 ngày/lần đối với các địa điểm ăn uống, trường học, chợ và khu dân cư. Tần suất thu gom chưa đảm bảo theo quy định điểm c khoản 2 Điều 6 Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 17.5.2019 của UBND TP. Hồ Chí Minh, đã được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND ngày 4.5.2021.

KLTT thể hiện, ngày 5.7 và 5.8.2022, UBND xã Đa Phước thực kiện ký hợp đồng về cung cấp dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã Đa Phước với Công ty Sài Gòn Xanh (508 hộ gia đình) và Công ty TNHH Phan Trinh (700 hộ gia đình). Cả hai hợp đồng đều có ghi Phụ lục danh sách đính kèm hợp đồng nhưng UBND xã Đa Phước không cung cấp được danh sách kèm theo. UBND xã Đa Phước xác định các đơn vị thu gom chưa ký hợp đồng vận chuyển chất thải với các hộ gia đình, chủ nguồn thải…

Trách nhiệm thế nào?

Một số tuyến đường tại xã Đa Phước dù có biển cấm đổ rác nhưng rác thải vẫn tràn lan. Trong ảnh là tuyến đường Bà Cả, tổ 10. Ảnh: Quang Phương.

KLTT xác định, UBND xã Đa Phước chưa ban hành quy chế sử dụng kinh phí trích từ nguồn thu giá dịch vụ vận chuyển chất thải trên địa bàn. Trong năm 2022, UBND xã Đa Phước đã thu giá vận chuyển và xử lý chất thải từ 2 công ty trên với số tiền hơn 99 triệu đồng (xã giữ lại hơn 17 triệu đồng, nộp Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực Bình Chánh hơn 82 triệu đồng). Thời gian công ty thu gom nộp tiền giá dịch vụ vận chuyển cho UBND xã chưa đảm bảo trước ngày 15 hàng tháng. UBND xã Đa Phước đã thực hiện truy thu từ tháng 2.2022 đối với Công ty Sài Gòn Xanh; Riêng công ty Công ty TNHH Phan Trinh chưa thực hiện truy thu nộp tiền giá dịch vụ vận chuyển từ tháng 2 đến tháng 7.2022.

Theo KLTT, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, triển khai các quy định về quản lý chất thải trên địa bàn xã chưa đạt kết quả có, chỉ có 1.208/7.517 hộ ký hợp đồng thu gom với đơn vị (tỷ lệ 16,07%); UBND xã không kiểm tra, giám sát để một số hộ gia đình, cá nhân không thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Điều này chưa đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Quyết định 12/2019/QĐ-UBND ngày 17.5.2019 của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Để xảy ra các thiếu sót trên trách nhiệm chung thuộc về nguyên lãnh đạo, lãnh đạo xã Đa Phước, Công chức địa chính nông nghiệp xây dựng và môi trường xã.

Tại huyện Bình Chánh, nhiều nơi còn vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt bằng các loại xe thô sơ, không đúng quy định. Ảnh: Quang Phương.

Từ những thiếu sót trên, Chánh Thanh tra huyện kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Đa Phước tổ chức kiểm tra, xử lý ngay đối với các hành vi vi phạm của các hộ gia đình, chủ nguồn thải và các đơn vị thu gom không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Chấn chỉnh các thiếu sót của các đơn vị thu gom như tăng cường tần suất thu gom; Chấn chỉnh tình trạng không trang bị đồ bảo hộ lao động cho công nhân, không ký hợp đồng và không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân…

Chấn chỉnh tình trạng chậm phát hành hóa đơn về thu giá dịch vụ vận chuyển chất thải và chuyển cho đơn đơn cung ứng ứng dịch vụ thu gom để giao cho các hộ gia đình, chủ nguồn thải đảm bảo thời gian quy định…

Tiếp tục vận động, thuyết phục các đơn vị thu gom ký hợp động với Công ty TNHH MTV DV Công ích huyện Bình Chánh. Trên cơ sở đó, thực hiện thanh lý hợp đồng đối với 2 đơn vị đã ký kết hợp đồng.

Quang Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/tp-ho-chi-minh-nhieu-thieu-sot-trong-hoat-dong-thu-gom-chat-thai-tai-xa-da-phuoc-huyen-nha-be-i360585/