TP. Hồ Chí Minh - Bước đi diệu kỳ gần nửa thế kỷ

Luôn đi trước, giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất, đóng góp nguồn thu ngân sách quốc gia nhiều nhất và còn nhiều cái nhất nữa... 49 năm sau ngày Thống nhất đất nước, TP. Hồ Chí Minh hôm nay có quyền tự hào về những bước đi diệu kỳ, những thành tựu đổi mới trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ qua.

Một góc TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Sài Gòn ngày ấy…

Ông Đinh Văn Ty - người chứng kiến thời khắc lịch sử của ngày 30/4/1975 và tiếp quản thành phố Sài Gòn ngày ấy, nhớ lại: Sài Gòn thời khắc ấy, không những không bị đổ nát hoang tàn mà còn gần như nguyên vẹn. Người người hồ hởi, đón nhận niềm vui không tả xiết, những tình cảm vỡ òa, hòa quyện giữa đoàn quân giải phóng với người dân ở lại.

Chú trọng các công tác an sinh xã hội

TP. Hồ Chí Minh chi gần 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi. Năm học 2023 - 2024 thành phố chi 1.847 tỷ đồng để hỗ trợ học phí, nhằm chia sẻ gánh nặng với phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, học sinh THCS trên địa bàn sẽ được miễn học phí 100%. Đến nay chỉ còn 8.410 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,33%) và 14.498 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,57%) so với tổng hộ dân thành phố.

Những ngày đầu tiên ngay sau ngày tiếp quản thành phố, hầu hết người dân, đặc biệt là thanh niên, thế hệ trẻ đều rất háo hức muốn góp sức mình để thành phố nhanh chóng đổi thay, phát triển. Ông Ty và hầu hết những cán bộ ở lại đều có chung nhận xét, thành phố vừa thoát khỏi chiến tranh, hậu quả nặng nề, đất nước bị cấm vận… việc khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế là một cuộc cách mạng lớn đòi hỏi sức chịu đựng, sự dấn thân của cán bộ, nhân dân.

Dẫu thành phố đã ổn định chính trị, nhưng phải đương đầu với thiếu đói, để rồi các nhà lãnh đạo thành phố đã tiên phong tìm lối thoát “phá rào”, giải phóng sức sản xuất cho người dân, khai thông các nguồn lực để "giải cứu" cho nền kinh tế. Các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau của thành phố lần lượt đưa ra những quyết sách đúng, phong trào hay hợp lòng dân như: xóa bỏ tàn dư của chế độ cũ; phát động thanh niên xung phong khai hoang mở đường; xây dựng những nông trường, những công trình đưa dòng điện, dòng nước về để khôi phục kinh tế.

Những cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo mang tính đột phá, tiên phong đã giúp cho thành phố này sớm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, đổi mới, vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế. Điều này giải thích vì sao, thành phố được coi là địa phương tiên phong trong công cuộc đổi mới, không chỉ "tự cứu mình" mà còn luôn lan tỏa, "truyền cảm hứng" cho cả nước.

TP. Hồ Chí Minh hôm nay

Gần nửa thế kỷ nhìn lại, có thể thấy, từ trung tâm của cuộc chiến tranh khốc liệt với bao bộn bề khó khăn, TP. Hồ Chí Minh đã vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế, như một phép màu kỳ diệu. Để có những thành tựu ấy, trước hết phải có một chính quyền của dân, vì dân, sẵn sàng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để cung cấp cho người dân những dịch vụ công tốt nhất, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.

Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của TP. Hồ Chí Minh đang ở vị trí thứ ba cả nước, với 6,392 triệu đồng/người/tháng. Với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2023, kinh tế TP. Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng gần 23% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia.

Đến cuối năm 2023, trên địa bàn thành phố có 12.398 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn hơn 57,63 tỷ USD (tiếp tục dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước).

Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống. Năm 2021 - 2023, tỷ trọng kinh tế của thành phố với cả nước có giảm đi một phần do đại dịch, nhưng thành phố vẫn là vùng động lực, không chỉ của vùng Đông Nam Bộ mà còn là của cả nước. Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh không chỉ là điểm đến của du khách trong nước mà còn là điểm đến của rất nhiều du khách quốc tế.

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh - PAPI 2023, do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) thực hiện mới được công bố vào đầu tháng 4/2024, cho thấy: TP. Hồ Chí Minh tiếp tục đứng đầu cả nước về tiêu chí là địa phương được nhiều người yêu thích và lựa chọn làm nơi sinh sống. Hiện TP. Hồ Chí Minh đang có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 58 địa phương trên thế giới.

Là Việt kiều Mỹ, 49 năm chưa một lần về quê, ông Tony Hoàng Khánh nay có dịp trở lại thăm TP. Hồ Chí Minh. Bên bến Bạch Đằng ngắm cầu Thủ Thiêm, ngoảnh lại nhìn khu trung tâm đô thị mới của thành phố với những con đường thảm nhựa khang trang, người xe qua lại đông đúc, thân thiện, ông Khánh không tránh khỏi bồi hồi xúc động.

Ông Khánh chia sẻ: “Bấy nhiêu năm xa quê, lúc nào cũng đau đáu nhớ về quê hương. Nhưng tôi không tin vào mắt mình, khi chứng kiến những gì đổi thay kỳ diệu của TP. Hồ Chí Minh hôm nay. Mọi cảm nhận trước đây trong tôi chỉ thông qua lời kể, nghe đài, xem ti vi, với nhiều thông tin chưa đầy đủ, chính xác… Hôm nay, tôi đón nhận thực tế kỳ diệu bằng những gì mắt thấy tai nghe”.

Năm 2023, một tin vui lớn, Nghị quyết 98/QH-2023 của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh ra đời được xem là nghị quyết của “ý Đảng - lòng dân”. Người dân thành phố xem đây như một luồng gió mới, được kỳ vọng tạo bước đột phá mới, bước đi vững chắc cho TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng tốc phát triển. Nghị quyết 98, với hàng loạt cơ chế, chính sách mà thành phố đang từng bước cụ thể hóa, được ví như động cơ mới mạnh mẽ của "con tàu" kinh tế thành phố sẵn sàng "tăng tốc", đột phá trong năm 2024 và những năm sắp tới.

49 năm xây dựng phát triển, thừa hưởng, tiếp nối những thế hệ cha anh đã không ngại khó khăn gian khổ, trong công cuộc đổi mới, người dân TP. Hồ Chí Minh hôm nay đang bắt nhịp, tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội... để vươn tới tầm cao mới. Người dân TP. Hồ Chí Minh đang tiếp tục vì cả nước, cùng cả nước vững tin, kỳ vọng vào một tương lai không xa, trở thành một trung tâm tài chính quốc tế, một thành phố mang danh hiệu luôn tiên phong, năng động, sáng tạo, thông minh, thân thiện, nghĩa tình.

Triển khai quyết liệt nhằm đạt nhiều mục tiêu tăng trưởng đột phá

Năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá. Theo đó, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình công tác của UBND thành phố; triển khai công tác tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Cụ thể: thành phố chủ động, sáng tạo, thích ứng linh hoạt, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, phấn đấu chỉ số cải cách hành chính của thành phố năm 2024 cao hơn so với năm 2023 về xếp loại và xếp hạng, thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước; đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; phấn đấu đóng góp của kinh tế số trong GRDP thành phố đạt 22%.

Về kinh tế, thàn phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn (GRDP) thành phố: từ 7,5 - 8%; hoàn thành 100% chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu tổng thu du lịch đạt trên 190.000 tỷ đồng; khách quốc tế đến thành phố đạt khoảng 6 triệu lượt; 100% hạ tầng công nghệ thông tin được rà soát, nâng cấp, đảm bảo liên thông kết nối từ thành phố đến cấp huyện và phường xã thị trấn; trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu về chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-ho-chi-minh-buoc-di-dieu-ky-gan-nua-the-ky-149637.html