TP.HCM giải thích việc đóng đường tạm 2 bên cầu Rạch Chiếc
Tại họp báo chiều 2/6, Sở Giao thông vận tải và chủ đầu tư đã thông tin về việc 'chủ đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội đóng đường tạm 2 bên cầu Rạch Chiếc.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, việc thi công đường song hành và đường chui dưới dạ cầu Rạch Chiếc do Công ty BOT Xa lộ Hà Nội là nhà đầu tư, tổ chức thi công đúng với thiết kế được duyệt.
Trước đây, các phương tiện đi từ dạ cầu Rạch Chiếc vào trung tâm TP.HCM, khi rẽ choán hết tuyến chính trên Xa lộ Hà Nội, không đảm bảo an toàn giao thông và thường xuyên gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Sau khi thi công xong tuyến đường song hành trái Xa lộ Hà Nội, nghiệm thu và đưa vào sử dụng, chủ đầu tư đã tiến hành thi công hoàn thiện bó vỉa, lề đường của khu vực dạ cầu Rạch Chiếc. Việc thi công lề đường đã làm mất lối đi tắt mà các hộ dân đã đi trước đây, gây hiểu lầm là “đóng đường”.
Sở Giao thông vận tải cũng đã tổ chức giao thông lại trên tuyến đường song hành. Với phương án mới sẽ hạn chế phương tiện từ dạ cầu Rạch Chiếc rẽ phải về trung tâm TP, giao cắt với tuyến chính.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, phương án mới này đảm bảo an toàn cao.
“Tôi khẳng định, phương án tổ chức giao thông này là phương án đảm bảo an toàn cao và rất phù hợp với tình hình thực tế. Sau khi tổ chức giao thông lại chỗ này cũng nhận định là có một số trường hợp sẽ phải lưu thông qua trạm thu phí thì Sở Giao thông vận tải cũng đã chủ động mời UBND TP. Thủ Đức, UBND phường Phước Long A để thông tin cũng như đề nghị các địa phương là thông tin cho người dân nắm được và chia sẻ cũng như là lưu thông theo đúng phương án tổ chức giao thông này”- ông Phan Công Bằng lưu ý.
Liên quan đến việc một số trường hợp trước đây đi theo đường tạm không đi qua trạm thu phí nhưng với phương án mới phải đi qua, ông Phan Công Bằng cho biết, khi xây dựng dự án, Sở Giao thông vận tải với các địa phương, nhà đầu tư đã đánh giá tính toán các trường hợp được miễn giảm…và thực hiện theo đúng phương án được duyệt. Cụ thể, diện được miễn giảm là các hộ có xe ô tô không kinh doanh, nhà ở mặt tiền đường Xa lộ Hà Nội; còn các hộ dân sống bên trong chưa có trong phương án.
Chủ đầu tư dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội là Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) cũng khẳng định “không cố tình ngăn đường để tận thu. Công ty chỉ hoàn thành thi công theo đúng thiết kế được duyệt, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả các phương tiện”.
Theo CII, các đường tạm 2 bên cầu Rạch Chiếc mà hiện nay các chủ phương tiện không tiếp cận được hoàn toàn không có trong quy hoạch, chỉ là đường tạm để thi công cầu Rạch Chiếc trước đây. Việc duy trì hệ thống đường tạm trong thời gian ban đầu là để phục vụ công tác tuần tra, duy tu cầu Rạch Chiếc. Khi đường song hành ở khu vực này đã hoàn thành, nhiệm vụ của đường tạm đã xong, cần phải trả lại mặt bằng theo quy hoạch và đảm bảo an toàn giao thông khu vực.
Trước đó, ngày 29/5, đường tạm dưới chân cầu Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức) bị rào chắn không cho ôtô chạy. Người dân sống gần trạm thu phí Xa lộ Hà Nội muốn vào trung tâm thành phố buộc phải đi qua trạm thu phí mới lên được cầu Rạch Chiếc. Nhiều người dân sống trong khu vực trên bức xúc khi cho rằng họ phải mất thêm tiền khi qua trạm thu phí để vào trung tâm thành phố./.