TP.Dĩ An: 'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' hướng dẫn người dân làm thủ tục
Trong quý I-2025, các thành viên của 43 tổ công nghệ số cộng đồng ở 43 khu phố thuộc 7 phường của TP.Dĩ An đã 'đi từng ngõ, gõ từng nhà', hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại nhà thông qua các mô hình hay trong giải quyết thủ tục hành chính thời công nghệ số. Cách làm này đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Không để ai ở lại phía sau
Với phương châm “không để ai ở lại phía sau” trong chuyển đổi số (CĐS), giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thời công nghệ số, lãnh đạo TP.Dĩ An đã phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện CĐS, cải cách TTHC. Cụ thể, thành phố đã phát động rộng khắp mô hình “Hành chính công lưu động” tại các khu phố, khu dân cư, khu chợ. Nếu như ở phường Bình An thành công với mô hình “Công dân số, gia đình số” thì ở phường Dĩ An, phường Tân Đông Hiệp có các mô hình hiệu quả hỗ trợ người dân cấp số nhà, đăng ký khai sinh, đăng ký tạm trú, thường trú, xác nhận thông tin lưu trú, đăng ký làm căn cước cho trẻ em dưới 6 tuổi ở từng khu phố.
Bà Lê Thị Ánh Minh, một tiểu thương ở chợ Dĩ An 2, chia sẻ: “Thời gian qua, người dân chúng tôi được hỗ trợ, hướng dẫn cài đặt VNelD, đăng ký chữ ký số miễn phí, các phần mềm hữu ích thanh toán trực tuyến tích hợp trên điện thoại thông minh rất tiện ích. Các hình thức này đã giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, vừa bán hàng vừa thực hiện được những TTHC cơ bản trên điện thoại như đăng ký hộ kinh doanh, lưu trú. Chúng tôi đánh giá cao các mô hình hay của cơ sở, nhất là tình nguyện viên đã đến từng tổ, các chợ truyền thống tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng AI vào đời sống hàng ngày; tuyên truyền phòng tránh các rủi ro, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho người dân, tiểu thương”.

Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Tân Đông Hiệp hướng dẫn người dân làm thủ tục qua điện thoại thông minh
Ông Đào Minh Luân, Chủ tịch UBND phường Tân Đông Hiệp, cho biết để hướng về nhân dân phục vụ, trong quý I-2025 cũng như trong năm 2024, phường cũng đã có nhiều sáng kiến, mô hình hay, bao gồm: “Đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến”; sáng kiến “Thành lập trang Zalo Official Account (Zalo OA) của UBND phường Tân Đông Hiệp”, sáng kiến tuyên truyền, nâng cao hiệu quả sử dụng DVC trực tuyến một phần và toàn trình... Các mô hình này đã được lực lượng tình nguyện, các tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tổ chức đến từng khu phố, khu dân cư, giúp nhân dân làm được các DVC trên môi trường điện tử để bổ sung dữ liệu vào kho dữ liệu của họ với mục tiêu toàn dân thực hiện được DVC.
“Xung kích” đến từng khu dân cư
Một hình ảnh rất đẹp đó là trong các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, tại các khu dân cư, khu phố ở TP.Dĩ An đều triển khai các mô hình “Hành chính công lưu động”. Tại đây, từng thành viên các tổ CNSCĐ đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân đăng ký được hơn 20.000 chữ ký số miễn phí. Đây cũng là kết quả tốt để TP.Dĩ An phấn đấu đến hết năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số cá nhân, thực hiện được thủ tục DVC.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết công tác thông tin tuyên truyền về CĐS, cải cách TTHC được quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng. Hiện nay, trên địa bàn TP.Dĩ An có 43 tổ CNSCĐ ở 43 khu phố với 290 thành viên. Các thành viên đã được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức CĐS, kỹ năng số và các kỹ năng cần thiết trong quá trình hoạt động. Các tổ CNSCĐ đã hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các DVC trực tuyến trên Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Bình Dương; sử dụng nền tảng số, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số.
“Từ phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các tổ CNSCĐ đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng công nghệ số hiệu quả; từng bước chuyển dần sang tuyên truyền, hướng dẫn trên môi trường số, mạng xã hội để tăng tính hiệu quả và kịp thời giúp người dân thực hành và làm được các TTHC trên môi trường mạng, các tiện ích, lợi ích của CĐS. Với sự hỗ trợ của các tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc CĐS Quốc gia, của tỉnh và thành phố”, ông Phạm Văn Bảy chia sẻ.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh, mỗi khu, ấp thành lập một tổ công nghệ số cộng đồng có từ 3 thành viên trở lên. Tổ công nghệ số cộng đồng được phân bổ số lượng nhân sự theo mật độ dân số và quy mô hộ gia đình. Mỗi thành viên phụ trách, hỗ trợ, hướng dẫn về công tác chuyển đổi số cho ít nhất 220 hộ gia đình, tính cả số hộ gia đình tạm trú. Đối với các khu vực mật độ dân số thưa, không đáp ứng điều kiện tối thiểu phân bổ thành viên sẽ duy trì tối thiểu 3 thành viên/tổ. UBND các xã, phường, thị trấn ban hành quyết định thành lập hoặc kiện toàn tổ công nghệ số cộng đồng với nội dung, gồm: Danh sách các tổ, số hộ quản lý, tổ trưởng và lập dự trù kinh phí hoạt động để thực hiện thanh quyết toán theo quy định hiện hành...