Công chức, KPI và AI
Từ ngày 1-4, sau thời gian triển khai thí điểm, tỉnh Khánh Hòa đã chính thức áp dụng Bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công việc (KPI) để đánh giá kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị tỉnh này. Và mới đây, khi làm việc với Cục Việc làm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Văn Thanh cho rằng cần thiết phải xây dựng KPI đánh giá mức độ hoàn thành công việc của mỗi cá nhân không chỉ trong Cục Việc làm mà còn ở các đơn vị khác.
Việc áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại như sử dụng KPI đang trở thành xu hướng. Trong tiến trình cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giả sử công cụ KPI được áp dụng trong môi trường công vụ thì đây là sự chuyển biến căn bản trong cách làm việc, tư duy và năng lực của đội ngũ công chức.
KPI vốn là công cụ quen thuộc trong khu vực doanh nghiệp. Khi được áp dụng vào khu vực công, KPI mang theo kỳ vọng tạo ra sự năng động, minh bạch, loại bỏ trì trệ và kém hiệu quả. Đồng thời cũng tăng cường tính minh bạch và tạo môi trường làm việc cạnh tranh lành mạnh, nơi cá nhân xuất sắc được ghi nhận, khen thưởng xứng đáng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng tích cực, việc áp dụng KPI trong môi trường công vụ cũng tạo ra không ít áp lực và lo ngại. Khác với khu vực tư nhân, nơi lợi nhuận là thước đo cuối cùng, thì khu vực công có nhiều mục tiêu phức tạp và đa dạng hơn, bao gồm cả các mục tiêu mang tính xã hội và phục vụ cộng đồng. Việc đo lường hiệu quả công việc của công chức đôi khi gặp khó khăn do tính chất công việc thường mang tính định tính, khó lượng hóa. Hơn nữa, việc quá chú trọng vào KPI có thể dẫn đến tình trạng "chạy theo thành tích", bỏ qua những yếu tố quan trọng khác như đạo đức công vụ, tinh thần phục vụ và sự hài lòng của người dân.
Trong bối cảnh bỏ cấp huyện và sáp nhập các đơn vị hành chính, cơ cấu tổ chức và phân công nhiệm vụ có những thay đổi lớn. Một mặt, việc này nhằm tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt khác cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho đội ngũ công chức. Công chức phải đảm đương nhiều nhiệm vụ hơn, với độ phức tạp và trách nhiệm cao hơn, đòi hỏi phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Áp lực về thời gian và hiệu suất làm việc cũng tăng lên đáng kể theo khối lượng công việc. Do đó, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trở thành yêu cầu cấp thiết.
Trong kỷ nguyên số, khi công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi mọi mặt của đời sống xã hội, việc ứng dụng những tiến bộ này vào công việc là xu hướng tất yếu. AI sẽ là công cụ hỗ trợ để công chức đạt KPI và nâng cao hiệu quả công việc. AI có thể hỗ trợ công chức trong nhiều khía cạnh: xử lý và phân tích thông tin nhanh chóng, chính xác để đưa ra quyết định tối ưu; tự động hóa nhiều quy trình hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức; giao tiếp và tương tác với người dân dễ dàng, hiệu quả hơn qua chatbot hoặc trợ lý ảo; quản lý và lưu trữ dữ liệu, đảm bảo tính kịp thời của thông tin.
Đã từng có những lo ngại về thị trường việc làm sẽ bị thu hẹp, nhiều người sẽ bị mất việc do sự thay thế của AI. Điều này đúng, nhưng chỉ rơi vào những trường hợp không chủ động học hỏi và chưa sẵn sàng đối mặt với thách thức, không biết cách tận dụng tối đa tiềm năng của AI để làm việc trong môi trường số hóa.
Trong bối cảnh cải cách hành chính mạnh mẽ và sự phát triển không ngừng của công nghệ, việc kết hợp KPI như một thước đo hiệu quả, cùng với AI như một công cụ hỗ trợ đắc lực, sẽ tạo ra những thay đổi căn bản. Tuy nhiên, công nghệ không thể thay thế con người, mà chỉ có thể phát huy tối đa giá trị khi được dẫn dắt bởi đội ngũ công chức có tư duy sử dụng. Làm chủ AI, đồng nghĩa công chức đã nắm trong tay “điều kiện cần” để có được KPI vượt trội.
Trong một thế giới mà công nghệ đang đi trước, lựa chọn như thế nào là của mỗi chúng ta!
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/171748/cong-chuc-kpi-va-ai