TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 27/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT LƯU TRỮ (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, 14h00 chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 27/11

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 27/11

Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử sẽ liên tục cập nhật nội dung thông tin:

14h00: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nội dung thứ nhất trong chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Mở đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội mời Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

14h01: Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, ngày 26/10/2023, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến tại Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ngay sau phiên họp, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 14/11/2023, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp 6. Ngày 25/11/2023, UBTVQH đã có Báo cáo số 699/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước (Chương III), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.

Có ý kiến đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu, về nội dung này, UBTVQH cho rằng, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua. Do đó, đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc quy định về dòng chảy tối thiểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4); khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).

Về khai thác, sử dụng tài nguyên nước (Mục 2, Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lượng nước được cấp phép để có thể linh động hơn trong điều kiện bình thường và bất thường như tại điểm h khoản 2 Điều 42 vì giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng trong điều kiện khai thác bình thường. UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Về ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan để quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác nước cho sinh hoạt. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51.

Tiếp thu, giải trình quy định về kê khai, đăng ký, cấp phép về tài nguyên nước (Mục 3, Chương IV), tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 5 Điều 53 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho các công trình thủy lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật.

Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 4, Chương IV), có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải. UBTVQH nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ; Đồng thời, khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.

Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước (Chương VI), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 72 và Điều 74 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm: (1) Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân tại khoản 5 Điều 34; (2) khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước tại khoản 4 Điều 72; (3) xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm tại điểm a khoản 1 Điều 74 thông qua ưu đãi đầu tư và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư.

Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).

Ngoài các vấn đề nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện văn phong, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 Chương, 86 Điều, bổ sung 07 Điều, bỏ 04 Điều, tăng 03 Điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội.

14h12: Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này..

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74%). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

14h15: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Tiếp tục điều hành phiên thảo luận chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tháng 11 vừa qua, các ĐBQH đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), có 30 lượt ý kiến phát biểu. Tổng thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp đầy đủ gửi đến ĐBQH.

Ngày 23/11/2023, Bộ Nội vụ đã có Báo cáo 6847 về tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH tại phiên thảo luận tổ và ý kiến thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) của Ủy ban Pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các vị ĐBQH tập trung phát biểu về một số vấn đề lớn sau: phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; thẩm quyền quản lý tài liiệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, thẩm quyền quản lý tài liiệu lưu trữ thuộc các ngành: quốc phòng, công an, ngoại giao; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ, cùng các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm.

Sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội mời đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu.

14h17: Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Đề nghị bổ sung làm rõ nội dung về lưu trữ lịch sử

Đại biểu Đỗ Văn Yên nêu rõ khoản 2 Điều 2 dự thảo Luật quy định lưu trữ lịch sử là cơ quan thực hiện hoạt động nghiệp vụ lưu trữ đối với tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn được tiếp nhận từ cơ quan tổ chức có thẩm quyền nộp lưu và đối với các tài liệu nộp lưu trữ khác theo quy định của pháp luật. Trong khi quy định hiện hành với khoản 1 Điều 19 Luật Lưu trữ năm 2011 được quy định lưu trữ lịch sử được tổ chức ở cơ quan Trung ương và cấp tỉnh để lưu trữ tài liệu có giá trị bảo quản vĩnh viễn thuộc Danh mục Tài liệu lưu trữ vào lịch sử tỉnh. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi thì chưa có quy định nêu trên. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung làm rõ lưu trữ lịch sử gồm những cấp nào và cơ quan nào có thẩm quyền thành lập, lưu trữ lịch sử khẩn cấp.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung làm rõ các loại tài liệu đã quy định tại Điểm c khoản 3 Điều 7 thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quản lý lưu trữ và Ủy ban nhân dân xã quản lý, lưu trữ để thống nhất thực hiện trong thực tiễn. Mặt khác, trong thực tiễn hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh cấp huyện vẫn có kho lưu trữ giao cho Phòng Nội vụ cấp huyện và quản lý chỉ đạo hoạt động lưu trữ cấp huyện. Tuy nhiên, trong điều luật chưa quy định rõ trách nhiệm quản lý, lưu trữ đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp xã và không đề cập đến cấp huyện. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ đối với Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Về tài liệu tiếp cận có điều kiện, đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị là Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể tiêu chí xác định tài liệu tiếp cận có điều kiện và điều kiện được khai thác tài liệu lưu trữ, tiếp cận có điều kiện.

Về xác định giá trị tài liệu, đại biểu Đỗ Văn Yên cho rằng việc dự thảo Luật quy định người đứng đầu cơ quan Bộ và cơ quan ngang bộ cơ quan thuộc Chính phủ quy định thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu của ngành lĩnh vực theo quy định. Đại biểu cho rằng sẽ tạo ra sự không thống nhất và sẽ bất cập khi thực hiện. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc vấn đề này để giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể chi tiết.

14h21: Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Có các quy định cụ thể tăng hiệu quả công tác lưu trữ tại cấp xã

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Phạm Thị Kiều quan tâm đến các quy định lưu trữ tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo đó, qua tìm hiểu thực tế tại địa phương cho thấy thực trạng công tác lưu trữ tại cấp xã hiện nay có nhiều bất cập, nhiều nơi tài liệu lưu trữ xếp tất cả vào một góc, không được bảo quản theo đúng quy định, không có kinh phí cho việc chỉnh lý, khi cần một tài liệu rất khó tìm kiếm.

Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị dự thảo luật quan tâm hơn đến công tác lưu trữ tại cấp xã; nên có một bộ phận lưu trữ ở cấp huyện để lưu trữ tài liệu của cấp xã; có thể không thành lập một bộ phận chuyên trách nhưng giao cho Văn phòng ủy ban nhân dân huyện tổ chức lưu trữ đối với các tài liệu lưu trữ thuộc diện lưu trữ mang tính chất lịch sử và những tài liệu lưu trữ liên quan đến công dân từ cấp xã chuyển lên cấp huyện.

Đại biểu cũng đề nghị quan tâm quy định cụ thể hơn về biên chế công chức và nguồn lực vật chất, chế độ chính sách cho người làm công tác văn thư lưu trữ, cơ sở vật chất.

Về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, đại biểu đề nghị cần có những bước đi phù hợp với khả năng về nguồn lực, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt, đối với tài liệu lưu trữ mang tính lịch sử bảo quản vĩnh viễn mà sản sinh ra bằng số thì in ra, sau đó xác thực của cơ quan lưu trữ và đưa vào kho. Như vậy sẽ vừa đảm bảo tính bảo quản vĩnh viễn tài liệu lưu trữ lịch sử, vừa đảm bảo sự tiếp nhận của người dân trong việc khai thác giá trị tài liệu lưu trữ.

Về lưu trữ tư, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu có cơ chế để người dân tự nguyện công bố tài liệu lưu trữ tư để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đồng thời, có cơ chế xác định giá trị tài liệu cũng như công bố giá trị tài liệu để những người có nhu cầu có thể khai thác được giá trị của tài liệu lưu trữ.

14h24: Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước: Sửa đổi Luật Lưu trữ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời bất cập, hạn chế trong thực tiễn về công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử.

Với mục tiêu phát triển lưu trữ tư nhân, nhà nước có những chính sách công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ đối với tài liệu lưu trữ tư nhân, tạo hành lang pháp lý, điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ lưu trữ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ. Dự thảo luật cũng đã quy định giá trị của tài liệu lưu trữ tư nhân, trách nhiệm của nhà nước, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc quản lý, sử dụng tài liệu lưu trữ tư nhân, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể của tổ chức lưu trữ tư nhân.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với các tài liệu lưu trữ tư, đảm bảo thống nhất với các quy định nội tại trong luật, rà soát bổ sung quy định về thẩm quyền, thủ tục đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị làm việc vào kho lưu trữ quốc gia.

14h30: Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh -Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh: Rà soát giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh -Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh bày tỏ thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật, cho rằng hồ sơ dự thảo Luật đã đủ điều kiện trình Quốc hội…

Quan tâm về phần giải thích từ ngữ, đại biểu cho biết, dự thảo Luật đang giải thích tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là tài liệu lưu trữ có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia về lịch sử, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 12 lại quy định là tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt có giá trị và tầm quan trọng đặc biệt với quốc gia và dân tộc. Do vậy, đại biểu đề nghị rà soát lại nội hàm của cụm từ “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc” biệt tại Điều 2 và Điều 12 để điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, tại Điểm 22 có đề cập đến cụm từ, đó là “lưu trữ ngoại tuyến”. Đại biểu cho rằng, quy định cụm từ này là chưa rõ nghĩa. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào phần giải thích từ ngữ cho phù hợp, đảm bảo dễ hiểu và thực hiện thống nhất.

14h35: Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Cần quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Hằng – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, công tác văn thư, lưu trữ có vai trò quan trọng, giá trị vô cùng to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo tồn văn hóa lưu trữ tiến trình phát triển của dân tộc ta, làm tiền đề hòa nhập vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên thế giới.

Luật Lưu trữ là nguồn thông tin gốc, phản ánh toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội, do đó, cùng với chức năng giữ gìn tài liệu, tư liệu lịch sử quốc gia, hoạt động lưu trữ còn nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, qua đó nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong quá trình hoạt động.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng nêu rõ, hiện nay, nhận thức của một bộ phân lãnh đạo, công chức, viên chức về vai trò, tầm quan trọng của công tác lưu trữ chưa được quan tâm dầy đủ, chưa quyết liệt nên việc tổ chức các nhiệm vụ lưu trữ chưa được quan tâm, kiểm tra giám sát thường xuyên. Trong khi đó pháp luật về lưu trữ chỉ quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công chức, viên chức nhưng chưa có chế tài xử lý các sai phạm liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu và của công chức, viên chức.

Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét quy định chế tài xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức khi xảy ra sai phạm vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ lưu trữ nhằm xử lý kịp thời, đúng kịp thời, tính chất, mức độ hành vi vi phạm, đảm bảo đúng quy định pháp luật.

14h41: Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Cần quy định tài liệu lưu trữ của cấp xã

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cơ bản thống nhất tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) kỳ này cho thấy, điểm mới về xác định phạm vi và đối tượng áp dụng mở rộng hơn so với trước, bổ sung các quy định về thẩm quyền quản lý về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu sớm, phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, hoạt động dịch vụ lưu trữ và lưu trữ tư.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho biết dự thảo Luật quy định Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7. Dự thảo Luật không quy định tài liệu lưu trữ của cấp xã là nguồn nộp lưu tài liệu và lưu trữ lịch sử của Nhà nước. Thực tế hiện nay ở cấp xã, khối lượng tài liệu hình thành rất lớn, trong đó có nhiều tài liệu gốc làm cơ sở dữ liệu quốc gia như hồ sơ hộ tịch dân số và tư pháp v.v. Ngoài ra, trong khối tài liệu cấp xã còn có tài liệu thuộc diện mật. Trong khi trong khi điều kiện quản lý tài liệu lưu trữ cấp xã chưa được đảm bảo mà nguyên nhân chủ yếu là không có kinh phí, mặt bằng và không có nhân lực chuyên trách.

Đồng thời, theo quy định, kho lưu trữ số không bố trí ở cấp xã. Điều này dẫn đến việc bảo quản tài liệu lưu trữ không được đảm bảo Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định tài liệu lưu trữ ở các xã cũng là nguồn nộp lưu tài liệu vào lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.

Góp ý vào khoản 2 Điều 17 tài liệu được thu thập là bản gốc bản chính, trong trường hợp không có bản gốc bản chính thì được thay thế bằng bản sao hợp pháp. Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên cho biết hiện nay, việc sử dụng bản sao các loại giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch, các thủ tục hành chính giao dịch dân sự rất phổ biến nhưng chưa có sự thống nhất. Để đảm bảo sự thống nhất về cách hiểu bản sao hợp pháp trong tài liệu lưu trữ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định và định nghĩa rõ về bản sao hợp lý tại khoản 2 Điều 17 của dự thảo Luật.

Về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thời gian, nguyên tắc và điều kiện cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề lưu trữ để làm cơ sở cho Bộ Nội vụ quy định chi tiết.

Về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển lưu trữ điện tử là một trong những chính sách mới, cơ bản của dự thảo Luật lưu trữ, sửa đổi. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể về nghiệp vụ lưu trữ điện tử trữ như về chỉnh lý xác định giá trị thống kê, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử…trong dự thảo Luật lần này.

14h46: Đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang: Cân nhắc kỹ quy định về việc hủy tài liệu lưu trữ

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Danh Tú - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, khoản 1, khoản 2 Điều 15 của dự thảo luật có quy định về việc hủy tài liệu đối với tài liệu lưu trữ hết giá trị, trong đó bao gồm tài liệu lưu trữ bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi.

Đại biểu cho biết, theo quy định của dự thảo luật, tài liệu bị hủy có thể bao gồm tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, nhưng bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi. Theo quy định tại Điều 12 của dự thảo luật, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là tài liệu có giá trị, tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, dân tộc Việt Nam, phản ánh lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc, quá trình hình thành, xác lập, thực thi chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, vật mang tin, hình thức trình bày độc đáo, có tính nghệ thuật, kỹ thuật, phương pháp chế tác độc đáo, tiêu biểu, điển hình cho thời kỳ lịch sử…

Đại biểu nhấn mạnh, tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt là những tài liệu đặc biệt quan trọng, dù có thể bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi, nhưng những phần còn lại của tài liệu đó vẫn có ý nghĩa, giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa, chứng tích, di sản lưu trữ về những giai đoạn lịch sử, sự kiện, con người.

Đại biểu cho rằng, sẽ rất ý nghĩa nếu trưng bày tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, mặc dù bị hỏng nặng, không còn khả năng phục hồi bên cạnh bản tài liệu dự phòng của tài liệu đó, với những thông tin bảo đảm tính toàn vẹn, chính xác, đầy đủ. Đại biểu đề nghị cần quy định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, dù bị hỏng nặng, không có khả năng phục hồi, vẫn cần tiếp tục lưu trữ, chuyển sang bảo tàng để lưu giữ, trưng bày, tiếp tục phát huy giá trị của các tài liệu quý này.

14h53: Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An: Cần khuyến khích hoạt động lưu trữ tư

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với việc bổ sung vào phạm vi điều chỉnh hoạt động lưu trữ tư…

Với định nghĩa tài liệu lưu trữ như trong dự thảo thì hiện nay số lượng tài liệu lưu trữ tư trong cộng đồng là tương đối lớn. Tuy nhiên, các loại tài liệu này hiện nay phần lớn đang được lưu trữ dưới hình thức rất đơn giản, thậm chí là chủ yếu đang nằm trong rương, hòm tại các gia đình, dòng họ, chưa được đánh giá để phát huy giá trị vốn có của nó.

Chính vì vậy, đại biểu Hiếu cho rằng, mục tiêu quan trọng nhất của việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động lưu trữ tư là khuyến khích người dân đăng ký để cơ quan nhà nước có thể thống kê đầy đủ thông tin về các tài liệu lưu trữ, nhất là đối với các tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt đang tồn tại trong cộng đồng.

Điều 45 của Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) hiện nay đang quy định về những chính sách hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ dừng lại ở các quy định chung, đồng thời cũng chưa có quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung các chính sách này.

Để khuyến khích sự tự nguyện tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư, đại biểu Hiếu cho rằng, cần có thêm những chính sách cho phép người dân đăng ký để được đánh giá giá trị của các tài liệu lưu trữ một cách miễn phí. Bên cạnh đó, thay vì chỉ quy định để cá nhân, tổ chức được ký gửi miễn phí tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào Lưu trữ lịch sử, dự thảo luật nên quy định các cơ quan lưu trữ nhà nước có thể ký hợp đồng bảo quản miễn phí hoặc có chi phí thấp đối với các kho tài liệu lưu trữ của các gia đình, dòng họ, tổ chức có số lượng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở một quy mô nhất định.

14h59: Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu: Đổi mới công tác lưu trữ trong tình hình mới

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry bày tỏ thống nhất với sự cần thiết về sửa đổi Luật Lưu trữ đã được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ; nhiều nội dung trong dự thảo Luật đã thể chế, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới công tác lưu trữ trong điều kiện mới, tập trung khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực hiện thực tiễn thi hành luật; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chủ trương về Chính phủ số và xã hội số.

Góp ý về giải thích từ ngữ tại Điều 2, đại biểu chỉ rõ có 24 phần giải thích từ ngữ, tuy nhiên có 9 từ ngữ được giải thích tại Điều 3 của Nghị định. Những từ ngữ mặc dù được giải thích trong Nghị định nhưng nội dung mang tính chuyên ngành sâu, có liên quan đến lĩnh vực lưu trữ và tài liệu lưu trữ. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu những nội dung này để quy định trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính đồng bộ....

Về các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 3 Điều 6 quy định "Mua bán, chuyển giao, hủy trái phép tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hủy trái phép tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt." Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ "hủy trái pháp tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt". Đại biểu chỉ rõ, nội dung tại khoản 3 và khoản 1 có sự trùng lắp. Theo đó, khoản 1 quy định về chiếm đoạt, phá hoại, làm mất mát tài liệu lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước quản lý và tài liệu lưu trữ đặc biệt.

Liên quan đến quản lý tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, khoản 1 quy định tài liệu liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt có giá trị và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia, dân tộc. Đại biểu cho rằng quy định này còn mơ hồ bởi không có tính quy phạm. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu về nội dung giải thích từ ngữ liên quan đến nội dung này.

15h05: Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Cần nghiên cứu, xây dựng khái niệm, rõ ràng, mạch lạc hơn để xây dựng quy định tài liệu điện tử, tài liệu số phù hợp

Quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn góp ý về tài liệu điện tử và tài liệu số. Về bản chất, tài liệu điện tử và tài liệu số là sản phẩm, bằng chứng về quá trình hoạt động của Chính phủ điện tử. Tài liệu điện tử và tài liệu số có những đặc điểm khác biệt với tài liệu lưu trữ giấy về định dạng và cách thức tạo lập, chuyển giao, khai thác, sử dụng và lưu trữ.

Qua rà soát, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nhận thấy, hiện nay một số khái niệm được Luật giải thích có nội dung khá gần nhau, khó phân biệt cụ thể. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xây dựng khái niệm để giải thích từ ngữ rõ ràng, mạch lạc hơn để xây dựng quy định quản lý tài liệu điện tử, tài liệu số phù hợp với đặc thù riêng có của lĩnh vực này.

Về xây dựng luật nói chung và Luật Lưu trữ (sửa đổi) nói riêng, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng, không nên và không cần quy định nguyên tắc “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trở thành nguyên tắc của hoạt động lưu trữ” được quy định tại Điều 3 của dự thảo và quy định như vậy là không phù hợp vì đã được cụ thể trong từng điều luật.

Về quy định tại Điều 4, đại biểu nhận thấy rất khó xác định “thế nào là ngang tầm thế giới”, quy định như vậy rất khó hiểu và khi so sánh thì cần so sánh với một đối tượng cụ thể. Do đó đề nghị cần nghiên cứu thêm quy định này.

Liên quan đến Điều 23 về chứng thực tài liệu của dự thảo Luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét tính thống nhất của điều này với các điều luật khác.

15h10: Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi: Đảm bảo đầy đủ, bao quát trong phạm vi điều chỉnh của luật

Cơ bản tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Lưu trữ, đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật quy định, Luật này quy định về quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ; hoạt động nghiệp vụ lưu trữ chung; hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tài liệu điện tử, tài liệu số; phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; hoạt động lưu trữ tư và tài liệu lưu tữ tư có giá trị đặc biệt; hoạt động dịch vụ lưu trữ và quản lý nhà nước về lưu trữ.

Đại biểu cho rằng, từ Điều 44 đến Điều 52 dự thảo luật quy định về hoạt động lưu trữ tư. Như vậy, dự thảo luật cũng quy định về hoạt động lưu trữ của các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, nội dung dự thảo luật không quy định về đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện lưu trữ theo đúng quy định của dự thảo luật. Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để nội dung được đầy đủ.

Điều 9 của dự thảo luật có quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ bảo quản tại Lưu trữ lịch sử nhà nước ở địa phương và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều 7 Luật này. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý và lưu trữ tài liệu lưu trữ quy định tại điểm c khoản 3 Điều 7 Luật này.

Đại biểu cho rằng những quy định này chưa thống nhất với quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về lưu trữ tại dự thảo luật. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong các quy định của pháp luật.

15h16: Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình: Bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Khánh Thu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, bổ sung phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Theo đó, tại Điều 1 phạm vi điều chỉnh quy định về quản lý tài liệu lưu trữ vào cơ sở dữ liệu lưu trữ nhưng khoản 1 Điều 2 về giải thích từ ngữ tài liệu là thông tin được tạo ra trên giấy, trên phương tiện điện tử…. Khoản 5 Điều 2 cũng giải thích tài liệu lưu trữ nhưng các quy định trong dự thảo luật chưa rõ ràng đối với một số khái niệm trong ngành y cần phải lưu trữ, đó là các mẫu máu, các mẫu bệnh phẩm giám định các lớp bệnh phẩm, giải phẫu bệnh hay các mẫu cuống rốn mà hiện nay ngành y đang phải thực hiện lưu trữ.

Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm các phạm vi điều chỉnh để có thể thực hiện rõ ràng hơn tại khoản 19 Điều 2 dự thảo luật quy định về chứng thực tài liệu lưu trữ là tài liệu do cơ quan tổ chức hoặc lưu trữ lịch sử thực hiện; xác định việc cung cấp thông tin cấp bản sao, cấp bản chính từ bản gốc tài liệu lưu trữ điện tử do lưu trữ cơ quan hoặc lưu trữ lịch sử đang quản lý. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát nghiên cứu thay thế cụm từ “cấp bản chính từ bản gốc tài liệu lưu trữ điện tử” thành “cấp bản sao tài liệu lưu trữ” vì dự thảo luật không có quy định về bản chính văn bản điện tử và phù hợp với khoản 2 Điều 8 của dự thảo luật đang xây dựng.

Tại điểm a khoản 3 Điều 14 dự thảo quy định: Hồ sơ tài liệu bảo quản có thời hạn có ý nghĩa, giá trị và được xác định thời hạn bảo quản 70 năm và dưới 70 năm, đạibiểu đề nghị ban soạn thảo rà soát nghiên cứu xem xét không nên giới hạn thời gian của hồ sơ tài liệu có thời hạn bảo quản là 70 năm. Đại biểu đề nghị sửa đổi: hồ sơ tài liệu bảo quản có thời hạn là tài liệu có ý nghĩa giá trị và được xác định thời hạn bảo quản bằng số năm cụ thể.

Góp ý vào Điều 15 dự thảo quy định về hủy tài liệu hết giá trị, đại biểu đề nghị ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, xem xét, bổ sung nội dung quy định về Hội đồng thẩm tra tài liệu hết giá trị tại lưu trữ cơ quan và hủy tài liệu lưu trữ chứa bí mật Nhà nước tại lưu trữ cơ quan để các cơ quan đơn vị có căn cứ thực hiện trong thực tiễn.

Bên cạnh đó đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ hơn về lưu trữ điện tử cũng như công tác bảo đảm an toàn thông tin đối với tài liệu lưu trữ điện tử, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và xây dựng Chính phủ điện tử.

15h21: Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Cân nhắc nội dung giải mật tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức

Đại biểu Cầm Thị Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị hồ sơ, tài liệu của cơ quan soạn thảo về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); bày tỏ tán thành với nhiều nội dung được nêu trong Báo cáo thẩm tra. Dự thảo Luật trình Quốc hội được sửa đổi tương đối toàn diện, điều chỉnh nhiều nội dung căn cứ trên tình hình thực tiễn hiện nay. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và phù hợp với xu thế trong hội nhập quốc tế.

Quan tâm tới quy định về giải mật tài liệu lưu trữ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc nội dung giải mật tài liệu lưu trữ của cơ quan, tổ chức trong hoạt động ở thời điểm giải mật tài liệu tại khoản 3 Điều 27 để thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 22 của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. ...

Về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, đại biểu chỉ rõ, Điều 49 dự thảo Luật quy định tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi Chính phủ, tổ chức kinh tế không phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, của cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng áp dụng quy định về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ tại Chương 3, Chương 4 của Luật này để thực hiện cho phù hợp.

Đại biểu cho rằng, việc đưa ra quy định tổ chức, cá nhân áp dụng quy định về hoạt động nghiệp vụ lưu trữ để thực hiện cho phù hợp là không thực sự bảo đảm tính bắt buộc của quy phạm pháp luật. Hơn nữa, tại báo cáo tổng kết thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011 đã nhận định, nhiều tài liệu lưu trữ hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, tư nhân có giá trị cao nhưng chưa được quan tâm, bảo quản, công chúng không có điều kiện tiếp cận, nhiều tài liệu bị thất thoát hoặc hư hại xuống cấp.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cơ chế, quy trình, thủ tục để bảo đảm tài liệu lưu trữ của tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng được bảo đảm thực hiện nghiêm về công tác lưu trữ cũng như bảo đảm tính thực thi của quy định pháp luật.

15h26: Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho tiếp cận tài liệu lưu trữ

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa ghi nhận dự thảo Luật thể chế hóa 4 nhóm chính sách dược Quốc hội thông qua khi đề nghị xây dựng luật. Hồ sơ dự án luật được chuẩn bị công phu, nhiều thông tin.

Đại biểu nêu rõ, tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển cũng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và từng địa phương. Để phát huy tốt vai trò của tài liệu lưu trữ, ngoài việc bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin của tài liệu lưu trữ, cần quan tâm đến công tác sử dụng, khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Bên cạnh các quy định về tạo lập nguồn tài liệu, dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ; phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Khoản 3 khoản 4 Điều 3 dự thảo Luật xác định nguyên tắc sử dụng rộng rãi, công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ dừng lại ở một số quy định liên quan đến việc khai thác tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kết cấu một chương riêng về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ gồm cả tài liệu đã được số hóa.

Về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng quy định của dự thảo Luật chưa chú trọng tới các quy trình nghiệp vụ lưu trữ điện tử. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát nội dung của dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, lưu trữ số trên cơ sở. Đồng thời, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.

Về hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ sự cần thiết của quy định của dự thảo Luật có nhất thiết phải coi đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Việc kiểm soát chất lượng lưu trữ có thể có nhiều công cụ khác nhau mà không nhất thiết phải kiểm soát thông qua điều kiện kinh doanh đầu vào.

Về chứng chỉ hành nghề lưu trữ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghịđề nghị đánh giá kỹ hơn sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì yêu cầu về chứng chỉ hành nghề lưu trữ như trong dự thảo Luật. Đề nghị làm rõ quy định dự thảo Luật có phải là chuyển thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ hiện nay ở cấp tỉnh, cấp Bộ hay không? Nếu chuyển như vậy thì có phù hợp với nguyên tắc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền như xác định trong dự thảo Tờ trình của chính phủ hay không?

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết thỏa thuận quốc tế.

15h31: Nghỉ giải lao (20 phút)

15h52: Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Làm rõ quy định về khuyến khích xã hội hóa lưu trữ

Thống nhất với sự cần thiết xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga cho rằng, về chính sách của Nhà nước trong việc xã hội hóa hoạt động lưu trữ, dự thảo luật có đề cập đến việc “khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi”. Đại biểu cho rằng quy định như trong dự thảo còn định tính, không rõ ràng, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn nữa, làm rõ như thế nào là khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xã hội hóa đối với một số lĩnh vực lưu trữ.

Tại Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cấm cản trở quyền hợp pháp của công dân khi tiếp cận tài liệu lưu trữ, đồng thời bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với hoạt động lưu trữ tư, bổ sung các biện pháp, chế tài áp dụng khi các quyền của chủ sở hữu bị vi phạm, đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lưu trữ.

Về Hội đồng thẩm tra giá trị tài liệu lưu trữ, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định, các cơ quan cấp xã thành lập hội đồng thẩm tra giá trị tài liệu lưu trữ, vì thực tế hiện nay, dù đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả thực hiện công tác lưu trữ tại cấp xã vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, như quản lý văn bản đi, đến chưa đáp ứng đúng theo quy định, chưa thực hiện các nhiệm vụ về công tác lưu trữ…

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về thành lập Hội đồng thẩm tra tài liệu lưu trữ cấp xã nhằm góp phần đảm bảo việc lưu trữ cấp xã được tập trung, thống nhất, lưu trữ tài liệu hiệu quả, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị tài liệu, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

15h58: Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Rà soát lại điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động lưu trữ

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, khoa học để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội lần này…

Đại biểu trí đồng tình với các đánh giá của Ủy ban Pháp luật đã đề cập trong Báo cáo thẩm tra. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn về “tài liệu phi vật thể”. Bởi tài liệu điện tử không có nghĩa bao gồm tài liệu vật thể.

“Liên quan đến điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động lưu trữ, tôi rất đồng ý với quan điểm của đại biểu Nghĩa đã phát biểu trước tôi. Dự thảo Luật đang quy định là cần có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trực tiếp các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, tôi thấy quy định như vậy là dài quá. Cần nên xem xét, cân nhắc lại”, đại biểu Trí nêu ý kiến.

16h04: Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế: Làm rõ quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư.

Tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Sửu quan tâm đến quy định về lưu trữ tư, trong đó dự thảo đã dành một Chương riêng về lưu trữ tư, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung nghĩa vụ và tách bạch giữa quy định quyền và nghĩa vụ trong Điều 46 cho rõ nội hàm hoặc chuyển khoản 1 và khoản 5 tại Điều 6 vào Điều 47 cho phù hợp. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần bổ sung làm rõ quyền sở hữu của tổ chức cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, của quốc gia.

Bên cạnh đó, quy rõ phạm vi quy định trách nhiệm thông báo và thực hiện quyền ưu tiên mua của nhà nước đối với tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt ở khoản 2 Điều 47 bằng việc bổ sung cụm từ “trong trường hợp tài liệu đó là tài sản thuộc di tích lịch sử văn hóa”; đồng thời đề nghị chỉnh lý tương tự như trên ở khoản 2 Điều 51 của dự thảo luật cho phù hợp.

Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về một số tài liệu lưu trữ của các tổ chức tôn giáo theo hướng lưu trữ lịch sử của nhà nước và nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, bởi một số tài liệu lưu trữ của tổ chức tôn giáo có nội dung, có giá trị đối với công tác nghiên cứu và hoạt động quản lý nhà nước.

Về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, đại biểu đề nghị điều chỉnh nhan đề của Chương 4 và thể hiện được tính bao hàm. Cùng với đó, tài liệu số là sản phẩm của chuyển đổi số ngành lưu giữ, đề nghị tách riêng điều khoản để làm rõ lộ trình, nguồn lực, cơ quan đầu mối quản lý và các cái điều kiện cần thiết khác, nhằm không chỉ để nâng cấp hạ tầng hạ tầng kỹ thuật hạ tầng hiện có mà còn thiết lập mới vận hành bảo trì quản lý tài liệu lưu trữ số trong suốt quá trình hoạt động.

Về cơ quan chuyên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng đề nghị chỉ giao một cơ quan đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc số hóa tài liệu lưu trữ, xây dựng kho lưu trữ số dùng chung cho cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương bảo đảm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và thuận tiện cho việc phân quyền quản lý, vận hành, trao đổi chia sẻ cơ sở dữ liệu lưu trữ…

16h09: Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Cần thiết bổ sung nội dung lưu trữ tư vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật

Quan tâm đến hoạt động lưu trữ tư, đại biểu Lý Tiết Hạnh nhận thấy, từ thực tiễn, có rất nhiều tài liệu quý cần lưu trữ ở trong dân. Việc bổ sung nội dung lưu trữ tư vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật lần này là cần thiết.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, hiện nay chúng ta có tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện và tài liệu lưu trữ tư. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện có tính chất bắt buộc, có quy trình chặt chẽ về kiểm tra, phân cấp, quản lý, phân loại cụ thể. Còn tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ… mang tính chất tự giác, tự nguyện, tự đảm bảo kinh phí hoạt động và được huy động để sử dụng nguồn lực hợp pháp để hoạt động. Do đó, hai hệ thống này có sự khác nhau rõ.

Tuy nhiên, về tổng thể, đại biểu Lý Tiết Hạnh nhận thấy, quy định về lưu trư tư và lưu trữ do Nhà nước vẫn giống nhau, cùng một hệ quy chuẩn, quy định. Và quy định như vậy sẽ có nhiều bất cập.

Do đó, để đảm bảo nguyên tắc chung của hoạt động lưu trữ, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cần rà soát kỹ các quy định về hoạt động lưu trữ tư để tương thích với các luật liên quan. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát đánh giá lại thực hiện việc lưu trữ tư hiện nay như thế nào, bổ sung một số quy định về lưu trữ tư, có thể tư nhân hóa một số nội dung liên quan đến lưu trữ của Nhà nước; hoặc kêu gọi cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hiến tặng, trao đổi hoặc hợp tác trong các hoạt động lưu trữ tư như thế nào…

16h15: Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Quy định rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ

Đại biểu Nguyễn Thị Huế bày tỏ tán thành với các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Góp ý về quyền của tổ chức cá nhân trong hoạt động lưu trữ tư tại Điều 46, đại biểu chỉ rõ, khoản 4 đã quy định quyền của tổ chức, cá nhân được ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ cho lưu trữ lịch sử.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung các quy định để rõ hơn quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ và cơ quan, tổ chức nhận ký gửi, hiến tặng tài liệu cho lưu trữ lịch sử....

Về quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ, đại biểu cho rằng tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu có quyền đề nghị được nhận lại tài liệu lưu trữ, được yêu cầu các điều kiện bảo quản tài liệu lưu trữ khi ký gửi, được giữ bí mật và ưu tiên sử dụng hồ sơ tài liệu, quyết định hồ sơ tài liệu lưu trữ, cho phép cơ quan, tổ chức cá nhân khác khai thác, sử dụng.

Về trách nhiệm, đại biểu đề nghị nên quy định trách nhiệm ưu tiên ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho Lưu trữ lịch sử các cấp; không được ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ quý, hiếm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; tuân thủ các thỏa thuận ký gửi tài liệu lưu trữ; trả phí ký gửi tài liệu lưu trữ.

Đối với quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức nhận tài liệu lưu trữ ký gửi, hiến tặng, đại biểu nêu rõ, quyền không nhận ký gửi tài liệu lưu trữ không có giá trị, có nguồn gốc bất hợp pháp hoặc không thống nhất được thỏa thuận ký gửi giữa hai bên; chấm dứt hoặc dừng hợp đồng ký gửi tài liệu lưu trữ nếu tổ chức, cá nhân ký gửi tài liệu lưu trữ không tuân thủ các điều kiện theo thỏa thuận ký kết. Đồng thời phải có trách nhiệm thực hiện đúng thỏa thuận ký gửi tài liệu lưu trữ; sử dụng các biện pháp bảo quản, sử dụng an toàn tài liệu lưu trữ.

16h18: Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Cần khắc phục những bất cập trong thực hiện chuyển đổi số

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh, lưu trữ là một trong những vấn đề hệ trọng, chính tài liệu lưu trữ là tài sản quý, được trao truyền giữa các thế hệ, phản ánh một cách chính thống những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, thậm chí phản ánh trình độ phát triển, văn minh của một quốc gia, dân tộc.

Đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ lên môi trường số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý.

Đại biểu cho rằng các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này, cụ thể, cần có các quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ số, các hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.

16h25: Đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Đề nghị tiếp tục rà soát làm rõ nhiều nội dung

Góp ý về giải thích từ ngữ về tài liệu lưu trữ tư, đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ dự thảo Luật quy định tài liệu lưu trữ tư là tài liệu lưu trữ được hình thành trong hoạt động thuộc sở hữu hợp pháp của các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức kinh tế không phải là doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong nhiều điều khoản khác của dự thảo luận, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng được nhắc lại như nhóm đối tượng thuộc loại hình lưu trữ từ. Tuy nhiên, trong thực tế có rất nhiều tổ chức hội đặc thù hoặc còn gọi là hội được Nhà nước giao nhiệm vụ được giao biên chế và hỗ trợ kinh phí hoạt động ở cả Trung ương và địa phương nhưng lại không được xếp vào nhóm tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội như trong dự thảo luật. Ở địa phương, các tổ chức này vẫn phải tuân thủ các quy định về lưu trữ như một tổ chức công, chịu sự quản lý và hướng dẫn về nghiệp vụ lưu trữ của cơ quan quản lý lưu trữ ở cấp tỉnh. Đề nghị bổ sung quy định làm rõ việc xét đối tượng này thuộc nhóm nào thuộc nhóm lưu trữ nào.

Về thành phần phông lưu trữ quốc gia Việt Nam, đại biểu cho biết dự thảo Luật chưa có quy định cụ thể về tài liệu lưu trữ tư. Mặt khác, điểm d khoản 3 Điều 7 dự thảo quy định về một trong các loại hình thuộc phòng lưu trữ nhà nước gồm tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của cơ quan, tổ chức không quy định tại các điểm a,b,c khoản này. Theo đại biểu, quy định như trên là chưa cụ thể và gây nhầm lẫn với đối tượng tài liệu lưu trữ tư nếu các cơ quan tổ chức đó đáp ứng các tiêu chí được định nghĩa tại khoản 24 Điều 2 của dự thảo. Bên cạnh đó, đề nghị quy định rõ hơn về vị trí của lưu trữ cơ quan trong hệ thống phòng lưu trữ Nhà nước.

Về cơ sở dữ liệu, tài liệu trong lưu trữ, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng quy định 4 nhóm cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ như dự thảo là chưa thống nhất với 3 nhóm phông lưu trữ quốc gia Việt Nam như đã quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật. Khoản 3 Điều 8 dự thảo quy định đối tượng cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ của bộ, ngành, địa phương chưa xác định rõ có là một phần cấu thành của đối tượng cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ, phòng lưu trữ Nhà nước Việt Nam hay không? Đại biểu đề nghị sửa đổi cụm từ cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ của bộ ngành địa phương tại khoản 3 Điều 8 dự thảo thành cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ thuộc lưu trữ Cơ quan của bộ, ngành, địa phương để phân biệt rõ với nhóm tài liệu thuộc diện phải lưu nộp lưu vào phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ, đại biểu chỉ rõ, dự thảo chưa quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống các cơ quan Nhà nước như Quốc hội, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao Văn phòng Chủ tịch nước v.v trong quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ. Đồng thời, cần xem xét quy định cụ thể về việc các tài liệu lưu trữ của các cơ quan cấp dưới thuộc các ngành quân đội, công an, ngoại giao ở địa phương có phải nộp lưu tài liệu lưu trữ vào lưu trữ lịch sử nhà nước ở địa phương hay không?

Về quản lý tài liệu lưu trữ trong trường hợp cơ quan tổ chức được tổ chức lại, giải thể, phá sản, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị xem xét quy định phù hợp để đảm bảo tính khả thi.

16h31: Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Quy định về điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ còn chưa phù hợp

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, về điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, dự thảo luật có đặt điều kiện: có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành lưu trữ; trường hợp tốt nghiệp đại học trở lên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng về lưu trữ do cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thẩm quyền cấp.

Đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế, vì hiện nay, chúng ta đang đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp về văn thư, lưu trữ. Nếu quy định như trong dự thảo luật, hai nhóm đối tượng đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp về văn thư, lưu trữ sẽ không đủ điều kiện để được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng có quy định về lưu trữ ở các xã, phường, địa phương, các cấp, các ngành, nếu quy định phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thì mới được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ thì sẽ không phù hợp. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này.

Về chính sách của Nhà nước về lưu trữ, khoản 4, Điều 4 trong dự thảo luật có quy định: Xây dựng xã hội lưu trữ, khuyến khích tổ chức, cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng bảo vệ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị cần có quy định rõ hơn về việc Nhà nước hỗ trợ xã hội lưu trữ như thế nào, khuyến khích cụ thể về vật chất, tinh thần ra sao, để đảm bảo tính rõ ràng, khả thi, có cơ sở vững chắc để triển khai luật trong thực tế.

16h36: Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Giải trình vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, toàn diện, phong phú và có rất là nhiều các ý kiến có chất lượng. Thay mặt ban soạn thảo, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu tối đa, nghiên cứu để tiếp tục hoàn phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo luật, đáp ứng được mong mỏi chung của đại biểu Quốc hội, cũng như của toàn dân.

Về một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng đã giải trình làm rõ hơn về một số nguyên tắc chung trong quá trình sửa đổi Luật lưu trữ. Theo đó, đây là luật chuyên ngành nhưng lại là luật mà có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giải trình vấn đề đại biểu quan tâm về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số. Trong quá trình xây dựng luật, ban soạn thảo cố gắn đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, về giao dịch điện tử, về an ninh mạng, về bảo vệ bí mật nhà nước… đáp ứng được yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.

Vấn đền đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ hơn về nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số và phải gắn với chuyển về số, Bộ trưởng trân trọng tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình đảm bảo nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này.

Tài liệu lưu trữ là tài liệu quý giá, là tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú trong đó có rất nhiều tài liệu có giá trị quý hiếm của quốc gia, dân tộc và là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Do vậy. việc sửa đổi luật bám sát các nguyên tắc đó là sửa đổi căn bản toàn diện trên tinh thần chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực lưu trữ; vừa kế thừa vừa bổ sung vừa phát triển toàn diện về luật hiện hành; đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và đĐảm bảo đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành.

Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ đó chính là bảo quản và lưu trữ, phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ - đây là mục tiêu quan trọng và là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam và cũng là để thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa về cái lĩnh vực lịch sử.

Giải trình vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan đến lưu trữ tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, mô hình lưu trữ tư nhân chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ và tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới. Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để thiết kế một cách cụ thể hơn, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư rõ ràng, mạch lạc và các tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm cụ thể trong quản lý lưu trữ tư, nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực tư trong quản lý lưu trữ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng giải trình ý kiến đại biểu về quy định liên quan đến lưu trữ ở cấp xã, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; về hoạt động dịch vụ lưu trữ; về ngành nghề kinh doanh có điều kiện….

16h51: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong phiên họp chiều nay, có 22 lượt ý kiến phát biểu, không có đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, khẩn trương, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới.

Đồng thời các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú sinh động, từ cơ sở, từ yêu cầu kế thừa và phát huy các yếu tố truyền thống, kết hợp với hiện đại hóa, thực hiện có hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều quy định chi tiết, vừa bao quát, vừa cụ thể cả về nội dung quy định, cả về kỹ thuật lập pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, yêu cầu đặt ra với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đặt ra là tiếp tục tiếp thu đầy đủ, xác đáng, nghiêm túc ý kiến của ĐBQH để hoàn chỉnh dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã báo cáo làm rõ các vấn đề quan trọng mà đại biểu quan tâm.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngay sau kỳ họp này, UBTVQH sẽ phối hợp với Chính phru chỉ đạo các cơ quan thẩm tra, cơ quan trình và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội, lấy thêm các ý kiến của chuyên gia, cơ quan, các nhà quản lý, các hội nghị, hội thảo để hoàn chỉnh dự thảo Luật, báo cáo tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để hoàn chỉnh, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82594