Tổng thống Mỹ đề xuất luật cải tổ Tòa án Tối cao: Nhiệm vụ bất khả thi

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ thúc đẩy một đạo luật nhằm mang lại những cải tổ cơ bản đối với Tòa án Tối cao liên bang, trong đó có việc giới hạn nhiệm kỳ của các thẩm phán và xây dựng bộ quy tắc đạo đức mang tính ràng buộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh ông còn chưa đầy 6 tháng nắm quyền và đảng Cộng hòa đang kiểm soát Hạ viện, kế hoạch của ông có vẻ là một nhiệm vụ bất khả thi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Austin, Texas hôm 29.7. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Austin, Texas hôm 29.7. Ảnh: AP

Giới hạn nhiệm kỳ

Phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày ra đời Đạo luật Quyền dân sự tại Austin, Texas hôm 29.7, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chi tiết đề xuất cải cách Tòa án Tối cao Mỹ. Theo đó, ông đề nghị mỗi thẩm phán sẽ chỉ có nhiệm kỳ 18 năm và tổng thống đương nhiệm cứ hai năm một lần sẽ bổ nhiệm một thẩm phán mới thay thế. Hiện tại theo quy định của Hiến pháp, các thẩm phán Tòa án Tối cao đang phục vụ không giới hạn nhiệm kỳ và được bổ nhiệm trọn đời.

Ông chủ Nhà Trắng lập luận rằng việc giới hạn nhiệm kỳ sẽ giúp đảm bảo Tòa án Tối cao được thay đổi thành viên một cách thường xuyên hơn, quá trình đề cử thẩm phán mới cũng trở nên dễ dự đoán hơn.

Bộ quy tắc đạo đức

Ngoài ra, ông Biden cũng nêu bật một loạt quan ngại về mặt đạo đức, đe dọa sự liêm chính của tòa án. Về điểm này, ông Biden cũng muốn thiết lập một bộ quy tắc đạo đức dành cho các thẩm phán, yêu cầu họ phải công bố các quà tặng bản thân nhận được, tránh tham gia hoạt động chính trị công khai và không tham gia xét xử các vụ án mà họ hoặc vợ/chồng họ có xung đột lợi ích về tài chính hoặc các vấn đề khác.

Ngoài ra, ông Biden cũng kêu gọi sửa đổi Hiến pháp nhằm giới hạn quyền miễn trừ rộng rãi của Tổng thống mà 6 thẩm phán theo tư tưởng bảo thủ đã ủng hộ trong phán quyết công bố vào cuối tháng trước.

Ông Biden còn kêu gọi sửa đổi Hiến pháp để đảo ngược phán quyết mang tính bước ngoặt hồi tháng 7 của Tòa án Tối cao. Hội đồng thẩm phán khi đó xác định các cựu tổng thống được hưởng quyền miễn tố với hoạt động công vụ, song quyền này không áp dụng với các hành động cá nhân. Quyết định này đã khiến quá trình xét xử cáo buộc cựu tổng thống Donald Trump tìm cách lật kèo bầu cử hồi năm 2020 bị trì hoãn thêm. Ứng viên đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ không phải ra tòa trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Ông Biden cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao cho phép Tổng thống được hưởng các quyền miễn trừ lớn, bao gồm quyền miễn truy tố ngay cả khi phạm tội là một ví dụ của việc ra quyết sách nguy hiểm và cực đoan, đặt tất cả người dân Mỹ trước những nguy cơ.

Không ai đứng trên luật pháp

Trong một bài viết trước đó nhằm công bố kế hoạch cải tổ Tòa án Tối cao đăng trên tờ Washington xuất bản vào sáng 29.7, ông Biden viết: "Đất nước này được thành lập dựa trên một nguyên tắc đơn giản nhưng sâu sắc: Không ai đứng trên luật pháp. Không phải tổng thống Mỹ. Không phải một thẩm phán tại Tòa án Tối cao Hoa Kỳ. Không ai cả". "Những gì đang xảy ra hiện nay là không bình thường và nó làm suy yếu niềm tin của công chúng đối với các quyết định của tòa án, bao gồm cả những quyết định ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân", Tổng thống Mỹ viết.

Đề xuất được ông Biden đưa ra trong bối cảnh các thành viên đảng Dân chủ đang ngày càng bất mãn với Tòa án Tối cao, sau khi hội đồng thẩm phán ra phán quyết đảo ngược các quyết định mang tính bước ngoặt về quyền phá thai và quyền điều chỉnh của chính quyền liên bang trong các vấn đề về y tế, môi trường, an toàn lao động và bảo vệ người tiêu dùng, vốn đã có hiệu lực trong nhiều thập kỷ.

Các thành viên đảng Dân chủ cũng cho rằng một số thẩm phán bảo thủ trong Tòa án Tối cao có những mối quan hệ và quyết định đáng ngờ, gây ảnh hưởng tới tính khách quan khi ra phán quyết. Tòa án Tối cao Mỹ hiện có tổng cộng 9 thẩm phán, trong đó 6 người thuộc phe bảo thủ, còn lại là phe tự do.

Nhiệm vụ bất khả thi

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng sự chia rẽ sâu sắc hiện nay trong Quốc hội khiến những cải cách này khó có thể đưa thành luật. Trên thực tế, thủ tục để sửa đổi Hiến pháp không hề đơn giản. Một kiến nghị sửa đổi sẽ phải được đề xuất bởi ít nhất 2/3 nghị sĩ tại lưỡng viện Quốc hội hoặc tại một đại hội Hiến pháp do ít nhất 34 tiểu bang yêu cầu tổ chức. Sau đó, kiến nghị này sẽ phải được Quốc hội của ít nhất 38 tiểu bang thông qua.

AP cũng cho rằng, khả năng Quốc hội thông qua một dự luật như vậy gần như là con số 0 trong bối cảnh phe Cộng hòa đang nắm đa số tại Hạ viện và chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là tới ngày bầu cử. Lần cuối cùng Quốc hội Mỹ phê chuẩn việc sửa đổi Hiến pháp là năm 1992.

Trên thực tế, đề xuất này cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe Cộng hòa. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã tuyên bố dự luật này sẽ "chết yểu" ngay khi được trình lên Hạ viện.

Cựu tổng thống Trump hồi đầu tháng gọi ý tưởng cải cách Tòa án Tối cao của ông Biden là hành động tuyệt vọng của phe Dân chủ nhằm "đóng vai trò trọng tài". Ông cáo buộc đảng của ông Biden đang tìm cách can thiệp cuộc bầu cử tổng thống, tấn công nền tư pháp và các đối thủ chính trị.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris đã ca ngợi nỗ lực của Tổng thống Biden, khẳng định sẽ đồng hành với nhà lãnh đạo thứ 46 của Nhà Trắng trong nỗ lực này.

Còn bà Elizabeth Warren, thượng nghị sĩ Dân chủ đến từ bang Massachusetts, hôm 28.7 cho biết đề xuất cải cách của ông Biden là lời nhắc nhở với người dân Mỹ rằng "khi họ bỏ phiếu vào tháng 11, Tòa án Tối cao cũng có tên trong lá phiếu". "Đó là lý do nên bỏ phiếu cho Phó Tổng thống Kamala Harris và đảng Dân chủ tại Thượng viện và Hạ viện", bà nói.

Quỳnh Vũ (Theo AP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/tong-thong-my-de-xuat-luat-cai-to-toa-an-toi-cao-nhiem-vu-bat-kha-thi-i382633/