Tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ
Sáng nay 18-3, tại Trung tâm hội nghị Trường Chính trị tỉnh Bình Phước diễn ra hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, do TP. Hồ Chí Minh phối hợp với tỉnh Bình Phước tổ chức.
Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông; Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thị Minh Trâm; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy.
Cùng dự có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An; và đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An tham dự hội nghị
Phía Bình Phước có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thành viên UBND tỉnh.
Khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ
Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án từ các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho các địa phương trong vùng.
Vùng Đông Nam Bộ với diện tích 23,6 ngàn km2, dân số hơn 18 triệu người. Đây là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển, đóng góp to lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm của cả nước.
Đông Nam Bộ có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước; là địa bàn thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI của cả nước; trong đó, TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân của vùng, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và của cả nước.
Trong những năm qua, nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; các tỉnh, thành phố trong vùng luôn tích cực đổi mới tư duy, tầm nhìn, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Bình Phước sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Đối với Bình Phước, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh với TP. Hồ Chí Minh trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến nay, Bình Phước có 206 dự án của các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh, với số vốn đăng ký gần 20 ngàn tỷ đồng; có 2 siêu thị Co.op Mart tại thành phố Đồng Xoài và huyện Đồng Phú, có 71 cửa hàng tiện ích Bách Hóa Xanh tại 11 huyện, thị xã, thành phố. Các hoạt động hợp tác về văn hóa, du lịch, y tế, giáo dục, thông tin truyền thông và an sinh xã hội ngày càng có nhiều kết quả tốt đẹp.
Qua đó, có thể khẳng định, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Bình Phước với TP. Hồ Chí Minh rất có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Phước trong nhiều năm qua.
Với vị trí chiến lược, Bình Phước cách TP. Hồ Chí Minh 110 km, có vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cầu nối giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên; tỉnh còn là cửa ngõ giao thương hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; thời gian qua Bình Phước đã đón nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, Bình Phước có 15 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có 13 KCN với diện tích 6.065 ha,đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Trong đó, KCN Becamex Bình Phước với diện tích 2.450 ha và KCN Minh Hưng - Sikico 655 ha, là 2 KCN có quy mô lớn, hạ tầng đầu tư đồng bộ, giao thông thuận tiện; KCN Minh Hưng - Sikico được VCCI công nhận là “KCN tiêu biểu năm 2022”.
Theo quy hoạch tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương thẩm định, đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của tỉnh Bình Phước là khoảng 10.000 ha; trong đó có KCN Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song song với quy hoạch, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành 58 đề án, chương trình, kế hoạch có tính định hướng quan trọng trong các ngành, lĩnh vực: Từ kết cấu hạ tầng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, đến khoa học - công nghệ, đô thị, chuyển đổi số, nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính, huy động nguồn lực đầu tư, văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Liên kết phát triển phải có trọng tâm, trọng điểm, tạo lập không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng
Thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh chỉ mới ký kết hợp tác với 3 tỉnh vùng Đông Nam Bộ và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Việc hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa các địa phương như: thương mại; công thương; nông nghiệp; xúc tiến đầu tư; du lịch; khoa học và công nghệ; thông tin và truyền thông; đô thị, môi trường; giao thông vận tải; văn hóa, thể thao; phát thanh, truyền hình; lao động và xã hội; an ninh, trật tự. Qua chương trình hợp tác đã có được những kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực…
Với vai trò là hạt nhân trong liên kết phát triển kinh tế vùng, tại hội nghị này, TP. Hồ Chí Minh đã có thỏa thuận hợp tác phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội với tất cả các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, nhằm phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và các mối quan hệ đối ngoại. Qua đó, nâng cao hơn nữa tầm giá trị vùng đảm nhiệm chức năng đầu mối giao lưu với khu vực và thế giới, đi đầu trong hội nhập quốc tế của cả nước. Phát huy vai trò là khu vực trung tâm giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; trung tâm nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ và trung tâm công nghiệp hàng đầu cả nước.
Đánh giá về tầm quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và kết quả của chương trình hợp tác, đồng thời thúc đẩy, phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị: Các tỉnh và các doanh nghiệp trong quá trình liên kết phát triển phải tạo lập được không gian kinh tế chung cho tăng trưởng của toàn vùng và của TP. Hồ Chí Minh; phát huy tốt nhất lợi thế từng địa phương và của vùng. Việc hợp tác cần có trọng tâm, trọng điểm; trong đó ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của từng địa phương, doanh nghiệp có lợi thế để tạo môi trường thuận lợi và tiền đề cho sự phát triển chung của cả vùng. Cụ thể là các lĩnh vực hợp tác phát triển nông nghiệp, thương mại – dịch vụ; hợp tác phát triển để kết nối mạng kết cấu hạ tầng giao thông; hạ tầng thông tin và truyền thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật; cung cấp các dịch vụ hạ tầng công nghiệp và sản phẩm du lịch; kinh tế biển và đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch.
Trong quá trình phát triển, muốn đạt tốc độ phát triển nhanh và bền vững, các địa phương cần phát huy tối đa thế mạnh của ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Đặc biệt, cần chú trọng phát huy tối đa lợi thế của vùng Đông Nam Bộ; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; đặc biệt là các giải pháp hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Hạ tầng đi trước, doanh nghiệp theo sau
Đánh giá về sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bình Phước trong thời gian vừa qua, ông Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico cho rằng: Vùng kinh tế Đông Nam Bộ rất năng động, trong đó TP. Hồ Chí Minh có vai trò nòng cốt và các tỉnh lân cận là khu vực vệ tinh đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Vì vậy khi các địa phương, doanh nghiệp được gắn kết, liên kết mạnh mẽ sẽ tạo nên không gian rộng lớn để cùng nhau phát triển kinh tế - xã hội, xứng tầm với vị trí đầu tàu phát triển kinh tế phía Nam. Việc kết nối vùng các tuyến giao thông kết nối giữa các tỉnh, thành, khu vực mang tính quyết định rất lớn trong tốc độ phát triển kinh tế của mỗi địa phương cũng như khu vực. Đối với Bình Phước, thời gian qua tỉnh đã có nhiều ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy phát triển kinh tế, từ đó thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến với tỉnh đầu tư, kinh doanh. Với kinh nghiệm đầu tư tại Bình Phước, Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico được tạo điều kiện thuận lợi về chính sách đầu tư, góp phần vào sự thành công của doanh nghiệp trong thời gian. Ông Huỳnh Thành Chung mong muốn thời gian tới sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh, thành trong khu vực và nhà đầu tư trên thế giới đến đầu tư tại Bình Phước.
Liên quan đến chính sách đầu tư, hạ tầng giao thông, đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai mong muốn TP. Hồ Chí Minh với thị trường lớn sẽ có nhiều hơn nữa chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ, thị phần thị trường; giúp kết nối các doanh nghiệp của Đồng Nai trong vấn đề phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc kết nối hạ tầng giữa tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh vẫn có một số điểm nghẽn tác động đến phát triển kinh tế. Hy vọng với vị thế của mình, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về giao thông, xúc tiến đầu tư và hoàn thành sớm các dự án trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của vùng Đông Nam Bộ nói chung để phát triển xứng tầm với tiềm lực của các địa phương, của vùng trong thời gian tới. Hạ tầng đi trước, doanh nghiệp sẽ theo sau.
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ về vấn đề kết nối hạ tầng. Hiện nay, mặc dù có những dự án lớn về giao thông góp phần hoàn thiện hạ tầng nhưng việc tăng liên kết vùng vẫn chưa được thực hiện, phần nào hạn chế tốc độ phát triển của các địa phương, của vùng Đông Nam Bộ.
* Bình Phước Online tiếp tục cập nhật thông tin