Tổng hợp COVID-19 ngày 8/2: Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh trở lại trường; thêm 21.909 ca nhiễm mới
Thông tin thời sự về dịch COVID-19 tại Việt Nam ngày 8/2 thu hút sự quan tâm của dư luận là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu công tác phòng chống dịch không để tái phát, tổ chức cho học sinh đến trường phải tuyệt đối an toàn; thêm 21.909 ca nhiễm mới và cảnh báo một số địa phương có xu hướng tăng cao ca nhiễm mới sau Tết.
Tổng Bí thư: Phòng chống dịch không để tái phát; tổ chức cho học sinh đến trường phải tuyệt đối an toàn
Sáng 8/2, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 8/12/2021 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nhâm Dần năm 2022 và Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh cấp ủy, chính quyền các cấp đã nghiêm túc triển khai Chỉ thị 11-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 35/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, nhân dân vui Xuân đón Tết, vừa phát triển sản xuất, vừa phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (năm 2022-2023) theo Kết luận số 25-KL/TW, ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị; trọng tâm là tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19"; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, phương án cụ thể để tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, học sinh, sinh viên trở lại trường học, bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, đánh bạc và các tệ nạn xã hội khác.
Số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 của Việt Nam tăng cao đột biến lên 21.909 ca
Tính từ 16 giờ ngày 7/2 đến 16 giờ ngày 8/2, Việt Nam ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng cao đột biến so với những ngày trước.
Trong số các ca nhiễm mới, có 8 ca nhập cảnh và 21.901 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 14.982 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Điện Biên (giảm 220 ca), Quảng Nam (giảm 97 ca), Hà Nội (giảm 85 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Nghệ An (tăng 470 ca), Hải Dương (tăng 400 ca), Bắc Ninh (tăng 387 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.408 ca/ngày.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại: TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Quảng Ninh (20), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Hưng Yên (6), Kiên Giang (4), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1). Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.380.695 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.111 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.373.577 ca, trong đó có 2.123.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (514.649), Bình Dương (293.000), Hà Nội (153.899), Đồng Nai (99.965), Tây Ninh (88.606). Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 4.397 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 2.126.777 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.263 ca.
Từ 17 giờ 30 ngày 7/2 đến 17 giờ 30 ngày 8/2 ghi nhận 97 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 92 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.521 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Riêng Hà Nội, từ 18 giờ ngày 7/2/2022 đến 18 giờ ngày 8/2/2022 ghi nhận 2.903 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, 51.224 F0 đang điều trị tại nhà. Các ca nhiễm mới phân bố tại 486 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (109); Chương Mỹ (106); Nam Từ Liêm (95); Long Biên (91); Đông Anh (89). Số mắc cộng dồn tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 157.073 ca. Đến nay, Hà Nội đã có tổng số ca tử vong do COVID-19 là 779 ca.
Cảnh báo một số địa phương có xu hướng tăng cao ca nhiễm mới sau Tết
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp và sự gia tăng mức độ giao lưu, đi lại của người dân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022 sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. TP Hồ Chí Minh rà soát những người trở về từ các tỉnh, thành chưa được tiêm vaccine vận động đến các cơ sở y tế tiêm chủng đầy đủ.
Để tiếp tục duy trì và đảm bảo hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Sở Y tế đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường rà soát, lập danh sách những người trở về từ các tỉnh, thành hoặc đang sống trên địa bàn chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ để vận động người dân đến cơ sở y tế tiêm chủng phòng COVID 19; tăng cường truyền thông, nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân; không lơ là chủ quan ngay cả khi đã tiêm đủ mũi vaccine COVID-19; tăng cường giám sát, kiểm tra công tác quản lý người nhập cảnh cách ly theo định.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân từ các tỉnh, thành trở về và cư trú trên địa bàn tuân thủ thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như sốt, ho, khó thở... thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm COVID-19 và xử trí theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tập trung triển khai, kiểm tra, giám sát hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và mũi 2 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi; tiếp tục triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, báo cáo định kỳ hàng tuần kết quả thực hiện.
Còn tại Quảng Trị, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, trong các ngày 6-7/2, số ca mắc COVID-19 lần lượt được ghi nhận là 92 và 135. Đến ngày 8/2, tỉnh ghi nhận 225 ca mắc - cao nhất từ trước đến nay, trong đó có 144 ca được phát hiện thông qua giám sát cộng đồng, số ca còn lại cách ly tại nhà, cách ly y tế và trở về từ vùng dịch.
Đến nay, tỉnh đã ghi nhận 5.625 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 10 ca tử vong, trên 400 ca đang điều trị. Tỉnh vẫn đang kiểm soát được dịch COVID-19 và cơ bản hoàn toàn thích ứng với trạng thái “bình thường mới” khi vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ người trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 đạt trên 95%. Tỉnh phấn đấu đến hết quý I/2022, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.