Bị kỷ luật buộc thôi việc có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp?

Cơ quan soạn thảo đưa ra 4 trường hợp không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có trường hợp người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.

Đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"

Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm(sửa đổi), quy định theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Trên cơ sở đó, dự thảo bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

 Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Như Ý

Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung trình Quốc hội tờ trình dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Ảnh: Như Ý

Cùng với đó, lần sửa đổi này cũng quy định theo hướng linh hoạt về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, dự thảo sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

Cùng với đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Về nội dung này, tại điều 64, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định 4 trường hợp cụ thể không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm:

Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định Bộ Luật Lao động và người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức;

Người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức;

Người lao động hưởng lương hưu;

Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bỏ quy định này để bảo đảm quyền lợi người lao động, tạo điều kiện cho những trường hợp nói trên được hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cơ sở nguyên tắc "đóng - hưởng".

Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.

 Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh)

Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh)

Đề nghị không hạn chế thời gian hưởng tối đa

Đề cập đến thời gian đóng - hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, quy định về khoảng thời gian đóng từ 12 – 36 tháng được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp chưa thực sự công bằng, cũng không phù hợp với nguyên tắc đóng hưởng.

Đề cập đến nguyên tắc đóng hưởng, bà Vân lý giải, người lao động phải có đóng mới được hưởng và mức thụ hưởng tùy theo mức tiền lương đóng cũng như thời gian đóng. Nghĩa là, người lao động đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

“Câu hỏi đặt ra là, tại sao người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, sau khi tính hưởng lương hưu tối đa 75% còn thừa thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thì ngoài được hưởng lương hưu, người lao động còn được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu đối với thời gian còn lại (theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024)”, bà Vân nêu.

Trong khi đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lại không quy định cho bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng (tương ứng với 12 tháng hưởng bảo hiểm thất nghiệp).

“Theo tôi, quy định như vậy chưa phù hợp và không đúng với nguyên tắc đóng - hưởng”, nhấn mạnh điều này, bà Vân đề nghị bỏ quy định thời gian hưởng tối thiểu là 3 tháng, thay vào đó là tính hưởng theo thời gian đóng.

Nghĩa là, người lao động cứ đóng đủ 12 tháng thì được hưởng 1 tháng và không hạn chế thời gian hưởng tối đa bảo hiểm thất nghiệp là không quá 12 tháng. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bỏ quy định không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng.

Ngoài ra, đối với người lao động khi nghỉ hưu còn thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa được hưởng cũng được hưởng một khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp một lần tương tự như khi tham gia bảo hiểm xã hội để đảm bảo tính công bằng có đóng, có hưởng”, bà Vân đề nghị.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bi-ky-luat-buoc-thoi-viec-co-duoc-huong-bao-hiem-that-nghiep-post1690210.tpo