Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tổ chức hội nghị khách hàng năm 2024
Ngày 4/4, tại TP Thanh Hóa, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) tổ chức hội nghị khách hàng năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 27 điểm cầu tại các công ty trực thuộc.
Dự hội nghị có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; đại diện lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành 27 tỉnh miền Bắc cùng hơn 4.000 doanh nghiệp, khách hàng.
Tại hội nghị, EVNNPC đã chia sẻ về những nỗ lực, cố gắng của ngành điện trong việc cung cấp đủ điện, an toàn, liên tục cho khách hàng sử dụng điện, nhất là trong bối cảnh những năm qua thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài, nguồn thủy điện bị thiếu hụt do thiếu nước trong khi nhu cầu điện tăng cao vào mùa nắng nóng; chiến lược vận hành hệ thống điện miền Bắc; trao đổi thông tin về tình hình cung cấp điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc và tri ân các doanh nghiệp đã có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực trong thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR); chương trình hỗ trợ kỹ thuật triển khai dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.
EVNNPC là đơn vị trực thuộc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có nhiệm vụ kinh doanh bán điện trên địa bàn 27 tỉnh miền Bắc (trừ TP Hà Nội). Năm 2023, sản lượng điện thương phẩm toàn tổng công ty đạt trên 90,58 tỷ kWh, tăng 4,5% so với năm 2022 và là đơn vị có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất trong 5 tổng công ty phân phối của EVN. Đặc biệt, số vụ sự cố giảm sâu so với năm 2022, trong đó, số vụ sự cố lưới điện 110kV giảm 21% so với năm 2022, sự cố lưới điện trung, hạ áp giảm 18,24% so với năm 2022.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ cung ứng bảo đảm điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc còn là đơn vị tiên phong trong thực hiện hiệu quả các chương trình về sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, trong đó có chương trình điều chỉnh phụ tải (DR). Theo đó, sản lượng điện tiết kiệm đạt hơn 1.822 triệu kWh, đạt 2,18% so với điện thương phẩm; ký biên bản thỏa thuận tham gia DR với 3.906 khách hàng, đạt tỷ lệ 97,82%, 19.113 lượt khách hàng tham gia DR, với tổng công suất tiết giảm 6.254 MW; 1.878 khách hàng ký biên bản đồng ý dịch chuyển giờ sản xuất tiết giảm công suất khi hệ thống khó khăn về nguồn với tổng công suất 1.020 MW; toàn tổng công ty đã thực hiện tri ân 5.130 khách hàng tích cực tham gia DR, dịch chuyển giờ sản xuất.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2024 sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài, khiến cho lượng điện tiêu thụ tăng đột biến, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn điện vào các giờ cao điểm, đặc biệt vào những ngày nắng nóng từ cuối tháng 4 đến tháng 8. Để hoàn thành kế hoạch đã đề ra trong năm 2024, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và vận hành lưới điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác của khách hàng trong việc bố trí lịch sản xuất hợp lý, khoa học, để vận hành hệ thống điện ổn định, an toàn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cho biết: Những năm gần đây, kinh tế tỉnh Thanh Hóa luôn đạt mức tăng trưởng cao; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hóa (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,6%, đứng thứ 5 cả nước; quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ; trong đó, tỷ trọng sản xuất công nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế ngày càng tăng, từ 45,2% năm 2021 lên 48,4% năm 2023.
Với kết quả trên, tỉnh Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa các mục tiêu theo Nghị quyết số 58 ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, hệ thống lưới điện của tỉnh Thanh Hóa đã được đầu tư tương đối đồng bộ, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Ngành điện đã bán điện trực tiếp cho 100% số thôn, bản trên địa bàn tỉnh; sản lượng điện năng thương phẩm năm 2023 đạt trên 7,1 tỷ Kwh, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,34%. Ngành điện đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng kết hạ tầng công nghiệp, giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư các dự án mới; đồng thời, góp phần quan trọng tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác phát triển, tăng thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo an sinh, xã hội cho Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa luôn nhận thức rõ và chia sẻ những khó khăn, áp lực với ngành điện trong việc đầu tư hệ thống nguồn và lưới điện cũng như quá trình quản lý vận hành, nhất là trong bối cảnh nguồn cung năng lượng gặp nhiều khó khăn. Để giảm áp lực cho công suất phụ tải đỉnh giờ cao điểm, đồng chí đề nghị các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng như trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố phía Bắc cùng chung tay với ngành điện, có kế hoạch sản xuất phù hợp, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Đồng chí cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng lưới điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của doanh nghiệp và Nhân dân.
Tại hội nghị, EVNNPC đã vinh danh 70 khách hàng là các doanh nghiệp điển hình trong công tác điều chỉnh phụ tải điện và 30 khách hàng là các cơ quan hành chính sự nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước điển hình trong công tác sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.