Tôn sư trọng đạo

LTS: Sắp tới ngày hiến chương các nhà giáo và ở dịp này, bàn về tinh thần 'Tôn sư trọng đạo' có lẽ là phù hợp hơn cả. Tôn sư trọng đạo, một tinh thần xưa nhưng không cũ và thực sự cũng đang là một vấn đề xã hội đáng quan tâm của ngày hôm nay.

Khi thầy cô bối rối

Cho đến giờ, lớp cấp ba của tôi cứ vào dịp 20/11 hằng năm đều về thăm hai người: Một là thầy giáo dạy Hóa và hai là cô chủ nhiệm dạy tiếng Anh. Đấy là hai người mà cả lớp đều lúc nào cũng muốn gặp lại mỗi dịp tri ân thầy cô.

Hai người này có phong cách trái ngược. Thầy giáo dạy Hóa là một người vô cùng nghiêm khắc, thường xuyên phạt chúng tôi vì những lỗi rất nhỏ. Ông thậm chí rất gần với hình dung về nỗi sợ hãi của nhiều người trong số các bạn học cũ của tôi vào thời gian kiểm tra đầu giờ. Ai lên bảng trả bài cũng bị "quần" cho toát mồ hôi.

Cô giáo chủ nhiệm thì ngược lại, vô cùng nhân hậu và dễ tính. Cô luôn tha thứ cho mọi lỗi lầm của chúng tôi, và lúc nào cũng nhẹ nhàng, ân cần. Với chúng tôi, cô như một người mẹ thứ hai.

Nhưng dù tính tình trái ngược, cả hai đều được yêu mến, và kính trọng. Họ là những người thầy đúng nghĩa, và thái độ chúng tôi dành cho họ cũng hoàn toàn khớp với tinh thần "tôn sư trọng đạo". Tức là dù cách tiếp cận là khắt khe hay dễ tính, các thầy cô hoàn toàn đều có thể trở thành một phần quan trọng trong quãng đời học trò của chúng tôi.

Trong ba năm cấp ba của chúng tôi, điều đáng tiếc là có những giáo viên không nhận được sự tôn trọng tương tự. Một cô giáo tiếng Anh khác khóc ngay giữa lớp vì bị chống đối. Một thầy giáo dạy Văn từ chối dạy tiếp lớp chúng tôi, vì cảm thấy "bị xúc phạm".

Khác biệt ở đây là gì? Khi bước vào lớp chúng tôi, thầy giáo dạy Hóa đã có gần 30 năm kinh nghiệm, còn cô giáo chủ nhiệm là 25 năm. Cô giáo bật khóc trước lớp mới đi dạy được ba năm, còn thầy dạy văn từ chối lớp chúng tôi mới vào nghề được… vài tháng.

Nó liên quan đến một khái niệm có tính sư phạm là "tính cách giảng dạy". Các giáo viên thường phải thật kiên định khi đưa thái độ tích cực của họ ra bên ngoài, vì nếu họ nhăn mặt hoặc nói với giọng tiêu cực một chút, nó sẽ bị phóng đại trong tâm trí học sinh hàng trăm lần, vì khi bắt đầu bước vào lớp, học sinh đều mang sẵn tâm lý rằng giáo viên có quyền lực lớn đối với chúng.

Việc chủ động điều tiết tính cách giảng dạy của mình và khiến học trò tin tưởng không phải một kỹ năng bẩm sinh. Nó đòi hỏi sự luyện tập thường xuyên. Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia đạt thành tích cao trong giáo dục như Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Phần Lan cung cấp nhiều giờ hàng tuần cho loại hình phát triển chuyên môn sư phạm.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo viên trung học cơ sở ở Singapore dành khoảng 18 giờ/ tuần để trau dồi cho những người thiếu kinh nghiệm hơn, và ở Phần Lan, con số ấy là khoảng 21 giờ. Các giáo viên có kinh nghiệm hơn sẽ sử dụng các giờ làm việc đã trả lương còn lại để làm việc cùng các đồng nghiệp trẻ tuổi và cải tiến phương pháp giảng dạy của họ.

Một nghiên cứu của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ cho thấy rằng vào năm 1988, một giáo viên trung bình có khoảng 15 năm kinh nghiệm trong ngành giáo dục (qua nhiều vị trí) trước khi thực sự đảm nhiệm vai trò giảng dạy một bộ môn nào đó liên tục. Trong những năm gần đây, số năm kinh nghiệm giảm xuống chỉ còn ba. Có nhiều mối quan hệ thầy - trò đã đứt gãy vĩnh viễn chỉ vì sự non nớt kinh nghiệm.

Những vụ trò đánh và xúc phạm thầy cô xuất hiện ngày một dày đặc hơn trong vài năm gần đây có thể tạo cho chúng ta cảm giác rằng đạo đức giáo dục đang xuống dốc, nhưng vấn đề có thể giản dị hơn thế: giờ đây, có khả năng rất cao là một người thầy/cô sẽ phải điều tiết một lớp học với mấy chục học sinh khi chưa sẵn sàng cho việc đó. Và ký ức đáng ra sẽ rất đẹp giữa thầy cô với học trò có thể biến thành một thất bại ngay từ ban đầu.

Năm nay, khi đi gặp thầy cô giáo cũ nhân ngày 20/11, ngoài tình cảm dành cho họ, tôi nghĩ thêm về các khả năng. Rất có thể rằng trước khi trở thành những nhân vật quan trọng trong ký ức học trò của chúng tôi, các thầy cô có thể đã thất bại khi cố gắng kết nối với một thế hệ học sinh nào đó trước đó, cho đến khi có kinh nghiệm hơn, và gặp chúng tôi.

Nghĩ về điều này, bạn có thể thấy truyền thống tôn sư trọng đạo có thể đem lại những khoảnh khắc thật ngọt ngào. Qua bao năm tháng, mọi người đã rời khỏi trường, túa theo những ngả khác nhau của cuộc đời. Rồi lại sum họp trong một ngày đặc biệt, kỷ niệm một "chiến thắng" đầy ý nghĩa trước hết là trong việc kết nối con người giữa con người.

Còn thất bại thì có lẽ không còn là câu chuyện của riêng các thầy cô. Không cần một thống kê chính thức, chúng ta cũng có thể hiểu rằng 18 giờ mỗi tuần để trau dồi nghiệp vụ và kinh nghiệm cho những giáo viên trẻ hơn, giống như Singapore làm được, vẫn là một giấc mơ.

Phạm An

Phong trào "phản chuyên gia"

"Tôn sư trọng đạo" có lẽ là một tầng nhận thức cao của xã hội. Trước khi bàn đến "trọng đạo", có lẽ trước tiên, chúng ta cần học cách tôn trọng chuyên môn của nhà sư phạm.

Một buổi sáng, tôi nhìn thấy bài kiểm tra toán của con trai để trên bàn. Cháu được 9 điểm, kèm lời phê: "Trình bày chưa đẹp".

Nghĩa là học sinh đã làm đúng tất cả, nhưng bị trừ một điểm vì "trình bày chưa đẹp". Tôi đã dừng lại và nhíu mày. Toán là môn học của sự chính xác, và học sinh đã đáp ứng được điều đó, tại sao cô giáo lại chọn "trình bày đẹp" làm một tiêu chí hạ điểm?

Trong một tích tắc, trong đầu tôi hiện lên hàng loạt câu hỏi: Tôi có nên phàn nàn điều này với vợ? Sau đó vợ tôi liệu có phản ánh với cô giáo? Cơ bản hơn, liệu tôi có nên cảm thấy khó chịu vì cách nghĩ của cô giáo không giống cách nghĩ của mình?

Cuối cùng tôi quyết định bỏ qua. Lý do: tôi tin, và muốn tin rằng đó là một quyết định đã được tính toán, dựa trên phương pháp giáo dục riêng của cô. Tôi buộc phải thừa nhận rằng mình không theo dõi sự phát triển của con nhiều bằng cô giáo - với nhiều nhất là 2 tiếng mỗi ngày (sau khi cháu đi học về, ăn cơm, chơi một chút); còn lại tổng thời gian mà cô giáo chủ nhiệm theo dõi các con có thể lên đến 10 tiếng mỗi ngày nếu tính cả thời gian làm bài tập về nhà, vốn cũng là tương tác với nhiệm vụ cô giao. Nếu cô đã quyết định rằng việc này, cụ thể là "cần trình bày đẹp" là một tiêu chí quan trọng trong sự phát triển của con, tôi không nên ý kiến.

Tôn sư trọng đạo có lẽ cần bắt đầu từ một việc tối thiểu: tôn trọng các quyết định mang tính chuyên môn của nhà sư phạm. Họ đã được đào tạo chuyên biệt để đưa ra các quyết định này, còn chúng ta, dù tình thương dành cho con trẻ là bao la, đều là các "nhà sư phạm học mót". Ta tự học bằng kinh nghiệm, rồi nội suy điều gì là tốt nhất cho sự phát triển của con. Nhưng đôi lúc, nhiều bậc phụ huynh can thiệp vào các vấn đề sư phạm một cách quyết liệt.

Tôi cũng có thể trở thành một người như thế, nếu trong một giây phút tôi quyết định khác, đi căn vặn với cô giáo rằng tại sao "trình bày đẹp" lại là tiêu chí của môn Toán - đẩy cô vào thế phải giải thích, và dấy lên một cuộc hội thoại ồn ào trong nhóm trao đổi (group chat) hoặc buổi họp phụ huynh.

Phong trào "phản chuyên gia" (anti-expert trend) được ghi nhận từ cách đây hơn một thập niên, cùng với tốc độ phát triển của các nền tảng mạng xã hội. Đại học Cambrige gần đây dùng từ "Kỷ nguyên phản chuyên gia" để mô tả giai đoạn chúng ta đang trải qua. Đó là khi mà Internet tạo ra những cơ chế chia sẻ kinh nghiệm ồ ạt, khiến cho nhiều người cảm giác rằng họ hiểu biết về một lĩnh vực khoa học, rồi quay sang nghi ngờ, thậm chí phản bác nhà chuyên môn.

Đại dịch COVID-19 chính là một giai đoạn mà phong trào "phản chuyên gia" lên cao điểm. Ở khắp nơi, người ta nhìn thấy những người chống tiêm vaccine, những người thì thào với nhau các kinh nghiệm chữa bệnh, những nhà phân tích tay ngang đưa ra các lập luận hùng hồn về đại dịch.

Giáo dục là một ngành khoa học, đã được nghiên cứu cầu kỳ từ nhiều thế kỷ. Tất nhiên, ai cũng có thể được coi là "thầy", nếu họ hiểu biết sâu về một lĩnh vực nào đó và có cách để truyền đạt điều đó. Các nghệ nhân nghề thủ công chẳng hạn, có thể làm thầy của rất nhiều thế hệ. Nhưng khi bàn đến giáo dục phổ thông, với đối tượng là những đứa trẻ, việc dạy cái gì và dạy như thế nào là các vấn đề được đúc rút thông qua nhiều thế hệ nhà nghiên cứu, cũng như được truyền dạy cho các sinh viên ngành sư phạm trong không dưới 10.000 giờ.

Bản thân các thầy cô sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm cũng đã dành nhiều thập niên tiếp theo trong sự nghiệp của mình để suy ngẫm, đúc rút (nếu không muốn nói là "nghiên cứu") về lĩnh vực của họ.

Nhưng ta bắt gặp các "ý kiến ý cò" về phương pháp giáo dục ở khắp nơi. Có lẽ chính bạn, trong tư cách một phụ huynh, đã từng dự những buổi họp như vậy. Tại sao con tôi phải học cái này? Môn này có ý nghĩa gì với con tôi? Tôi cho rằng thầy cô nói như vậy là chưa hiểu trẻ nhỏ… những ý kiến được đưa ra trên niềm tin rằng mình hiểu về giáo dục ngang với một chuyên gia được đào tạo chuyên biệt. Thậm chí hiểu hơn.

Đó là dạng ý kiến mà chúng ta không bao giờ dám đưa ra ở bệnh viện. Nhưng rất dễ dàng đưa ra ở trường học - vì niềm tin là "tôi hiểu về sự phát triển của con tôi, tôi biết cách tác động vào sự phát triển đó" rất cuốn hút. Ai cũng có thể mang niềm tin đó.

Và tinh thần "tôn sư trọng đạo" mà chúng ta tôn vinh trong ngày 20/11, có thể bị hủy hoại tận gốc rễ, khi mà sự tôn trọng tối thiểu dành cho công việc của một nhà giáo bị lung lay.

Sự tôn trọng tối thiểu dành cho một nhà giáo, không phải là đề cao vị thế xã hội, đề cao nhân cách, đề cao cống hiến của họ - mà là tôn trọng chuyên môn họ đã bỏ ra nhiều năm để học và thực hành.

Nếu lần tới, khi không hiểu về các quyết định chuyên môn của thầy cô, bạn có thể dừng lại một phút để nghĩ về điều này. Hoặc nếu buộc phải hỏi, hãy hỏi với thái độ mà bạn dành cho các bác sĩ.

Đức Hoàng

Trọng đạo trước, tôn sư sau

"Muốn sang thì bắc cầu kiều", "Không thầy đố mày làm nên"… là những ví dụ rất nhỏ trong vô vàn ca dao, tục ngữ, châm ngôn của người Việt nhằm đề cao tinh thần "tôn sư trọng đạo". Nhưng có vẻ như chúng ta có tập quán "tôn sư" nhiều hơn là "trọng đạo" nên dường như trong xã hội Việt Nam bấy lâu nay, đã có những lệch chuẩn trong môi trường giáo dục.

"Tôn sư trọng đạo" thực ra có thể được đúc rút lại là một tinh thần "tôn trọng" mà trong đó, có hai đối tượng cụ thể: người thầy và học thuật, luân lý. Và có bao giờ chúng ta tự hỏi mình một câu hỏi rằng "phải chăng, chúng ta đang quá dành phần tập trung cho hành vi "tôn" (mà nhiều khi chỉ mang tính hình thức) và đang xem nhẹ thái độ "trọng" đối với bể học?".

Những câu ca dao, tục ngữ như dẫn chứng ở trên và nhiều châm ngôn khác nữa cùng đề tài cũng chủ yếu tập trung vào phần tôn sư nhiều hơn. Có thể, chúng ta dễ sa đà vào quan điểm cho rằng chính các "điều răn dân gian" ấy đã tạo ra một tập quán chỉ tôn sư là chính, còn trọng đạo thì bị xem nhẹ. Hiểu như vậy là hiểu lệch, và chủ quan, vội vã. Thực chất, trong những đúc rút của cha ông, người thầy chính là biểu trưng, là hội tụ của "đạo" cho nên tôn sư cũng mang ý nghĩa kèm thêm là trọng đạo trong đó rồi.

Nhưng đó là những người thầy của xa xưa chứ không phải người thầy ở thời hiện đại. Và bản thân người thầy cũng không là đại diện duy nhất, tiêu biểu nhất cho "đạo". Sự học rộng hơn, bao trùm hơn nhiều. Trọng cái sự học vì thế cũng mang ý nghĩa lớn hơn. Và theo quan điểm riêng cá nhân của mình, tôi cho rằng dứt khoát phải biết trọng cái sự học trước đã. Khi một xã hội trọng sự học, chắc chắn xã hội ấy sẽ có thói quen "tôn sư".

Trọng sự học có phải chỉ là cái tinh thần hiếu học như chúng ta vẫn tự nhận về người Việt hay không? Câu trả lời nên là không. Bằng mọi giá phải học giỏi nhất lớp, nhất trường, phải đậu đại học tốt nhất, thậm chí kiếm được học bổng toàn phần để đi du học chỉ thể hiện cái nỗ lực cá nhân trên con đường học thức mà thôi. Đôi khi, nỗ lực đó cũng mang chút ganh đua. Trọng sự học có tính phổ quát hơn rất nhiều, và thể hiện lại chi tiết trong từng hành vi trong đời sống.

Trong chuyến giao lưu gần đây giữa các nghệ sĩ tham gia vở opera "Công nữ Anio" với hội đồng thành phố Kisarazu, Nhật Bản, tôi đã được chứng kiến những chi tiết rất đáng giá. Buổi gặp gỡ ấy được tiến hành ở trường Kaneda, với sự tham dự của Thị trưởng, Phó thị trưởng và các quan chức thành phố. Cùng với các quan chức ấy, những nghệ sĩ tiêu biểu của dự án opera được xem là những nhân vật V.I.P trong buổi giao lưu. Nhưng vị trí ngồi V.I.P nhất, trang trọng trên những hàng ghế đầu, lại được dành cho dàn hợp xướng của các em học sinh tiểu học và trung học trường Kaneda.

Và khi người dẫn chương trình lên giới thiệu đại biểu, các em học sinh cũng được giới thiệu đầu tiên. Thậm chí, hiệu trưởng của hai trường tiểu học và trung học cũng được giới thiệu trước cả ông Giám đốc Sở Giáo dục. Người được giới thiệu cuối cùng là ông Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp thành phố. Chi tiết ấy cho thấy, không phải những người Nhật rất giỏi công thương đã xem ngành công thương chỉ là hạng chót. Thực ra, họ tôn vinh ngành giáo dục lên trước và chính cái thái độ trọng đạo đó đã tạo nên một xã hội Nhật Bản văn minh cũng như giúp họ tạo nên những thành tựu rất lớn ở lĩnh vực thương mại, công nghiệp.

Có một câu chuyện khác mà tôi cũng muốn chia sẻ, chuyện xảy ra ở một trường thực hành ở Việt Nam. Trong một môn học mà các sinh viên được may mắn học từ người thầy được xem là hàng đầu trong nước hiện nay, người không chỉ giỏi về sư phạm mà còn là chuyên gia trong thực hành với rất nhiều dự án thành công mỗi năm, có một sinh viên thể hiện thái độ rất bất kính. Anh ta vặn vẹo người thầy của mình theo kiểu "cái này ông dạy sai rồi, trên Youtube người ta dạy khác".

Và khi người thầy đưa ra đề nghị trả sinh viên này lại cho Ban Giám hiệu, phụ huynh đã từ Bình Dương lên tận TP Hồ Chí Minh để thóa mạ người thầy theo kiểu "không đủ trình độ dạy con tôi". Và vấn đề nằm ở chỗ, Ban Giám hiệu vốn toàn những nhân vật cũng giỏi chuyên môn, đã thỏa hiệp với gia đình dù họ biết rõ giảng viên của mình đang dạy đúng, làm đúng. Ở đây, sự bất kính của trò với thầy chỉ là chuyện nhỏ so với thái độ xem thường chuyên môn, kiến thức cũng như thực hành.

Chính sự xem thường này mới là căn nguyên để tạo nên cái bất kính biểu hiện ra ngoài kia. Người thầy sẽ luôn cảm thấy phấn khích khi có sinh viên muốn trao đổi tận cùng với thầy dựa trên nền tảng học thuật bởi người thầy sẽ nhận thấy ở sinh viên ấy một tinh thần yêu mến sự hiểu biết. Nhưng người thầy sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi những kiến thức sâu sắc nhất mình có được lại bị sinh viên coi thường. Ở hành vi ấy, họ nhận ra rằng không còn tồn tại cái tinh thần kính trọng tri thức mà một người đi học cần phải có.

Yêu mến sự hiểu biết cũng là cốt lõi của triết học. Và chúng ta có thể cùng đồng thuận với nhau rằng xã hội Việt Nam hiện nay đang quá thiếu những triết lý. Giáo dục thiếu triết lý của giáo dục và cứ loay hoay trong các tranh cãi về chuyện hợp đồng lao động với giáo viên, lương bổng, giáo trình… mà không nhận ra rằng đó chỉ là bề nổi. Xây dựng một xã hội biết yêu mến, trọng vọng sự học, trọng vọng kiến thức mới tạo ra nền tảng vững chắc cho sự tiến bộ mà ở đó, chắc chắn sẽ luôn tồn tại thái độ tôn sư.

Tất nhiên, trong cả tổng thể của đòi hỏi xây dựng một triết lý cho giáo dục, người thầy cũng cần phải giữ cái đạo của mình. Khi học trò không thấy ở thầy cô cái đạo lý chân chính, chắc chắn chúng sẽ phai nhạt đi tinh thần trọng đạo, tôn sư ngay từ khi chúng còn là những đứa trẻ.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/ton-su-trong-dao-i713391/