Trường ĐH nước ngoài đặt văn phòng đại diện tại VN: Khai mở thị trường tiềm năng
Những năm gần đây, nhiều trường đại học trong khu vực mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Vì sao các trường lại lựa chọn Việt Nam là điểm đến?
Hàng loạt trường mở văn phòng đại diện
Cuối tháng 4/2024, Trường Đại học Quản lý Singapore (SMU), thuộc top 5 trường đại học tốt nhất Singapore khai trương văn phòng đại diện tại TPHCM (OCHCMC). Văn phòng hướng tới mục tiêu đẩy mạnh các chương trình trao đổi sinh viên, học tập trải nghiệm, sự kiện trao đổi chuyên sâu, khóa đào tạo dành cho cấp quản lý, đào tạo sau đại học và khóa học dành cho người đi làm.
GS Lily Kong - Chủ tịch SMU cho biết, tại Việt Nam, bên cạnh việc hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, SMU cũng trở thành đối tác của ba cơ sở giáo dục đại học: Đại học Quốc gia TPHCM, Trường Đại học VinUni và Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Việc thành lập văn phòng đại diện tại TPHCM sẽ mang đến nhiều chương trình đào tạo và học bổng cho sinh viên Việt Nam. SMU cung cấp các chương trình phát triển kỹ năng lãnh đạo (dành cho nhân viên và các cấp lãnh đạo) ở lĩnh vực quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin trong kinh doanh...
Theo ghi nhận những năm gần đây, nhiều đại học trong khu vực đã thành lập các văn phòng đại diện tại Việt Nam. Có thể kể đến, Đại học Bangkok mở văn phòng đại diện tại TPHCM, chịu trách nhiệm các hoạt động tư vấn, tuyển sinh, truyền thông, đặc biệt thu hút những sinh viên có nhu cầu du học đến với Bangkok.
Năm 2021, Đại học Auckland (New Zealand) cũng thành lập trung tâm học tập dành cho sinh viên Đại học Auckland tại Việt Nam (Vietnam Study Hub). Vào thời điểm dịch bệnh Covid-19, trung tâm này hỗ trợ trải nghiệm học trực tuyến từ xa của sinh viên quốc tế.
Cũng năm 2021, chính quyền bang Victoria (Australia) đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Study Melbourne Hub đầu tiên tại TPHCM, là trung tâm thứ tư trên toàn cầu. Việc ra mắt Study Melbourne Hub đầu tiên ở Việt Nam được xem như cột mốc quan trọng thuộc đề xuất của chính phủ bang Victoria trong việc thiết lập mạng lưới trung tâm giáo dục tại các quốc gia có số lượng sinh viên quốc tế hàng đầu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2022, Đại học Hồng Kông (HKU) khai trương văn phòng đại diện tại TPHCM nhằm giúp sinh viên trong nước tiếp cận chương trình đào tạo dễ dàng hơn.
Không mở văn phòng đại diện, nhiều trường đại học quốc tế cũng tìm đến Việt Nam để tuyển sinh, thông qua các ngày hội tư vấn tuyển sinh. Chẳng hạn, giữa tháng 7 năm ngoái, 32 trường đại học tốp đầu Đài Loan tham gia gặp gỡ, tư vấn cho học sinh Việt Nam tại ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển. Họ cử đội ngũ cán bộ, giảng viên đến TPHCM tư vấn cho học sinh Việt Nam có nhu cầu tìm hiểu về giáo dục đại học của Đài Loan.
Tiềm năng mở
GS Lily Kong - Chủ tịch SMU nêu 3 lý do nhà trường mở văn phòng tại Việt Nam. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, cùng lực lượng lao động trẻ và năng động. Trong đó, TPHCM - trung tâm kinh tế và tài chính của Việt Nam được đánh giá là mảnh đất lý tưởng để SMU xây dựng quan hệ với cả khu vực công và tư nhân nhằm mang lại nhiều cơ hội lý tưởng cho sinh viên hai nước.
Việt Nam phù hợp với các chiến lược ưu tiên của trường đại học đến từ Singapore. Nền kinh tế số của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 20%, cao gấp ba lần so với mức tăng trưởng GDP. Không những vậy, Chính phủ Việt Nam hiện rất tích cực thúc đẩy các chính sách phát triển xanh và bền vững. Ngoài ra, nhiều năm nay, SMU và Việt Nam có mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ.
Ngoài ra, Chủ tịch SMU đánh giá cao khả năng người học ở Việt Nam. Bà thông tin, 5 năm qua, có hơn 1.200 sinh viên tham gia chương trình trải nghiệm quốc tế cùng các đối tác của SMU tại Việt Nam, gồm cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Trong khoảng 13 nghìn sinh viên đang theo học tại SMU, có 60 sinh viên Việt Nam. Số lượng sinh viên Việt Nam đến học tại trường có xu hướng tăng. Tính đến nay, khoảng 500 sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp tại trường đại học này. “Sinh viên Việt Nam nhiệt huyết, sáng tạo, giỏi về kỹ năng, kiến thức”, GS Lily Kong chia sẻ.
TS Lê Văn Út - Trưởng nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và chính sách quản trị nghiên cứu (Trường Đại học Văn Lang) cho rằng, các trường đại học nước ngoài mở văn phòng hoặc tư vấn tuyển sinh tại Việt Nam là tín hiệu tích cực. Điều này cho thấy, tiềm năng thị trường giáo dục đại học ở Việt Nam lớn với số lượng người học đông.
Ngoài ra, tuyển sinh người học ở Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho các trường đại học nước ngoài: Thu hút một số lượng sinh viên quốc tế, giúp tăng hạng trong các bảng xếp hạng đại học; có nguồn thu đáng kể từ sinh viên nước ngoài. “Ngoài ra, xu hướng này cũng giúp các trường đại học trong nước không ngừng nâng cao chất lượng”, TS Út nói.
TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá, xu hướng trên là việc bình thường. Ông đưa ra 2 lưu ý: Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần xem xét hồ sơ pháp lý, kiểm định chất lượng các trường đại học này cùng sự minh bạch thông tin về tuyển sinh, học phí… Về phía người học, lựa chọn học trong nước hay các trường nước ngoài cần cân nhắc kỹ lưỡng.
“Phải dựa trên năng lực, sở thích, nhu cầu học tập cũng như hoàn cảnh kinh tế gia đình để xem học trong nước hay học ở nước ngoài tốt hơn. Điều này cũng cho thấy, cần nâng cao công tác tư vấn tuyển sinh, giúp các em có lựa chọn phù hợp và đúng đắn”, TS Khuyến cho biết.
Từ năm 2020, SMU xác định 3 chiến lược ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giáo dục, nghiên cứu và hợp tác, tập trung toàn lực vào các lĩnh vực: Chuyển đổi số; lối sống bền vững; tăng trưởng tại châu Á. Định hình được hướng đi đúng đắn cho chiến lược ưu tiên “Tăng trưởng tại châu Á”, nhà trường xác định việc thành lập mạng lưới các văn phòng đại diện là một bước tiến quan trọng. Trước TPHCM, SMU mở văn phòng đại diện đầu tiên tại Jakarta (Indonesia) vào tháng 12/2022, tại BangKok (Thái Lan) vào tháng 10/2023.