Tối ưu hóa các nguồn lực hiện có
Quản lý tài chính đô thị hiệu quả là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của TP HCM
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn hạn chế và nhu cầu đầu tư ngày càng gia tăng, TP HCM cần triển khai các giải pháp quản lý tài chính tiên tiến, học hỏi từ các đô thị lớn trên thế giới và tối ưu hóa các nguồn lực hiện có.
Thúc đẩy phát hành trái phiếu đô thị
Điểm dễ nhận thấy hiện nay chính là nguồn thu tài chính đô thị hạn chế và thiếu ổn định. TP HCM hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ thuế, phí và các khoản thu từ quỹ đất. Tuy nhiên, các nguồn thu này thường không ổn định và khó dự đoán, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và những ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19. Điều này hạn chế khả năng tự chủ tài chính và gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực cho các dự án phát triển hạ tầng lớn.
Tiếp đến là chi tiêu công và quản lý nợ công. TP HCM đang đối mặt với áp lực lớn trong việc chi tiêu công. Mặc dù có nhiều dự án quan trọng đã được triển khai nhưng sự thiếu hụt nguồn vốn đã dẫn đến tình trạng chậm tiến độ hoặc đầu tư dàn trải, không hiệu quả. Quản lý nợ công là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải có các biện pháp kiểm soát và tái cơ cấu nợ hiệu quả để tránh rủi ro tài chính trong tương lai.
Ngoài ra, khả năng tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác tư nhân vẫn còn hạn chế. Việc huy động vốn qua hình thức hợp tác công tư (PPP) còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế pháp lý chưa hoàn thiện, sự thiếu đồng bộ trong các chính sách khuyến khích đầu tư và sự e ngại của các nhà đầu tư về tính khả thi của các dự án.
Để TP HCM phát triển cần triển khai các giải pháp quản lý tài chính tiên tiến. Cụ thể, như TP HCM hoàn toàn có thể thúc đẩy phát hành trái phiếu đô thị và tăng cường tự chủ tài chính để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trái phiếu đô thị sẽ là công cụ tài chính hiệu quả giúp TP HCM có thể tài trợ cho các dự án hạ tầng lớn mà không phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Để phát hành trái phiếu đô thị thành công, TP HCM cần xây dựng một chiến lược phát hành trái phiếu rõ ràng, bao gồm việc xác định mục tiêu sử dụng vốn, lãi suất hấp dẫn và kỳ hạn phù hợp với các nhà đầu tư.
Không chỉ phát hành trái phiếu đô thị, thành phố cần thiết lập các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng chuyên biệt để tài trợ cho các dự án hạ tầng giao thông, đô thị hóa và bảo vệ môi trường. Những quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc huy động vốn dài hạn và giảm áp lực tài chính ngắn hạn. Thành phố cần hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng và các nhà đầu tư tư nhân để phát triển các quỹ đầu tư này. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách khuyến khích và ưu đãi để thu hút sự tham gia của các đối tác tài chính.
Thiết lập một hệ thống quản lý nợ công
TP HCM cần thiết lập một hệ thống quản lý nợ công chặt chẽ và minh bạch, bao gồm việc công khai thông tin về nợ công và thực hiện các đánh giá định kỳ về khả năng trả nợ. Điều này không chỉ giúp kiểm soát rủi ro tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới. Để thực hiện, TP HCM cần áp dụng các công cụ tài chính hiện đại và hệ thống phần mềm quản lý nợ công để theo dõi và dự báo tình hình tài chính, xây dựng các kịch bản tái cơ cấu nợ linh hoạt để đối phó với những biến động kinh tế không lường trước.
Song song đó là thúc đẩy hợp tác công tư trong các dự án hạ tầng lớn, giúp thành phố huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân và tận dụng được kinh nghiệm quản lý và kỹ thuật từ các đối tác quốc tế. Để thực hiện hiệu quả mô hình PPP, TP HCM cần xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng, nhất quán, bao gồm việc bảo đảm quyền lợi của các nhà đầu tư và giảm thiểu thủ tục hành chính phức tạp. Ngoài ra, thành phố cần thành lập các cơ quan chuyên trách về PPP để hỗ trợ và giám sát quá trình thực hiện các dự án hợp tác công tư.
Tối ưu hóa việc sử dụng quỹ đất và tài sản công để tạo ra nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách thành phố. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê tài sản công và đặc biệt là hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân trong phát triển bất động sản. Thành phố cần rà soát và đánh giá lại toàn bộ quỹ đất và tài sản công hiện có, xác định các khu vực tiềm năng có thể phát triển hoặc chuyển nhượng để tạo nguồn thu.
Cuối cùng chính là cải thiện quản lý chi tiêu công, đặc biệt là trong các dự án đầu tư hạ tầng. Việc này bao gồm lập kế hoạch ngân sách hợp lý, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai dự án và đánh giá hiệu quả đầu tư sau khi hoàn thành. Thành phố cần áp dụng đồng bộ các công cụ quản lý hiện đại để theo dõi và kiểm soát tiến độ, chi phí và chất lượng các dự án. Ngoài ra, cần thực hiện các cuộc kiểm toán định kỳ để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Kinh nghiệm từ các nước
Các đô thị lớn như Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã thành công trong việc phát hành trái phiếu đô thị và thiết lập các quỹ đầu tư phát triển hạ tầng. Điều này giúp những nơi này có nguồn tài chính ổn định để đầu tư vào các dự án dài hạn mà không phụ thuộc ngân sách nhà nước.
New York (Mỹ) và London (Anh) đã thành công trong việc quản lý nợ công thông qua việc áp dụng các chính sách tài chính minh bạch và tái cơ cấu nợ một cách hiệu quả. Sự minh bạch trong quản lý tài chính giúp các thành phố này duy trì được niềm tin của các nhà đầu tư và kiểm soát tốt rủi ro tài chính.
Các thành phố như Seoul (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản) đã triển khai các mô hình tài chính sáng tạo như PPP, quỹ đất phát triển và hợp tác quốc tế để huy động nguồn vốn cho các dự án phát triển hạ tầng. Những mô hình này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực tài chính mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình phát triển đô thị.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/toi-uu-hoa-cac-nguon-luc-hien-co-196240901184606729.htm