Tọa đàm về thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian tại TP. Pleiku

Sáng 19-4, tại TP. Pleiku đã diễn ra buổi tọa đàm về đề tài 'Xây dựng hồ sơ nghệ nhân để thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian nhằm phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc Jrai tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai'.

Chương trình do Viện Dân tộc học và Tôn giáo học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức. Đồng chủ trì có Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Thạc sĩ Nông Bằng Nguyên-nghiên cứu viên chính Viện Dân tộc học và Tôn giáo học, Chủ nhiệm đề tài, với sự tham dự của đại diện HĐND tỉnh, lãnh đạo một số ban, ngành TP. Pleiku và các nghệ nhân tạc tượng tiêu biểu trên địa bàn.

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lam Nguyên

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lam Nguyên

Tại đây, các đại biểu, nghệ nhân đã trao đổi nhiều nội dung gồm: Hiện trạng đội ngũ nghệ nhân điêu khắc gỗ dân gian Jrai; thách thức, khó khăn và mong muốn của đồng bào Jrai trong bảo tồn nghề thủ công truyền thống.

Các ý kiến còn thảo luận về cơ sở pháp lý trong việc hình thành câu lạc bộ; vai trò của nghề thủ công trong việc phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sinh kế bền vững; xây dựng kinh nghiệm truyền dạy, chia sẻ kiến thức, tinh hoa và đặc trưng của nghề điêu khắc gỗ dân gian để bảo tồn, phát huy.

 Các nghệ nhân tạc tượng TP. Pleiku tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Lam Nguyên

Các nghệ nhân tạc tượng TP. Pleiku tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Lam Nguyên

Phát biểu kết luận, Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình khẳng định: Điêu khắc gỗ dân gian Jrai là một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, thể hiện chiều sâu tâm linh, tín ngưỡng và thẩm mỹ của cộng đồng. Những tác phẩm điêu khắc gắn liền với nhà mồ, lễ hội, đời sống tâm linh…là minh chứng sống động cho bản sắc độc đáo của người Jrai.

“Việc xây dựng hồ sơ nghệ nhân để thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian là bước đi cần thiết và cấp bách nhằm tôn vinh, ghi nhận, tạo điều kiện cho các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Không những xây dựng không gian giao lưu, phát triển nghề mà điều này còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững…”-Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình nhận định.

Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy), danh sách thống kê mới nhất về lực lượng nghệ nhân tạc tượng tại các thôn làng trên địa bàn tỉnh cho thấy: số nghệ nhân từ 55 tuổi trở lên chiếm đến hơn 70%; lớp nghệ nhân dưới 40 tuổi rất ít (chỉ chiếm 10%). Đây là một thách thức không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy nghề điêu khắc gỗ dân gian.

LAM NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/toa-dam-ve-thanh-lap-cau-lac-bo-nghe-dieu-khac-go-dan-gian-tai-tp-pleiku-post319569.html