'Tính tự nhiên' vốn có của liên minh Australia-New Zealand bị thách thức vì AUKUS
Australia coi New Zealand là 'đồng minh tự nhiên', nhưng nhận định của Thủ tướng Australia Scott Morrison rằng AUKUS là 'mối quan hệ đối tác mãi mãi cho một thời kỳ mới giữa những người bạn lâu đời nhất và đáng tin cậy nhất' đặt ra câu hỏi về liên minh tự nhiên với Wellington.
Ngày 16/9, Thủ tướng Australia Morrison gọi AUKUS là “sáng kiến vĩ đại nhất duy nhất... để đạt được sự ổn định và an ninh khu vực của chúng ta, kể từ khi liên minh ANZUS ra đời”. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà thông báo này được đưa ra chỉ vài tuần sau lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp ước ANZUS (1951-2021). Nhân dịp đó, ông Morrison cho biết ANZUS là “nền tảng an ninh quốc gia Australia và là trụ cột chính của hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
Nhưng AUKUS không bao gồm New Zealand, quốc gia vẫn là đồng minh theo hiệp ước ANZUS của Australia (mặc dù Mỹ đã hủy bỏ bảo đảm an ninh cho New Zealand sau tranh cãi về việc các tàu hạt nhân đến thăm New Zealand, vào năm 1986). Thỏa thuận ba bên mới sẽ đẩy mạnh hơn nữa hội nhập quốc phòng và an ninh giữa Australia, Mỹ và Anh, giúp Australia gắn kết chiến lược chặt chẽ hơn với Mỹ.
Điều này sẽ gây ra hậu quả cho mối quan hệ của Australia với đồng minh hiệp ước chính thức khác - New Zealand. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã tuyên bố, bất kỳ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nào mà Australia mua theo thỏa thuận AUKUS sẽ không được phép vào lãnh hải của New Zealand.
Khi bàn về mối quan hệ đối tác, Greg Moriarty - người đứng đầu Bộ Quốc phòng Australia - nói rằng, Canberra “nhận thức được và tôn trọng cách tiếp cận của New Zealand đối với các tàu sử dụng năng lượng hạt nhân”.
Việc Wellington - đồng minh tự nhiên của Canberra - không cho phép các tàu ngầm Australia vào lãnh hải New Zealand có thể tạo ra căng thẳng sau này.
Bà Ardern cho biết, New Zealand không được mời, nhưng nước này sẽ không mong đợi được đề nghị tham gia vào quan hệ đối tác. Đáng chú ý, bà là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên được ông Morrison thông báo trước khi có thông cáo về AUKUS. Việc thiếu liên lạc đã gây ra sự thất vọng ở New Zealand.
Lãnh đạo phe đối lập Judith Collins bày tỏ thất vọng khi New Zealand không tham gia vào các cuộc thảo luận. Bà Ardern thể hiện quan điểm trung lập hơn, nói rằng New Zealand “hoan nghênh sự tham dự ngày càng tăng của Anh và Mỹ trong khu vực” và nhấn mạnh rằng, “mục tiêu chung mà chúng ta cần đạt được là mang lại hòa bình và ổn định cũng như duy trì các quy tắc quốc tế”. AUKUS không thay đổi quan hệ an ninh và tình báo của New Zealand với Australia, Mỹ và Anh.
Mức độ mập mờ ngày càng tăng giữa hai đồng minh
Nhưng AUKUS cho thấy hai động lực mới nổi trong liên minh xuyên Tasman. Sau vài thập kỷ cố gắng thể hiện rõ vai trò của mình ở châu Á - Thái Bình Dương, Australia đã xác định rõ ràng sự nhất quán của mình với khối Anh ngữ “Anglosphere”. Ngược lại, là một thành viên Anglosphere “nguyên bản”, New Zealand giờ đây tự thể hiện mình là “quốc gia đầu tiên và quan trọng nhất của Thái Bình Dương nhìn nhận “sự phát triển chính sách đối ngoại qua lăng kính của những gì có lợi nhất cho khu vực”.
Sự khác biệt này phản ánh mức độ mập mờ ngày càng tăng giữa hai đồng minh trong việc liệu 2 bên có phải là một phần của khu vực các đảo Thái Bình Dương hay không. Mặc dù Canberra có thể hy vọng rằng Wellington sẽ giúp giải quyết những lo ngại về AUKUS với các quốc đảo Thái Bình Dương, nhưng vẫn chưa rõ New Zealand sẽ sẵn sàng hoạt động như một “cảnh sát khu vực” của Australia trong bao lâu.
Vấn đề thứ hai là liên minh quốc phòng giữa Australia và New Zealand, vốn được coi là chặt chẽ nhất trong khu vực, đang thay đổi. New Zealand gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì tương tác với các khả năng quốc phòng của Australia. Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như công nghệ quốc phòng và an ninh, trí tuệ nhân tạo, hệ thống mạng, lượng tử, khả năng tấn công tầm xa… AUKUS có thể nới rộng hơn nữa khoảng cách giữa New Zealand và Australia.
Những yếu tố kể trên đặt ra câu hỏi về tương lai của liên minh Australia-New Zealand. Hai nước đồng minh đã vượt qua những cú sốc lớn trước đây, chẳng hạn như sự sụp đổ của ANZUS giữa Mỹ và New Zealand, nhưng khi cạnh tranh chiến lược gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, “tính tự nhiên” vốn có của liên minh giữa hai quốc đảo có thể gặp nhiều thách thức./.