Tính giá điện như cước điện thoại, người dùng có được lợi?

Giá điện hai thành phần gồm giá công suất và điện năng, người sử dụng điện sẽ phải trả phí cố định hàng tháng giống như phí thuê bao cước điện thoại. Liệu khi áp dụng, tiền điện phải trả hàng tháng có giảm?

Sẽ có cước thuê bao cho tiền điện sinh hoạt

Tại tọa đàm "Cung ứng điện cao điểm mùa khô" tổ chức mới đây, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tập đoàn này đang báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm các cơ chế giá điện hai thành phần trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ 2025.

Tháng 1/2024, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu khẩn trương xây dựng cơ chế giá điện 2 thành phần, gồm giá công suất và giá điện năng, đồng thời xây dựng lộ trình, đề xuất đối tượng khách hàng áp dụng giá bán điện 2 thành phần này.

Hệ thống giá điện 2 thành phần là giá điện công suất chủ yếu bù đắp cho chi phí cố định của nhà máy, còn giá điện năng chủ yếu bù đắp chi phí biến đổi. Với việc áp dụng thêm thành phần giá công suất sẽ khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả, góp phần nâng cao hệ số phụ tải điện và tiết kiệm được tiền điện, đồng thời giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện (giảm chi phí tránh được) đáp ứng nhu cầu điện cho khách hàng và thu hồi được chi phí đầu tư đối với khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng sử dụng ít hơn so với mức công suất đã đăng ký.

Giá điện 2 thành phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ chế này khá giống với giá cước điện thoại cố định. Tức là sẽ có một số tiền phải trả cố định dù không nghe gọi, là tiền thuê bao hàng tháng, hay giá công suất. Phần thứ hai, tính trên dung lượng nghe gọi, tương tự với điện là lượng điện năng tiêu thụ, gọi là giá điện năng. Cơ chế này công bằng hơn, bởi nó phản ánh chính xác chi phí phải bỏ ra để phục vụ mỗi khách hàng, là chi phí đường dây, trạm biến áp và chi phí điện năng.

Chuyên gia cho rằng, tác động đầu tiên của cơ chế giá điện hai thành phần là giảm việc bù chéo giữa các khách hàng. Cùng đó, cơ chế này cũng tránh các khách hàng đăng ký công suất lớn nhưng không dùng. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá sẽ linh hoạt hơn do tách bạch được hai thành phần, trong đó giá điện năng biến đổi lớn, trong khi chi phí đầu tư thay đổi chậm hơn.

Với hộ sinh hoạt, nếu áp dụng cơ chế này, tiền điện cũng sẽ được tính toán khác nhau. Ví dụ, hai hộ tiêu dùng điện cùng tiêu thụ sản lượng 20 kWh/ngày, nhưng nếu đăng ký công suất khác nhau thì chi phí tiêu thụ điện sẽ khác nhau. Đây là điểm khác biệt, thay vì phải trả một hóa đơn giống nhau như hiện nay.

Người sử dụng công suất như nhau nhưng thời gian sử dụng điện 24/24 giờ sẽ có mức giá khác với người chỉ sử dụng điện từ 3-5 giờ, thì hai giá sẽ khác nhau. Vì vậy khi đưa giá công suất vào, buộc khách hàng sử dụng điện cân nhắc đăng ký mức công suất tiêu thụ cho phù hợp. Việc này tránh tình trạng hiện nay là lắp đặt công suất lớn nhưng thực tế sử dụng điện không theo kịp sẽ khiến ngành điện lỗ và lãng phí đầu tư.

Giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí sản xuất

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất cần nghiên cứu triển khai áp dụng thí điểm giá bán điện hai thành phần; Có cơ chế ưu đãi, giảm giá để khuyến khích các khách hàng sử dụng giá điện hai thành phần. Đối với ngành điện, việc quy định giá điện 2 thành phần giúp giảm được chi phí đầu tư hệ thống điện khi các hộ sử dụng điện ổn định, phụ tải ở mọi thời điểm sẽ ổn định ở mức thấp, không tăng cao công suất vào giờ cao điểm.

Đối với khách hàng sử dụng điện, giá điện 2 thành phần giúp giảm giá mua điện bằng cách tăng thời gian sử dụng điện. Giá điện theo công suất khuyến khích việc tiết kiệm công suất mà không tính đến việc tiết kiệm điện năng.

Giá điện theo điện năng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm điện năng tiêu thụ mà không tính đến lượng công suất liên quan. Giá điện 2 thành phần có được ưu điểm và khắc phục được nhược điểm của mỗi loại giá nêu trên, góp phần làm cho hệ thống điện phát huy hiệu quả sử dụng mang lại lợi ích cho cả khách hàng sử dụng điện và ngành điện.

TS Nguyễn Huy Hoạch, Hội đồng khoa học Năng lượng Việt Nam cho biết, trên thế giới, việc tính giá điện hai thành phần đã được nhiều nước thực hiện, gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh), phần lớn áp dụng cho các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh và có một số nơi áp dụng cho cả điện sinh hoạt.

"Giá điện một thành phần (chỉ tính phần điện năng) hiện đang được áp dụng tại nước ta có ưu điểm là đơn giản, nhưng không phản ánh đúng chi phí người tiêu dùng gây ra cho hệ thống. Việc áp dụng thêm giá công suất, bên cạnh việc tính lượng điện năng tiêu thụ, sẽ góp phần khuyến khích khách hàng sử dụng điện hiệu quả. Từ đó nâng cao hệ số phụ tải điện, tiết kiệm được tiền điện, giúp giảm việc đầu tư công suất nguồn và mở rộng lưới điện. Đặc biệt, đối với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với nhu cầu sử dụng thực tế, ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư", TS Nguyễn Huy Hoạch cho hay.

Theo TS Nguyễn Huy Hoạch, trong bối cảnh các công ty điện lực đã áp dụng công tơ điện tử, đặc biệt là khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, kinh doanh, việc triển khai giá bán điện theo công suất và điện năng là cần thiết nhằm đảm bảo giá điện phản ánh đúng, đủ chi phí.

Tuy nhiên, ông Hoạch cho rằng chưa thể đánh giá chính xác việc áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần này sẽ khiến cho giá điện thực tế phải chi trả tăng hay giảm. Chỉ có một điều chắc chắn rằng là việc cấp điện sẽ luôn ổn định, nguồn điện được phát triển đúng với nhu cầu thực tế sử dụng.

Dự báo thời tiết hôm nay ngày 11/4: Miền Bắc sắp đón nắng nóng diện rộng | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tinh-gia-dien-nhu-cuoc-dien-thoai-nguoi-dung-co-duoc-loi-169240411150711769.htm