Tín hiệu vui từ các doanh nghiệp may

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp may đang có nhiều chuyển biến tích cực. Để thích ứng với thị trường, các doanh nghiệp linh hoạt triển khai nhiều giải pháp, tăng lợi thế cạnh tranh để giữ chân khách hàng, đồng thời tìm kiếm đơn hàng mới.

Các doanh nghiệp may có nhiều chuyển biến tích cực trong đơn hàng vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Ảnh: HỒ NHƯ

Đơn hàng tăng

Những ngày này, hơn 2.600 công nhân tại 5 nhà máy của Công ty CP An Hưng miệt mài làm việc để kịp các đơn hàng xuất khẩu. Ông Bùi Xuân Khương, Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho biết: Những tháng đầu năm 2023, đơn vị hết sức căng thẳng khi phải đối diện nhiều khó khăn khách quan. Phần lớn nhà máy đều ở tình trạng thiếu đơn hàng, thậm chí có đơn vị phải ăn đong đơn hàng từng tháng.

Bước sang quý IV/2023, tín hiệu thị trường bắt đầu tích cực. Trong quý I/2024, công ty đã có đơn hàng khoảng 200.000 sản phẩm. Chúng tôi vẫn đang làm việc với nhiều đối tác để kết nối cơ hội hợp tác.

Công ty TNHH May mặc Bình Minh Phú Yên (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) chuyên sản xuất các sản phẩm vest và quần áo da xuất khẩu. Hiện công ty giải quyết việc làm cho trên 100 lao động. Những tháng cuối năm, công nhân phấn khởi khi việc làm được ổn định và có phần tăng hơn so với trước.

Chị Bùi Thị Hồng Nguyên, Tổ trưởng Tổ May chia sẻ: Tôi làm ở đây đã 4 năm. Thời gian qua, hàng hóa đôi lúc gián đoạn, nhưng công ty luôn tạo điều kiện cho người lao động làm việc, có thu nhập hằng tháng. Gần đây đơn hàng nhiều hơn, công nhân có thời điểm phải tăng ca.

Tuy vất vả nhưng ai cũng vui vì cuối năm, giữa lúc kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc thì mình vẫn có thu nhập ổn định để lo cho gia đình và vun vén cho cái tết đầm ấm sắp tới.

Theo ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Bình Minh Phú Yên, hiện doanh nghiệp có những đơn hàng mới. Đây sẽ là điều kiện để doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạo thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp vào ngân sách địa phương.

Linh hoạt sản xuất

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tình hình thế giới hiện nay rất khó khăn, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục suy thoái, trong đó có hàng dệt may. Tổng thể thị trường năm 2024 dự báo có nhiều khả năng cải thiện hơn năm 2023, nhưng mức độ cải thiện nhỏ. Hiện Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của ngành Dệt may Việt Nam.

Ông Bùi Xuân Khương nhìn nhận: Các đơn hàng trở lại chủ yếu thuộc nhóm nhỏ lẻ, yêu cầu kiểu dáng, thời trang và đơn giá rất cạnh tranh. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đơn hàng hồi phục là tín hiệu đáng mừng, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, duy trì lao động chờ thị trường phục hồi hoàn toàn.

Công ty đã mạnh mẽ đầu tư xây dựng môi trường làm việc theo yêu cầu tiêu chuẩn về nhà máy xanh, giảm khí thải ô nhiễm. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp may đó là công tác thị trường và năng suất lao động, khi đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia đối thủ. Ðể vượt khó, các doanh nghiệp không chỉ phải linh hoạt trong điều hành sản xuất mà còn chủ động chuyển đổi các đơn hàng để bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, cẩn trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm vì còn liên quan đến đầu tư thiết bị.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP Quốc tế Phong Phú - Phú Yên, tín hiệu thị trường đã bắt đầu tích cực hơn khi tần suất khách hàng tới tìm hiểu nguồn hàng và năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Mặc dù chưa chốt đơn chính thức, nhưng là động lực thôi thúc đơn vị đẩy mạnh làm mẫu, báo giá cho khách hàng với cơ cấu giá được tối ưu hóa. Ngoài việc tiếp nhận các đơn hàng từ tổng công ty, chúng tôi cũng chủ động tìm kiếm khách hàng để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, ổn định việc làm cho công nhân. Công ty đang tập trung cho dòng sản phẩm vải denim. Hy vọng đơn vị sẽ nhận được các đơn hàng cho giai đoạn tới.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đơn hàng hồi phục là tín hiệu đáng mừng; qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, duy trì lao động chờ thị trường phục hồi hoàn toàn. Doanh nghiệp phải linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống và tiếp cận khách hàng với các ưu điểm cạnh tranh riêng nhằm duy trì và phát triển thị trường quốc tế.

Ông Bùi Xuân Khương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP An Hưng

HỒ NHƯ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/311970/tin-hieu-vui-tu-cac-doanh-nghiep-may.html