Tìm thấy hóa thạch khủng long to chưa từng thấy
Một nông dân đã phát hiện hóa thạch của một con khủng long ở Argentina được cho là sinh vật lớn nhất từng sống trên Trái đất.
Dựa vào khúc xương đùi khổng lồ được tìm thấy, người ta ước lượng nó dài khoảng 40m,cao 20m.
Các nhà khoa học tin rằng đây là một loài mới của khủng long khổng lồ - một loài khủng long ăn cỏ sống cuối thời kỳ kỷ Phấn trắng.Với trọng lượng 77 tấn, nó nặng tương đương 14 con voi châu Phi và nặng hơn 7 tấn so với loài động vật được tin là lớn nhất thế giới trước đó, khủng long Argentinosaurus.
Một nông dân địa phương đã tình cờ phát hiện các xương hóa thạch khủng long trên sa mạc gần La Flecha, cách Trelew, vùng Patagonia khoảng 250 km về phía tây.
Một nhóm các nhà cổ sinh vật học từ Bảo tàng cổ sinh vật học Egidio Feruglio, do Tiến sĩ Jose Luis Carballido và Tiến sĩ Diego Pol đứng đầu, sau đó đã tiến hành khai quật các hóa thạch.
Họ đã tìm thấy các bộ xương không hoàn chỉnh của 7 cá thể - khoảng tổng cộng 150 mảnh xương, tất cả đều trong điều kiện còn tương đối nguyên vẹn.
Bằng cách đo độ dài và chi vi của xương đùi lớn nhất, các nhà cổ sinh vật học cho rằng loài khủng long này nặng 77 tấn.
“Dựa vào kích thước các phần xương, vốn lớn hơn bất kỳ loài động vật khổng lồ nào được biết đến trước đó, loài khủng mới là động vật lớn nhất từng xuất hiện trên trái đất”, các nhà nghiên cứu cho biết.
“Chiều dài từ đầu tới cuối đuôi là 40 m. Chiều cao của nó khoảng 20 m, tương đương tòa nhà 7 tầng”, các nhà nghiên cứu nói thêm.
Dựa vào niên đại của đá, các nhà khoa học cho rằng loài sinh vật ăn cỏ khổng lồ này đã sống ở rừng rậm nhiệt đới Patagonia trong khoảng từ 95 đến 100 triệu năm trước. Mặc dù đây là một loài khủng long khổng lồ, nó vẫn chưa được đặt tên chính thức.
Các nhà khoa học cho biết: “Nó sẽ được đặt tên dựa theo kích cỡ và để ghi nhớ cả khu vực và những người nông dân địa phương đã cảnh báo chúng tôi về phát hiện này”.