Tìm ra cơ chế đặc thù phù hợp để cải thiện giao thông Thủ đô

Tìm ra cơ chế đặc thù phù hợp, vượt trội để cải thiện tình trạng giao thông thường xuyên bị quá tải, ùn tắc tại Hà Nội đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Đây cũng là nội dung được đặt ra trong xây dựng chính sách sửa đổi Luật Thủ đô.

Cần có cơ chế đặc thù, đột phá

Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa khảo sát thực tế lĩnh vực giao thông công cộng trên tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, mỗi ngày, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển khoảng 37.000 khách với 80% hành khách sử dụng vé tháng, góp phần giảm tải lưu lượng phương tiện giao thông trong giờ cao điểm. TS Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hiện nay đường sắt đô thị vẫn đang được điều chỉnh bởi Luật Đường sắt và các nghị định có liên quan. Cơ chế hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, do đó cần có cơ chế đặc thù, đột phá để phát triển, quản lý, vận hành đường sắt đô thị.

Đoàn khảo sát đánh giá, việc đưa vào hoạt động tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đã tạo thuận lợi trong việc thay đổi ý thức, thói quen của người dân về sử dụng phương tiện công cộng, từ đó góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đôn Tuấn Phong, thông qua buổi khảo sát đã thấy được những vướng mắc về mặt chính sách, giúp cho Đoàn giám sát và rộng hơn là Quốc hội xem xét xây dựng, sửa đổi quy định pháp luật về giao thông nói chung và giao thông công cộng nói riêng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cũng cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét, trong đó có các quy định phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD). Từ đó, Hà Nội cần có ý kiến, kiến nghị từ thực tiễn để quy định cụ thể vấn đề này trong luật.

Một góc Thủ đô nhìn từ trên cao. (Ảnh: Phương Ngân)

Cũng liên quan đến phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân”.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hạ tầng giao thông của thành phố Hà Nội đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Điều này đặt ra yêu cầu phải giảm thiểu phương tiện cá nhân, đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị phải là xương sống của hệ thống giao thông công cộng.

Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giao thông thông minh

Trong tham luận gửi đến hội thảo, ông Lê Hùng Lân và Lê Xuân Trường - Trường Đại học Giao thông vận tải nhìn nhận, tại Hà Nội, đường sắt đô thị đã được quy hoạch và đang được triển khai xây dựng. Khi đi vào vận hành sẽ có rất nhiều kỹ thuật công nghệ hiện đại được ứng dụng, đây là cũng là một bộ phận quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hệ thống giao thông thông minh. Trên cơ sở định hướng của chính quyền Thành phố, đề xuất tầm nhìn của hệ thống giao thông thông minh, có tính hiện đại, hướng tới con người và thân thiện môi trường, với các mục tiêu cụ thể là “An toàn, hiệu quả”, “Tăng cường kết nối”, “Phát triển bền vững”.

Kiến trúc hệ thống giao thông thông minh ITS Hà Nội gồm 4 thành phần chính là: Người dùng ITS, phương tiện giao thông tích hợp thiết bị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và trung tâm điều hành, giám sát giao thông Thành phố. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là đường sắt đô thị là một bộ phận cấu thành và là bộ phận rất quan trọng để phát triển hệ thống ITS của Thành phố.

Đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Giải pháp để quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị

Theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), mô hình TOD là giải pháp để quy hoạch, tái thiết và phát triển đô thị, lấy điểm kết nối giao thông đường sắt đô thị hoặc điểm kết nối, tuyến giao thông có sử dụng phương thức vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, tốc độ cao khác làm điểm tập trung dân cư, kinh doanh dịch vụ thương mại, văn phòng trong khoảng cách đi bộ đến phương tiện giao thông công cộng. Từ đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, sức khỏe cộng đồng, giảm phương tiện giao thông cơ giới cá nhân, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường, kết hợp với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Dự thảo Luật trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5 đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị theo mô hình TOD theo phân kỳ đầu tư trong từng giai đoạn; quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập.

Đồng thời, trong khu vực TOD, thành phố Hà Nội được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với các khoản thu sau đây để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống đường sắt đô thị: Tiền thu đối với diện tích sàn xây dựng tăng thêm của các dự án xây dựng công trình dân dụng do việc tăng hệ số sử dụng đất theo quy hoạch khu vực TOD; tiền thu từ việc khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD; phí cải thiện hạ tầng...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tim-ra-co-che-dac-thu-phu-hop-de-cai-thien-giao-thong-thu-do-169820.html