Tìm 'lối thoát' cho DN Việt trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại

Hàng hóa Việt Nam đang dần chiếm lòng tin người tiêu dùng thế giới, nhưng sản phẩm Việt cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM). Để giảm thiểu rủi ro doanh nghiệp chủ động theo dõi thông tin cảnh báo, phối hợp với thương vụ trong việc bảo vệ lợi ích.

Gia tăng các vụ chống bán phá giá

Thông tin từ Cục PVTM (Bộ Công Thương), Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong xuất xứ Việt Nam, Ấn Độ, Ukraine, Argentina, Brazil. Đây không phải là lần đầu tiên, sản phẩm xuất khẩu Việt Nam bị vướng vào “bẫy” PVTM trong quá trình thực thi các Hiệp định thương mại tự do.

Trong giai đoạn 2001 – 2011, số lượng vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam chỉ dừng ở con số 50 vụ việc. Nhưng từ đó đến nay, số lượng các vụ việc PVTM tăng thêm 207 vụ việc, đưa tổng số vụ PVTM mà doanh nghiệp Việt Nam đối mặt lên 257 vụ việc. Trong đó có tới 141 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 37 vụ việc điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ việc điều tra chống trợ cấp và 52 vụ việc điều tra tự vệ.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP may mặc Sơn Tây. Ảnh: Hoài Nam

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Đinh Quốc Thái, đến nay ngành thép đối mặt 78 vụ việc điều tra, chiếm 30% số vụ việc PVTM liên quan tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, chỉ trong tháng 8 và tháng 9 năm 2024 đã phát sinh 3 vụ việc.

Theo Phó Cục trưởng Cục PVTM Trương Thùy Linh, ngoài số lượng vụ việc ngày càng gia tăng, thị trường điều tra ngày càng mở rộng khi hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra, thậm chí một số thị trường chưa từng điều tra hoặc ít điều tra hàng Việt Nam như Mexico, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc) cũng bắt đầu điều tra Việt Nam.

Hơn nữa, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình như máy cắt cỏ, đĩa giấy, ghim dập…

Giải thích nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đối mặt với PVTM, Cục phó Cục PVTM Trần Đỗ Quyên thông tin, Mỹ, EU nghi ngờ Việt Nam là nơi doanh nghiệp Trung Quốc khi gặp khó trong quá trình xuất khẩu hàng đã tuồn sang Việt Nam bằng nhiều hình thức như đầu tư nhà máy để chế biến giai đoạn cuối. Sau đó đưa hàng qua cửa khẩu, nhằm thay đổi xuất xứ sản phẩm, hưởng lợi chính sách thuế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Theo TS. Phạm Tất Thắng - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương (Bộ Công Thương), trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ đã đánh thuế bổ sung trị giá 200 tỷ USD vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong đó mặt hàng đồ gỗ bị đánh thuế cao. Đây sẽ là cơ hội cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam, bởi đơn hàng và hoạt động đầu tư sẽ dần dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam bị doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng để thay đổi xuất xứ thì chúng ta sẽ bị Mỹ áp thuế chống lẩn tránh lên toàn bộ đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam.

Đẩy mạnh cảnh báo sớm

Để hạn chế việc doanh nghiệp sản xuất hàng Việt đối mặt với các vụ kiện PVTM, các chuyên gia kinh tế cho rằng phụ thuộc rất lớn vào việc phối hợp giữa doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan nhà nước, trong đó, vai trò của các cơ quan thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng.

Để phòng tránh những thiệt hại từ những vụ kiện cũng như áp dụng các công cụ PVTM, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh, xem xét chiến lược xuất khẩu để phòng ngừa rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cùng với đó, thường xuyên liên lạc với Bộ Công Thương để được tư vấn kịp thời về những thay đổi pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của các thị trường xuất khẩu, qua đó kinh doanh trong hành lang pháp lý an toàn, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài.

Sản xuất bảng mạch điện tử tại Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Hoài Nam

Sản xuất bảng mạch điện tử tại Samsung Bắc Ninh. Ảnh: Hoài Nam

Theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng, trong quá trình xuất khẩu hàng hóa các doanh nghiệp cần có tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để đảm bảo hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra nhằm hướng tới kết quả khả quan nhất.

“Doanh nghiệp nên tìm hiểu những mặt hàng Mỹ đã điều tra, áp dụng biện pháp PVTM để xem xét, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại”- ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, để tránh những vụ kiện PVTM Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam nên thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc PVTM liên quan đến mặt hàng đơn vị sản xuất và khi bị điều tra cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.

Trước số lượng các vụ việc ngày càng gia tăng, Cục trưởng Cục PVTM Lê Triệu Dũng khuyến nghị hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục tích cực cung cấp thông tin và cảnh báo sớm về những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra. Đồng thời, các Thương vụ cần làm rõ quy định điều tra của nước nhập khẩu và hỗ trợ trình bày ý kiến của Chính phủ Việt Nam khi cần thiết.

Trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Thương vụ cũng cần hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện lên WTO để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sự phối hợp chặt chẽ với Thương vụ Việt Nam để đồng hành bảo vệ doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tim-loi-thoat-cho-dn-viet-truoc-cac-vu-dieu-tra-phong-ve-thuong-mai.html