Tìm hiểu tục Kỉng ceng chẹ - Tục diệt sâu bọ của người Dao đỏ Yên Bái
Với mong muốn diệt trừ các loài sâu bọ gây hại cho cây trồng ngay khi còn nằm trong trứng, hàng năm đồng bào Dao đỏ Yên Bái có một ngày kỉng ceng chẹ - ngày diệt sâu bọ.
Ngày kỉng ceng chẹ (hay còn gọi là ngày kinh trập-diệt sâu bọ) của đồng bào Dao đỏ Yên Bái thường vào một ngày của tháng 2, tháng 3 âm lịch và phải là ngày kinh trập theo lịch của người Dao. Đồng bào nơi đây không ai còn nhớ tục kỉng ceng chẹ có từ bao giờ, mà chỉ biết rằng theo ông bà, tổ tiên xưa, bà con sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, phụ thuộc vào tự nhiên. Vì vậy có những năm sâu bọ bùng phát gây hại, ảnh hưởng nặng nề đến năng xuất cây trồng. Chính vì lẽ đó mà đồng bào đã lập ngày kỉng ceng chẹ và được duy trì đến nay, với mong muốn cây trồng xanh tốt bội thu, không bị sâu bọ gây hại.
Theo bà Triệu Thị Tiếp ở thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái: Đến ngày kỉng ceng chẹ, bà con phải chuẩn bị đầy đủ các loại hạt giống như Ngô, lúa, bầu, bí, vừng, lạc, đậu, đỗ…và các hạt giống này được đưa vào chảo rang chín để sâu bọ gây hại cây trồng bị diệt trừ. “Từ xa xưa người Dao đỏ chúng tôi đã có tục kỉng ceng chẹ. Ngày kỉng ceng chẹ thường phải dậy sớm hơn mọi khi và chuẩn bị đầy đủ những loại hạt giống gia đình thường hay gieo cấy cho vào chảo để rang với ý nghĩa diệt trừ các loại sâu bọ khi còn đang ở trong trứng để không có cơ hội bùng phát, gây hại cây trồng”,- Bà Triệu Thị Tiếp cho biết.
Hạt giống sau khi được rang chín có thể ăn, vãi ra vườn rau, ruộng lúa để tiễn các loài sâu bọ. Tay vừa vãi hạt vừa nói “Hôm nay là ngày kỉng ceng chẹ, gia đình đã chuẩn bị đầy đủ hạt giống và cũng thực hiện xong việc diệt trừ sâu bọ. Vì vậy tôi xin tiễn các loài sâu bọ không được gây hại cho cây trồng của gia đình”.
Sau khi thực hiện xong công việc này người phụ nữ mới cùng gia đình dùng bữa cơm sáng trước khi đi làm công việc đồng áng. Ngày kỉng ceng chẹ không giống như những ngày đại kỵ của người Dao đỏ Yên Bái như: kiêng thần sấm, thần gió hay kiêng hổ..., là bà con không được đi làm công việc đồng áng, mà chỉ nghỉ ngơi tại nhà, thăm nom anh em bạn bè, hàng xóm và đặc biệt không được gây tiếng động mạnh. Mà ngược lại, sau khi làm xong các thủ tục kỉng ceng chẹ, bà con vẫn tiếp tục được đi làm công việc thường nhật của mình.
“Kỉng ceng chẹ thì không phải kiêng kỵ nghiêm ngặt như những ngày đại kỵ như thần sấm, thần gió hay ngày kiêng hổ. Ngày Kỉng ceng chẹ thì gia đình vẫn đi làm bình thường, nhưng trước khi đi làm thì nhất thiết phải riệt trừ sâu bọ tức là phải đem rang hết tất cả các loại hạt giống mà gia đình gieo trồng. Tục lệ này vẫn được gia đình, bà con hàng xóm thực hiện hàng năm”, chị Thiều Thị Sính, Thôn Lũng Hà, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết thêm.
Ngày nay, khoa học kỹ thuật càng phát triển, đồng bào người Dao đỏ Yên Bái cũng đã biết áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong phòng trừ sâu bệnh gây hại, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Nhưng tục kỉng ceng chẹ vẫn được bà con người Dao nơi đây phát huy, như nhắc nhở con cháu biết về một phương thức bảo vệ cây trồng trước sự gây hại của các loài sâu bọ của đồng bào mình từ thủa xa xưa./.