Tiêu chí thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030

Theo Kế hoạch số 21/KH-UBND, ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh về tổ chức thực hiện phong trào 'Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030'; thực hiện phong trào thi đua này với tiêu chí thi đua cụ thể như sau:

Đối với các sở, ban, ngành tỉnh: kịp thời tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện (hoặc đề xuất cấp thẩm quyền hoàn thiện) cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến học, khuyến tài thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời trong các lĩnh vực đời sống xã hội và những điều kiện bảo đảm để đáp ứng nhu cầu học tập của công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị.

Tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, chính quyền số; củng cố và hình thành thói quen chủ động, tự giác học tập, cập nhật kiến thức trên môi trường công nghệ với phương châm tự học hoàn thiện bản thân.

Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho mọi đối tượng thuộc quyền quản lý; cung ứng các dịch vụ học tập cho mọi tầng lớp nhân dân, các chương trình và tài liệu học tập theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đối với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội: tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và người dân tiên phong thực hiện phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.

Triển khai có hiệu quả các giải pháp huy động đoàn viên, hội viên tham gia công tác khuyến học, khuyến tài; tham gia chuyển giao công nghệ, học tập ngoại ngữ, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, phổ biến kiến thức cho người dân.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố: thực hiện đầy đủ các chính sách thúc đẩy khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập do Trung ương và tỉnh ban hành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng xã hội học tập; đề ra các nội dung, giải pháp sáng tạo, đặc thù, thiết thực, phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương; có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào thi đua.

Được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp huyện theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với cấp xã: thực hiện đầy đủ các chính sách thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập do tỉnh và cấp huyện ban hành. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong triển khai thực hiện phong trào thi đua. Được công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với hộ gia đình, dòng họ: đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng ấp, khóm, tổ Nhân dân tự quản trở thành “Cộng đồng học tập” trên địa bàn hành chính cấp xã.

Đối với các doanh nghiệp (tổ chức kinh tế, công ty nhà nước hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã): có những đóng góp cụ thể, thiết thực trong công tác xây dựng xã hội học tập và được cấp có thẩm quyền ghi nhận.

Ban hành quy định cụ thể về việc học tập, bồi dưỡng thường xuyên cho công chức, viên chức và người lao động trong doanh nghiệp. Có chế độ, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, kỹ sư, nhân viên và công nhân kỹ thuật học tập nâng cao trình độ. Các tổ chức trong doanh nghiệp được công nhận “Đơn vị học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với cá nhân: được công nhận danh hiệu “Công dân học tập” theo tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam ban hành. Có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng xã hội học tập ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đối tượng khác: các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, các tổ chức, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học, các gia đình, cá nhân trong và ngoài tỉnh, người Việt Nam định cư ở nước ngoài... có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng xã hội học tập ở địa phương.

HÀ THANH

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/tieu-chi-thi-dua-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-day-manh-hoc-tap-suot-doi-giai-doan-2023-2030-37243.html