Tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới
6 tháng đầu năm 2022, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo triển khai, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh Long An về công tác dân số (DS) trong tình hình mới. Nhờ đó, công tác DS đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi hành vi, nâng cao nhận thức của người dân về công tác DS trong tình hình mới, thời gian qua, Chi cục DS - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng DS, chất lượng giống nòi. Qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân, nhất là các cặp vợ chồng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) và thực hiện KHHGĐ.
Chi cục chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp các đơn vị có thế mạnh về thông tin, tuyên truyền để đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Theo đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp Trường Chính trị tổ chức lớp tập huấn cập nhật kiến thức về DS và phát triển cho trưởng ban DS - Phát triển xã, phường, thị trấn năm 2022, có 181 người tham dự; ký kết hợp đồng tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng với Báo Long An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, Tờ Thông tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Phòng DS - Truyền thông giáo dục sức khỏe huyện, thị xã, thành phố ký hợp đồng trách nhiệm với các ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện công tác DS năm 2022 tại địa phương.
Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Tuyên truyền về công tác DS trong tình hình mới là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng. Vì vậy, Chi cục tăng cường phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải các thông tin về nội dung DS nhằm thu hút sự chú ý và tạo dư luận xã hội quan tâm. Các hoạt động truyền thông tư vấn cộng đồng về CSSKSS, KHHGĐ được triển khai thường xuyên, có hiệu quả. Hình thức và nội dung đổi mới phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương”.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy làm công tác DS từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, hiệu lực quản lý. Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh phối hợp Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng - Tổng cục DS - KHHGĐ tổ chức đào tạo trực tuyến cho 31 viên chức DS tuyến huyện, xã (lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp DS viên hạng III: 15 người, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ DS - KHHGĐ đạt chuẩn viên chức DS: 16 người).
Nhiều kết quả tích cực
6 tháng đầu năm 2022, nhờ sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh, công tác DS đạt nhiều kết quả tích cực. Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ đợt I được triển khai từ ngày 15/3 đến 30/4/2022 tại 21 xã, phường, thị trấn.
Kết quả, tổng 3 biện pháp tránh thai (dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, thuốc cấy) thực hiện đến ngày 31/5 là 611 ca; sàng lọc trước sinh 175 ca, đạt 87,94%; có 2/7 địa phương đạt cao nhất - 100% (huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường); huyện Tân Hưng đạt 71,05%, huyện Cần Giuộc đạt 56,6%, huyện Thạnh Hóa đạt 47,54%. Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, thực hiện được 123 cặp, đạt 113,89%. Các chỉ tiêu của gói dịch vụ phòng, chống viêm nhiễm đường sinh dục đạt thấp, dưới 60%.
Các hoạt động của chiến dịch đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác CSSKSS, KHHGĐ đến người dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch về công tác DS-KHHGĐ năm 2022, từng bước nâng cao chất lượng DS trên địa bàn.
Về các chỉ tiêu DS-SKSS, đến cuối tháng 6-2022, số trẻ sinh tăng 1.105 trẻ so cùng kỳ, ước đạt chỉ tiêu tăng sinh vào cuối năm; có 75 trẻ sinh là con thứ 3 trở lên, chiếm 0,26%; 8/15 huyện, thị, thành phố giảm sinh con thứ 3 trở lên, giảm 19 trẻ so cùng kỳ, ước đạt chỉ tiêu giảm sinh con thứ 3 trở lên vào cuối năm. Tỷ số giới tính khi sinh là 107,22 bé trai/100 bé gái (2.477 trẻ sinh nam/2.310 trẻ sinh nữ), ước đạt chỉ tiêu vào cuối năm.
Các chỉ tiêu dụng cụ tử cung đạt 55,65%, thuốc cấy đạt 60,50%, thuốc tiêm đạt 93,62%, thuốc viên đạt 92,72% và bao cao su đạt 88,08%. Theo DS mục tiêu, có 4.714 trẻ sinh ra được lấy máu gót chân đạt 98,48% so số trẻ sinh; 8.584 lượt thai phụ được siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi, đạt 89,65% thai phụ. Siêu âm sàng lọc trước sinh cho 6.463 lượt thai phụ (lần 1: 3.335, lần 2: 3.128), chiếm 47,73%/số trẻ sinh tại cơ sở y tế trong tỉnh. Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân cho 2.694 lượt nam, nữ.
Bên cạnh những kết quả, các chỉ tiêu thuốc cấy và thuốc tiêm tránh thai, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh tại cơ sở kỹ thuật trong tỉnh không đạt tiến độ (do kỹ thuật sàng lọc sơ sinh chưa có hướng dẫn thống nhất của Tổng cục DS - KHHGĐ và Bệnh viện Từ Dũ; thuốc tiêm không có nguồn cung cấp và giá dịch vụ cấy thuốc tránh thai không phù hợp).
Ông Đoàn Văn Ngà cho biết thêm: “Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác DS, cần tăng cường vai trò chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền và các ngành, đoàn thể các cấp. Bên cạnh đó, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mô hình, đề án nâng cao chất lượng DS cũng như tăng cường các hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về DS - KHHGĐ; đồng thời, triển khai hiệu quả chương trình hành động, các kế hoạch về việc thực hiện Chiến lược DS Việt Nam, Chương trình truyền thông DS và Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030”./.