Tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn, tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội Việt Nam
Qua 3 kỳ tham dự, trở thành khách mời quen thuộc của Diễn đàn, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam JONATHAN PINCUS đánh giá, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 tiếp tục thể hiện tính thời sự, hấp dẫn, tinh thần cầu thị, lắng nghe thực tiễn và không ngừng đổi mới của Quốc hội Việt Nam.
Chủ đề thời sự, sát sườn
- Trở lại tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, ông có cảm xúc như thế nào?
- Tôi rất vui và vinh dự khi tiếp tục được Quốc hội Việt Nam mời tham dự Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023. Kể từ Diễn đàn năm ngoái, có thể thấy, chúng ta tiếp tục trải qua một năm với nhiều khó khăn, thách thức cả với kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại với nhiều diễn biến khó lường. Một trong những vấn đề tiếp tục đặt ra tại Diễn đàn lần này, đó là Việt Nam cần tìm ra động lực mới, tạo được bứt phá trong tăng trưởng và phát triển bền vững. Đó cũng là chủ đề của Diễn đàn 2023 - một nội dung cực kỳ kịp thời và phù hợp với bối cảnh hiện nay.
- Dưới góc nhìn của cá nhân, ông đánh giá như thế nào về kết quả của Diễn đàn năm nay?
- Diễn đàn diễn ra rất thành công. Các cuộc thảo luận chuyên đề và cấp cao đều rất tuyệt vời, đã tiếp cận được nhiều vấn đề lớn, mang tính bao quát cũng như những xu hướng mới mang tính định hình của thế giới, các động lực phát triển, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam. Chẳng hạn, chúng ta đã nghe các chuyên gia tham dự Diễn đàn đề cập tới "chuyển đổi xanh" - một xu thế tất yếu của tất cả các nền kinh tế trên thế giới hiện nay, và Việt Nam không ngoại lệ.
Tôi đánh giá đây là chủ đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết. Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về việc vì sao và làm thế nào để Việt Nam cần đi trước, đón bắt được xu hướng "chuyển đổi xanh", bởi hiện rất nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam sẽ nhìn vào đó để quyết định triển vọng hợp tác với các bạn trong tương lai. Nếu Việt Nam đi trước xu thế này sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh, còn nếu "chậm chân" có lẽ sẽ là vấn đề rất đáng lưu tâm, bởi những thế mạnh truyền thống của Việt Nam, như lao động giá trẻ đang dần trở nên khó có thể cạnh tranh hơn với những nước khác.
Tôi cũng rất thích thú với các cuộc thảo luận về các chính sách vĩ mô cả trong ngắn hạn và trung hạn, những gì Việt Nam có thể cải thiện với thị trường bất động sản hay làm thể nào để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân... Đây đều là những vấn đề rất thiết thực và sát sườn đối với nền kinh tế Việt Nam.
Với những kết quả tốt đẹp cùng sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế; đại diện các hiệp hội trong và ngoài nước, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 tiếp tục cho thấy sức hấp dẫn, thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe và không ngừng đổi mới của Quốc hội Việt Nam.
Nhận diện các động lực tăng trưởng để có định hướng chính sách phù hợp
- Với rất nhiều kết quả thú vị như vậy, thì ông "thu hoạch" được gì từ Diễn đàn năm nay?
- Các ý kiến tại Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng, cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở hoàn thiện thể chế và khuôn khổ luật pháp. Cùng với đó, các ý kiến cũng nhấn mạnh, cần phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực, như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân...
- Nhận diện rõ động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững là cần thiết, song cũng có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận những thời cơ mới, hóa giải được thách thức..., thưa ông?
- Từ việc xác định những động lực mới, chúng ta có định hướng chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Tại Diễn đàn, chúng ta đã nghe nhiều ý kiến về các xu hướng mới, như phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số...
Thế nhưng, tôi cho rằng quan trọng nhất hiện nay là cần tập trung cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việt Nam là nền kinh tế có cường độ tiêu thụ năng lượng rất lớn để phục vụ các mục tiêu phát triển đề ra cho giai đoạn tới. Ước tính mức độ tiêu thụ điện trên mỗi USD của GDP tại Việt Nam cao hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Điều này có nghĩa quá trình chuyển đổi năng lượng từ năng lượng hóa thạch như than đá sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió... còn chậm, và có thể khiến một số đối tác thương mại của Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác ở nơi khác đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của họ. Rất nhiều đối tác đầu tư và thương mại của Việt Nam mong muốn là một phần của nền kinh tế xanh - vừa tốt cho họ, vừa tốt cho Việt Nam. Do đó, lĩnh vực này phải được quan tâm hơn.
Chúng ta cũng biết rằng, công nghệ đang dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và Diễn đàn năm nay, nhiều ý kiến nhấn mạnh, một trong những động lực mới tiềm năng của tăng trưởng kinh tế Việt Nam đến từ kinh tế số. Tuy nhiên, có hai thách thức đặt ra với Việt Nam, đó là việc tăng năng suất lao động cần nhìn nhận trong quá trình dài hơi thay vì trong ngắn hạn; và cần tập trung cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dài hạn nhằm tạo ra thế mạnh cạnh tranh, dẫn đầu xu thế để bứt phá tăng trưởng.
Bên cạnh đó, chi phí cho nghiên cứu phát triển ở Việt Nam cũng còn rất thấp cũng là một thách thức. Mức chi cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 so với mức chi của Trung Quốc và bằng một nửa các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia... Đây là điều đáng lo ngại, bởi lẽ chi phí nghiên cứu là một trong những thước đo quan trọng đánh giá khả năng tăng năng suất thông qua đổi mới công nghệ.
Qua quan sát, chúng tôi thấy, đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam hiện còn quá ít và dàn trải. Đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển thấp nhất ở khu vực công; các trường đại học trong nước chưa có sức cạnh tranh toàn cầu. Trong khi đó, các viện nghiên cứu tư nhân lại chưa có cơ chế khuyến khích phát triển... Từ thực tế này, UNDP cho rằng, Việt Nam cần tạo ra những "cú hích" lớn trong nghiên cứu phát triển và giáo dục.
- Từ phương diện của cơ quan lập pháp, ông có khuyến nghị gì đối với Quốc hội Việt Nam trong hoạch định chính sách thời gian tới?
- Với vai trò là cơ quan lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề lớn của đất nước, Quốc hội Việt Nam cần sớm xem xét và ban hành các chính sách, pháp luật kịp thời giải quyết những yêu cầu thực tiễn - đây là điều Quốc hội Việt Nam đã và đang làm rất tốt từ đầu nhiệm kỳ đến nay. UNDP khuyến nghị, Quốc hội Việt Nam cần sớm có hành lang pháp lý cho hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; dành khoản chi ngân sách xứng đáng cho giáo dục cũng như nghiên cứu khoa học và phát triển.
Quốc hội Việt Nam có thể cân nhắc ban hành một đạo luật về cải tiến, đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều này sẽ rất quan trọng với Việt Nam, bởi hiện nay các chính sách của Việt Nam rất nhiều, nhưng còn nhỏ lẻ và tản mát trong nhiều luật. Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục cải tiến, đổi mới, hoàn thiện hệ thống luật pháp để tập hợp đầy đủ các chính sách, pháp luật và tăng hiệu quả trong phối hợp thực thi các chính sách, pháp luật này.
- Xin cảm ơn ông!
Thanh Chi thực hiện