Tiếp sức cho thầy, trò vùng lũ

Những ngày qua tại các tỉnh miền trung, sau khi nước lũ rút đi, nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh tượng hoang tàn: nhà cửa, trường học loang lổ bùn đất, hàng nghìn ngôi nhà không còn nguyên vẹn, xóm làng lầy lội, xơ xác, cây cối hoa màu chết rục, gia súc gia cầm chỉ còn thưa thớt,... Để khắc phục những thiệt hại trước mắt và ổn định cuộc sống, người dân nơi đây sẽ còn phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Bên cạnh đó, khi mưa tạnh, nước rút, cũng là lúc trẻ em cần tiếp tục đến trường bởi việc học của các em đã bị gián đoạn hơn nửa tháng do bão, lũ chồng chất.

Những ngày qua tại các tỉnh miền trung, sau khi nước lũ rút đi, nhiều người không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh tượng hoang tàn: nhà cửa, trường học loang lổ bùn đất, hàng nghìn ngôi nhà không còn nguyên vẹn, xóm làng lầy lội, xơ xác, cây cối hoa màu chết rục, gia súc gia cầm chỉ còn thưa thớt,... Để khắc phục những thiệt hại trước mắt và ổn định cuộc sống, người dân nơi đây sẽ còn phải mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Bên cạnh đó, khi mưa tạnh, nước rút, cũng là lúc trẻ em cần tiếp tục đến trường bởi việc học của các em đã bị gián đoạn hơn nửa tháng do bão, lũ chồng chất.

Tuy nhiên khó khăn giờ đây đối với học sinh và giáo viên vùng lũ, đó là cơ sở vật chất tại nhiều trường học bị phá hủy nặng nề: phòng học bị tốc mái, bùn đất tràn vào các lớp học, bàn ghế hư hỏng nặng, trang thiết bị dạy học bị lũ cuốn trôi, sách vở bị ngâm nước quá lâu nên mục mủn,... Tại Quảng Trị, thống kê sơ bộ cho thấy có khoảng 200 trường với 309 điểm trường bị ngập, ngập sâu trong nước, 2.109 phòng học bị ngập nước, 844 phòng học bị hư hại 30 đến 70%. Chỉ tính riêng tại huyện Triệu Phong đã có tới 12 ngôi trường bị lũ lụt tàn phá, thiệt hại ước tính hơn 13 tỷ đồng. Tương tự, tại Quảng Bình, có ngôi trường bị nước nhấn chìm hơn 3 m như điểm trường Ngô Bắc (thuộc Trường mầm non Sơn Thủy), hay như điểm trường Bản Đoòng (thuộc Trường tiểu học - THCS Tân Trạch, Bố Trạch) toàn bộ cơ sở vật chất đã bị lũ cuốn trôi. Thiệt hại đối với toàn ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình ước tính hơn 382 tỷ đồng. Tại Nghệ An, tính đến ngày 4-11 vẫn còn rất nhiều học sinh chưa thể đến trường vì bị mưa lũ cô lập, trường lớp bị hư hỏng nặng.

Nhằm giúp việc học tập của học sinh vùng lũ sớm trở lại bình thường, tại nhiều địa phương, đông đảo lực lượng quân đội, công an, cùng các tổ chức đoàn thể, tình nguyện viên đã tham gia hỗ trợ các thầy giáo, cô giáo khẩn trương dọn vệ sinh trường sở, sửa sang lớp học,... sẵn sàng đón trẻ đến trường. Những cuốn vở ố nước nhưng vẫn có thể sử dụng đã được hong khô. Nhiều học sinh chung nhau những cuốn sách không còn nguyên vẹn.

Thông cảm và sẻ chia với khó khăn của học sinh vùng lũ, nhiều ngày qua, tại các địa phương và những diễn đàn trên mạng xã hội, phong trào quyên góp sách vở, dụng cụ học tập,... gửi tới miền trung được phát động và đón nhận sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng. Thí dụ tại TP Hồ Chí Minh, chỉ trong thời gian ngắn, tại năm điểm quyên góp đã thu được gần 1.000 bộ sách giáo khoa cùng nhiều dụng cụ học tập. Những cuốn sách cũ vẫn còn sạch sẽ được các bậc cha mẹ và học sinh gom góp, phân loại cẩn thận để kịp chuyển tới tay học sinh các tỉnh miền trung đang gặp khó khăn. Nhiều học sinh đã dùng tiền tiết kiệm để mua vở, đồ dùng học tập mới gửi tặng bạn bè vùng lũ. Gửi gắm trong đó là sự yêu thương, sẻ chia của cả cộng đồng với thầy và trò các tỉnh vừa phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi thiên tai.

Khó khăn đối với việc dạy và học ở các tỉnh miền trung trong thời gian này là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực, tinh thần vượt khó của thầy, trò vùng lũ, cùng với sự chung tay giúp sức của cộng đồng, chúng ta tin tưởng, những trở ngại trước mắt sẽ sớm được khắc phục để việc học tập tại đây nhanh chóng trở lại nền nếp và đúng tiến độ.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/cung-suy-ngam/tiep-suc-cho-thay-tro-vung-lu-623239/