Tiếp nhận gần 8.000 lượt ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ngày 18/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức buổi làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội gồm: Ủy ban Kinh tế, Pháp luật; Hội đồng Dân tộc và Bộ Tư pháp về việc giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi).
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 15/3, thời điểm kết thúc việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, website lấy ý kiến nhân dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cơ quan soạn thảo) đã tiếp nhận 7.979 lượt ý kiến góp ý của 782 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo Luật. Các lượt ý kiến tập trung vào các Chương như: Chương XIII-Chế độ sử dụng các loại đất (1.209 ý kiến); Chương III-Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (990 ý kiến); Chương VII-Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (756 ý kiến); Chương X-Ðăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (667 ý kiến); Chương VI-Thu hồi đất, trưng dụng đất (602 ý kiến)...
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng đã nhận được 98 ý kiến góp ý bằng văn bản gửi trực tiếp, trong đó có 36 tổ chức, còn lại là của công dân. Hiện, có một tỉnh đã gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi).
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập hợp hết ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) tại các hội nghị, hội thảo do các Ủy ban của Quốc hội tổ chức để giải trình, tiếp thu, nhất là việc tổng hợp phải phân loại các ý kiến theo nhóm đối tượng như cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, người dân; tổng hợp ý kiến của nhân dân để giải trình, tiếp thu đầy đủ...