Tiếng khèn - Tiếng nói tri âm

Những người yêu văn học nghệ thuật (VHNT) xứ Thanh mến yêu, quý phục NSNA Trần Đàm, bởi ông là một người sáng tác đa tài, tâm huyết và giàu năng lượng. Ông là tác giả của 15 cuốn sách ảnh, trong đó có 5 cuốn được giải xuất sắc của các hội chuyên ngành Trung ương, 5 tập thơ, 2 tập phê bình văn học và nhiều bài viết đăng trên báo, tạp chí.

Ảnh: Hà Hải

Ảnh: Hà Hải

1.Ông đi vào nhiều đề tài, trong đó đề tài miền núi được ông trăn trở nhiều nhất. Với nhiếp ảnh ông có riêng hai tập: Hương rừng và Hoa trăm miền đã được trao giải thưởng của Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam. Với thơ, sau Lời yêu là Tiếng khèn, hai tập thơ như tiếng lòng, tiếng nói tri âm của nhà thơ Trần Đàm đối với miền núi dân tộc.

Lời yêu và Tiếng khèn song hành với hai tập sách ảnh Hoa trăm miền và Hương rừng đem đến cho công chúng một nhận xét là Trần Đàm muốn trang trải hết hồn mình cho miền núi. Ở đây thơ và ảnh soi vào nhau, bổ sung cho nhau để hoàn chỉnh một tấm tình đối với một vùng đất mà ông đã lăn lộn, đã gắn bó, đã yêu. Ai đã xem những tấm hình ở hai cuốn sách ảnh trên đều dễ nhận thấy có cái nhìn, cách nắm bắt của thi ca trong từng góc sáng tối của các tấm hình. Khi đọc Tiếng khèn người đọc có cảm nhận là dường như những điều gì đó không chụp lại được qua ống kính bằng “ngôn ngữ” nhiếp ảnh thì ông ghi lại bằng thơ với những sáng tạo ngôn từ rất nghệ thuật.

NSNA có thể chụp được rất nhiều tấm ảnh đẹp về cảnh thổi khèn, múa khèn nhưng không thể chụp được tiếng khèn. Thơ Trần Đàm đã làm được điều ấy: “Tiếng khèn trèo lên sàn nhà/ Rót vào tai mẹ/ Rót vào tai cha/ Rót đầy chum rượu/ Rót đầy ngực em/ Cả bản vít cần/ Uống say tiếng khèn” (Tiếng khèn). Hay như hình ảnh mế ngồi trước “cửa vóng” nhìn “mây lạc”, “cha ngồi huơ tuổi tác” bên bếp lửa là những hình ảnh chỉ có thể tạc bằng thơ. Ảnh có thể chụp được mây bạc chứ làm sao chụp được “mây lạc”. Chụp được tay huơ trên bếp lửa chứ làm sao chụp được “huơ tuổi tác” trên bếp lửa: “Bản Lát yên lành câu thơ cũ/ Mái tranh rêu phủ xuống sàn nhà/ Cửa vóng, mế ngồi nhìn mây lạc/ Đường trơn em liêu xiêu vác nước... Bếp lửa đó cha ngồi huơ tuổi tác/ Tiếng khèn xa vọng lại bồn chồn” (Bản Lát).

2. Tiếng khèn là tiếng nói tri âm của nhà thơ đối với cảnh và người miền núi. Tập thơ có 85 bài mà đã có hơn 90 địa danh miền núi được nhắc tới. Bài thơ Lang Chánh được nhắc tới với độ đậm đặc nhất: 15 địa danh. Có những bài thơ như được dệt nên bởi tên những địa danh thân thuộc của vùng quê ấy: “Tân Thành gái đẹp làng Dao/ Nụ cười tỏa sáng nao nao lòng người/ Ta trèo lên ngọn Thắng Sơn/ Thăm nàng “A Cóm“, tắm nguồn Khe Cha/ Đường về Thạch Lập đâu xa/ Xin mời bạn đến nghe ca sắc bùa” (Về thăm Thạch Lập)... gắn với những địa danh đó là tình đất, tình người sâu đậm.

Bến En trong chiều hiện lên với nhiều sắc màu sinh động. Mỗi khổ thơ như một hòn đảo nhỏ với từng sắc đẹp riêng giữa một vùng mây nước bồng bềnh: “Chiều Bến En lung linh tia nắng/ Mặt nước vàng óng ánh sắc thu/ Chiều Bến En ngả mình trên thảm cỏ/ Nghe âm thanh chim ríu rít chuyền cành/ Chiều Bến En lá chao trong mắt trẻ/ Thảm cây già che khuất mấy ngàn năm/ Chiều Bến En thuyền ai tung lưới bạc/ Đàn cá bơi trong sâu thẳm rừng già”.

Hay như ở bài thơ Nấc ruộng tình yêu, cảnh sắc miền núi hiện lên như một bức gấm thêu: “Ruộng bậc thang/ Như dải lụa choàng vào lưng núi/ Dải lụa trắng/ Nước mắt trời chảy xuôi/ Soi bóng người dầm sương dãi nắng/ Dải lụa xanh màu áo lúa chân mây/ Sóng dập dờn gió hát ban mai/ Mắt chớp ánh trời ráng đỏ/ Óng ánh vàng dải lụa bậc thang”. Ai đã từng xem những tấm ảnh đẹp nổi tiếng của NSNA Trần Đàm về ruộng bậc thang thì càng thấy rõ thêm sự tài hoa của tác giả khi trọn tâm hoàn chỉnh những nét đẹp về những vùng quê miền núi mà ông luôn canh cánh bên lòng.

Tách ra như vậy là để thấy rõ hơn, sâu đậm hơn những cảnh sắc thiên nhiên miền núi trong thơ ông chứ thực ra thì cảnh sắc nào cũng gắn với hoạt động của con người. Đó là những con người chân chất, mộc mạc, đôn hậu, thủy chung.

Hãy đọc bài thơ Lời yêu ngày ấy... bây giờ để hiểu được tiếng nói tri âm của nhà thơ Trần Đàm đối với con người miền núi là thế nào:

“Ngày ấy

Mày coi tao như mảnh trăng non

Như búp măng mới nhú trong vườn

Như nước suối ngọt khi mày khát

Như cây cầu tre nối hai bờ thác.

Ngày ấy

Ông tao coi mày như con trâu chưa mọc sừng

Mẹ tao nói mày ngoan như con cún vàng

Cha tao coi mày như cây bương thẳng đứng

Tao coi mày như ngọn lửa bếp nhà sàn.

Ngày ấy

Mày nắm tay tao mày run

Cài cúc cho tao mặt mày đỏ lự

Mày hát như con chim mắc coọc

Mày nói dân bản nghe hết lời.

Ngày ấy tao không vượt được ngọn núi cao

Không bỏ được cầu thang gỗ nhỏ

Không rời được máng nước róc rách

Không xa được mùa nương nếp

Nên tao mất mày.

Bây giờ

Tao không phải của mày

Nhưng mãi mày là của tao

Hết cả đời, mày ở nguyên trong ngực tao”.

Bài thơ là một sự thể hiện sinh động cho tiếng lòng tri kỷ, tiếng nói tri âm của Trần Đàm đối với đồng bào miền núi mà nhà thơ đã từng gắn bó yêu thương.

Bao nhiêu của “Ngày ấy” dồn lại cho một “Bây giờ”. Nói bao nhiêu điều của “ngày ấy”, kể bao nhiêu chuyện, với lý do “không vượt, không bỏ, không rời, không xa được” là để cho “bây giờ” dồn hết vào “trong ngực”, để gói lại một điều rằng: “Tao không phải của mày/ Nhưng mày là của tao/ Hết cả đời, mày ở nguyên trong ngực tao”. Lời tuyên bố “như cây bương thẳng đứng”, rất mộc mạc, chân thành đẫm màu sắc dân tộc nhưng cũng lại đầy bản sắc nhân văn. Có thể xem như đây là hiện thân tuyệt vời của tình người tri kỷ.

Bài thơ cũng là một minh chứng sinh động cho tiếng nói tri âm của nhà thơ.

Tiếng nói tri âm đó trước hết biểu hiện ở sự am tường về cách nghĩ, cách nói của đồng bào - thuật ngữ hiện đại gọi là tư duy: một hình thức tư duy cụ thể, một lối nói ví von, so sánh rành rọt, trần trụi. Lời thơ, hình ảnh thơ mộc mạc như cây rừng, thô ráp như đá núi, nhưng cũng mượt mà có giai điệu như tiếng suối, tiếng gió. Xưng hô “mày - tao” chỉ là hình thức thể hiện, chứ cách tư duy, cách diễn đạt mới là bản sắc. Đọc thơ ông người dân tộc có cảm giác như đang tâm tình với người bạn tâm giao.

Có thể khẳng định: Tiếng nói tri kỷ, tri âm là hồn cốt của thơ Trần Đàm về đề tài miền núi. Thiết nghĩ chất miền núi có “căn” với thơ ông âu cũng là do những năm tháng lăn lộn đón bắt nghề nhiếp ảnh đã vận vào cảm xúc thơ ông.

Lê Xuân Đồng (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tieng-khen-tieng-noi-tri-am-31142.htm