Tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, số người lũy tích nhiễm HIV tính đến hết tháng 11/2024 trong toàn tỉnh có trên 3.800 người, trong đó 71 người nhiễm mới. Số người phát hiện nhiễm HIV trong năm 2024 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023. Hầu hết người nhiễm trong cộng đồng đều biết tình trạng bệnh của mình.

Nhân viên y tế Phòng khám và điều trị ngoại trú OPC thị xã Phú Thọ cấp thuốc kháng vi-rút ARV cho người bệnh nhiễm HIV.

Nhân viên y tế Phòng khám và điều trị ngoại trú OPC thị xã Phú Thọ cấp thuốc kháng vi-rút ARV cho người bệnh nhiễm HIV.

Tuy nhiên, dịch HIV tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao được phát hiện, gây khó khăn cho việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Vì vậy, tăng cường truyền thông, can thiệp, cung cấp dịch vụ xét nghiệm phù hợp là những giải pháp được các địa phương, đơn vị chức năng thực hiện đồng bộ nhằm hỗ trợ người có nguy cơ sớm được tiếp cận dịch vụ tư vấn xét nghiệm và điều trị sớm HIV/AIDS. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo đó, các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện trên 6.000 lượt truyền thông về HIV/AIDS dưới nhiều hình thức khác nhau để truyền tải thông tin tới người dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã tổ chức 3 lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS cho 150 cộng tác viên, tuyên truyền viên, nhân viên y tế thôn bản của 6 huyện: Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Ba, Hạ Hòa, Thanh Sơn và Tân Sơn... Truyền thông đã góp phần làm thay đổi tư duy, hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhất là những người bị nhiễm HIV trong cộng đồng. Nhờ đó, số người ủng hộ và tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, điều trị và dự phòng ngày càng tăng.

Cùng với hoạt động truyền thông, chương trình can thiệp giảm tác hại cũng được triển khai tại một số huyện, thị, trong đó có 5 huyện được Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ; 5 phòng điều trị ARV được Dự án AHF hỗ trợ các hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và tiếp cận tại cộng đồng. Các hoạt động can thiệp được thực hiện thường xuyên tại tuyến cơ sở đã kịp thời cung cấp các vật dụng can thiệp giảm tác hại, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm trực tiếp hoặc qua các điểm cố định hay cơ sở lưu trú... Trong năm đã có gần 2.500 lượt người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm sạch; trên 500 lượt người bán dâm và các đối tượng có hành vi nguy cơ cao tiếp cận với chương trình bao cao su.

Công tác quản lý và chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được triển khai đều khắp trên toàn tỉnh thông qua hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở và cộng tác viên tuyến xã, phường, thị trấn. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quốc tế quan tâm giúp đỡ, đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, điều trị, hướng dẫn giới thiệu, chuyển tiếp điều trị các bệnh kèm theo đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người nhiễm. Năm 2024, toàn tỉnh có thêm 81 người tham gia điều trị ARV, nâng tổng số bệnh nhân đang được quản lý điều trị bằng thuốc kháng vi-rút tại các phòng khám ngoại trú HIV trong tỉnh trên 2.000 người, chiếm gần 94% tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống và quản lý được. Công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hằng năm đã dự phòng cho hàng chục bà mẹ mang thai nhiễm HIV sinh con mà không lây nhiễm HIV sang con.

Bác sĩ Lương Đình Dụng - Trưởng khoa phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) cho biết: Thời gian tới, trung tâm tiếp tục phối hợp tăng cường hoạt động truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp tại cộng đồng; trong đó tập trung truyền thông về hiệu quả của chương trình cũng như việc điều trị ARV và điều trị dự tròng lây nhiễm HIV, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thay đổi quan điểm nhìn nhận về HIV/AIDS của người dân; hướng tới không còn kỳ thị phân biệt đối xử với người có HIV. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; kiện toàn mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng. Từ đó, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,2%, duy trì và hướng tới đạt 3 mục tiêu 95-95-95 là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế và chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tien-toi-cham-dut-dich-benh-aids-225586.htm