Tiền Giang: Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng

Ngày 20-3-2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 47 tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 trên địa bàn tỉnh với chủ đề 'Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng'. Tháng hành động về ATVSLĐ diễn ra từ ngày 1 đến 31-5-2024.

Tại Tiền Giang, dự kiến Lễ phát động Tháng Công nhân gắn với Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024 và khai mạc Hội thi ATVSLĐ - Phòng, chống cháy nổ (PCCN) tỉnh Tiền Giang lần thứ XXIV sẽ diễn ra vào sáng ngày 2-5-2024. Sau đó, hội thi sẽ tiếp tục diễn ra trong 2 ngày và tổng kết vào chiều ngày 3-5-2024.

Theo đó, LĐLĐ tỉnh yêu cầu các cấp Công đoàn (CĐ) đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm tốt về công tác ATVSLĐ.

Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người lao động (NLĐ), người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng mạng xã hội. Tuyên truyền, thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), sự cố để phòng tránh TNLĐ, BNN, PCCN trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cộng đồng.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lê Minh Hùng tặng quà lưu niệm cho các đội tham gia Hội thi ATVSLĐ - PCCN tỉnh Tiền Giang năm 2023.

Đồng thời, yêu cầu các cấp CĐ tăng cường năng lực đối thoại, thương lượng tập thể về ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, coi đây là một trong những nội dung trọng tâm của tổ chức CĐ trong thời gian tới. Thường xuyên đồng hành, hỗ trợ Công đoàn cơ sở (CĐCS) đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ đối thoại, thương lượng tập thể tại cơ sở.

Hướng dẫn cơ sở lựa chọn những nội dung đối thoại, thương lượng tập thể thiết thực gắn với công tác ATVSLĐ, như: Tiền lương trả cho giờ làm thêm, bữa ăn ca, độ dài thời giờ làm việc trong ngày, tuần, bố trí ca kíp; thời giờ nghỉ giải lao phù hợp; ngày nghỉ hằng tuần, ngày nghỉ lễ, chế độ nghỉ hằng năm, chế độ nghỉ về việc riêng, nguyên tắc và các trường hợp huy động làm thêm giờ; các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiêu chuẩn và việc cung cấp phương tiện bảo hộ lao động phù hợp; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, bồi thường, trợ cấp TNLĐ, BNN, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện, phòng ngừa rủi ro... sát với yêu cầu và đặc thù ngành, nghề, công việc.

Cùng với đó, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS phối hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận 03 ngày 18-1-2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về nâng cao chất lượng bữa ăn ca của NLĐ đảm bảo chỉ tiêu được giao. Chỉ đạo, hướng dẫn, vận động các đơn vị, doanh nghiệp triển khai tổ chức “Bữa cơm CĐ” để cảm ơn NLĐ và thiết thực tổ chức các hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam. Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe NLĐ, phòng, chống BNN theo Quyết định 659 ngày 20-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ động phối hợp với NSDLĐ tổ chức các chương trình hành động cụ thể về đảm bảo ATVSLĐ, huấn luyện, phòng ngừa TNLĐ, BNN, PCCN, giảm căng thẳng tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng; quan tâm xây dựng, cải thiện điều kiện làm việc “An toàn - xanh - sạch - đẹp - thân thiện”; nâng cao ý thức chấp hành nghiêm nội quy, quy trình và các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Tập huấn cho cán bộ CĐ, an toàn vệ sinh viên, NLĐ nhận diện, đánh giá nguy cơ rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, tổ, đội, phân xưởng, nhà máy, các công trình xây dựng, giao thông nơi đông người qua lại, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh... Các hoạt động tập huấn, huấn luyện chuyên đề về ATVSLĐ cần gắn với huấn luyện thực hành, nâng cao kỹ năng, phương pháp hoạt động CĐ cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên.

Tổ chức tọa đàm, đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về ATVSLĐ; tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về ATVSLĐ như: Nghiên cứu xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo sản xuất và phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”.

Tổ chức Hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ, An toàn vệ sinh viên giỏi gắn với kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập CĐ Việt Nam; đa dạng hóa các hình thức thi, như: Thi viết, thi vẽ tranh, thi online, các hội thi trực tiếp hoặc trực tuyến tìm hiểu về ATVSLĐ... Đề xuất NSDLĐ tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện BNN và khám BNN cho NLĐ. Tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị TNLĐ, BNN, công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, triển khai các chế độ phúc lợi cho NLĐ.

Phát huy thành công Hội thi ATVSLĐ - PCCN tỉnh Tiền Giang năm 2023, các cấp Công đoàn đang tích cực hưởng ứng hội thi năm 2024.

Phát động các phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ, tự cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc. Đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ” thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; quan tâm xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; bảo đảm ATVSLĐ gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời đoàn viên, NLĐ có các sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm ATVSLĐ; đồng thời, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

Tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm ATVSLĐ”; quan tâm khen thưởng, biểu dương NLĐ trực tiếp sản xuất và đội ngũ an toàn vệ sinh viên. Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 10c ngày 12-1-2017 về “Nâng cao hiệu quả công tác ATVSLĐ của tổ chức CĐ trong tình hình mới” và đưa các chỉ tiêu của nghị quyết thành chỉ tiêu phấn đấu hằng năm để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực. Chỉ đạo, hướng dẫn các CĐCS tăng cường phối hợp với NSDLĐ tổ chức các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình ATVSLĐ trong các tổ, phân xưởng theo quy định.

Cùng với đó, chủ động đề xuất, phối hợp với các ngành chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ, tập trung vấn đề quan trắc môi trường lao động tại một số doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ TNLĐ, BNN như xây dựng, điện, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế.

Việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về ATVSLĐ; đánh giá nguy cơ rủi ro mất ATVSLĐ và phương án chăm sóc, bảo vệ sức khỏe NLĐ tại nơi làm việc; công tác khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng bằng hiện vật, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn thực phẩm cho NLĐ trong các bữa ăn ca.

Về kinh phí thực hiện, LĐLĐ cấp huyện phối hợp Phòng Lao động Thương binh và Xã hội cùng cấp xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hoạt động, đề nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp hỗ trợ cùng với kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân cấp huyện, kể cả kinh phí tham dự Hội thi ATVSLĐ - PCCN tỉnh Tiền Giang lần thứ XXIV năm 2024.

Các CĐCS cơ quan hành chính sự nghiệp phối hợp với chính quyền hoặc lãnh đạo chuyên môn cùng cấp xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động và thống nhất nguồn kinh phí để thực hiện. Các CĐCS doanh nghiệp phối hợp với NSDLĐ tổ chức thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng, chi phí cho việc tham gia Hội thi ATVSLĐ - PCCN cấp tỉnh…

L.OANH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202403/tien-giang-tang-cuong-dam-bao-an-toan-ve-sinh-lao-dong-tai-noi-lam-viec-va-trong-chuoi-cung-ung-1006355/