Tiền Giang: 'Đau đầu' với cây lục bình ngày càng dày đặc
Gần đây, tại nhiều địa phương ở tỉnh Tiền Giang đã xảy ra tình trạng cây lục bình trên sông, rạch ngày càng dày đặc gây cản trở về dòng chảy, lưu thông đường thủy gây bức xúc đối với người dân.
Thời gian gần đây, cây lục bình sinh sôi, phát triển rất nhanh tại hầu hết các tuyến kênh, rạch nội đồng của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Những đám lục bình dày đặc, cao gần 1 mét bao phủ mặt nước gây cản trở giao thông đường thủy và hạn chế dòng chảy phục vụ cung ứng nước vào mùa khô và tiêu thoát nước vào mùa mưa.
Nghiêm trọng nhất là tại địa bàn các xã Tân Hòa Đông, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Mỹ, Thạnh Tân... Gần 80% tuyến sông, kênh nội đồng đều có chung tình trạng cây lục bình dày đặc.
Đối với nhiều khu vực, giao thông đường bộ còn hạn chế, nông dân trồng khóm không thể vận chuyển vật tư hay trái khóm sau khi thu hoạch bằng đường thủy nên phát sinh thêm chi phí vận chuyển.
Ông Bùi Hữu Thiện nông dân trồng khóm tại xã Tân Hòa Đông, huyện Tân Phước cho biết: “Cây lục bình xuất hiện từ tháng 3 đến nay. Trước đây có một số xã tổ chức trục vớt một đợt rồi bỏ luôn. Cây lục bình dày đặc khiến ghe vô tới đồng cân khóm không được phải đi bằng đường bộ.
Tuy nhiên không phải nơi nào xe cũng tới được, có những nơi xe tới khó khăn lắm, mùa mưa sình lầy, lún. Nói chung người dân rất bức xúc, ghe xuồng đi không được dân phải thu hoạch bán trái khóm bằng đường bộ rất bất tiện”.
Chủ trương của huyện Tân Phước là đối với các tuyến kênh có chiều ngang dưới 6 mét thì chính quyền cấp xã tổ chức trục vớt cây lục bình, còn kênh trên 6 mét thì huyện trục vớt. Tuy nhiên đối với cấp xã không có đủ nguồn kinh phí để chi cho công tác này nên đành “bó tay” trước tình trạng cây lục bình ngày càng dày đặc.
Bà Trần Thị Ngọc Điệp, Chủ tịch UBND xã Thạnh Mỹ cho biết địa bàn xã có khoảng 80% kênh nội đồng bị cây lục bình, cỏ tấn công gây cản trở lưu thông đường thủy trầm trọng, gây khó khăn cho người trồng khóm.
“Các tuyến kênh nội đồng, cây lục bình hiện nay dày đặc. Về kinh phí để trục vớt cây lục bình, ủy ban xã không có khả năng và cũng đề nghị các ngành cấp trên quan tâm việc trục vớt lục bình cũng như khơi thông dòng chảy để vận chuyển được bằng đường thủy. Hiện nay trên địa bàn xã chỉ vận chuyển được bằng một số đường huyện lộ thôi, còn đường nông thôn đã xuống cấp rất trầm trọng thậm chí còn đường đất. Đường thủy thì vướng cây lục bình nên xã đề xuất cấp huyện, tỉnh quan tâm các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn của xã” - Bà Điệp chia sẻ.
Theo ông Lê Trường Sơn, Phó chủ tịch HĐND huyện Tân Phước thì bức xúc trước tình trạng này, thời gian qua, nhiều người dân địa phương đã thường xuyên phản ánh, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu quốc hội, HĐND các cấp sớm quan tâm, giải quyết. Huyện ủy cũng quyết tâm chỉ đạo xử lý thực trạng này. Mỗi năm, huyện chi cả tỉ đồng để trục vớt cây lục bình. Tuy nhiên cây lục bình dày đặc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Trước vấn nạn lục bình, một số hộ dân kém ý thức đã phun thuốc hóa học diệt cây lục bình gây ô nhiễm môi trường nước. Ông Nguyễn Văn Bườn, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tân Phước cho biết, trước đây huyện tổ chức ra quân trục vớt lục bình 1 đợt, gần đây huyện chưa có chủ trương xử lý tình trạng này.