Tiến độ cải tạo chung cư cũ, triển khai cho thuê vỉa hè ở Hà Nội như thế nào?
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh thông tin về tiến độ cải tạo chung cư cũ và 3 nguyên tắc của đề án cho thuê vỉa hè sắp triển khai ở Hà Nội.
100 nhà đầu tư quan tâm đến dự án cải tạo chung cư cũ
Tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội chiều 19-1, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, thành phố đã ban hành đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố, kèm theo đề án là 6 kế hoạch triển khai, trong các kế hoạch đều giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện để triển khai thực hiện.
“Sau khi Sở Xây dựng tổ chức tuyên truyền, hiện nay, có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án, dự án cải tạo chung cư cũ của Hà Nội”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng, trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, công tác xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư...
Thời gian qua, 2 nội dung liên quan xây dựng hệ số K và chọn chủ đầu tư được Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể, sắp tới Ban chỉ đạo sẽ ủy quyền cho các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ triển khai xây dựng hệ số, xây dựng tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư với từng dự án. “Lúc đó chúng ta sẽ có cơ hội triển khai dự án theo đúng tiến độ của thành phố”, ông Minh chia sẻ.
Về kết quả cải tạo chung cư cũ, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh, theo kế hoạch, đợt đầu tiên triển khai 10 khu, trong đó có 4 khu nhà nguy hiểm cấp độ D. Công tác đầu tiên phải làm là kiểm định và quy hoạch.
Về kiểm định, Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm kiểm định cho 1.022 chung cư cũ. Trong đó, Sở Xây dựng trực tiếp kiểm định 126 tòa, các quận, huyện đã nộp hồ sơ kiểm định lên Sở là 47 tòa nhà.
Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ công bố 53 kết quả kiểm định chung cư cũ. Sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch sẽ xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.
Liên quan đến nội dung xây dựng đề án thu phí vỉa hè, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tháng 8/2023, Thành phố đã có Quyết định về thành lập tổ soạn thảo đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn Hà Nội. Tổ soạn thảo gồm 36 người của 11 sở, ngành và đơn vị thành viên. Hiện nay, tổ soạn thảo đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề án.
Nội dung đề án đưa ra 3 nguyên tắc: Thứ nhất là lòng đường, vỉa hè được sử dụng cho mục đích chính là giao thông; thứ hai là hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ, kết hợp với là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; thứ ba, việc sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, sử dụng đúng mục đích và phạm vi cho phép.
Toàn bộ đề án đang được soạn thảo và lấy ý kiến, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành, tổ soạn thảo sẽ báo cáo thành phố và thông tin cụ thể về đề án.
Sớm xây dựng xong trạm tăng áp cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà
Thông tin về tình hình nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Mạc Đình Minh cho biết, tháng 10/2023, xảy ra tình trạng thiếu nước tại khu đô thị Thanh Hà. Sở Xây dựng đã chỉ đạo Công ty CP nước mặt sông Đuống, Công ty TNHH Nước sạch Hà Nội, Công ty CP Viwaco điều tiết nguồn nước sạch cho Công ty Nước sạch Hà Đông để cấp nước cho khu đô thị Thanh Hà.
Từ tháng 11/2023 đến nay, lượng nước điều tiết ở nước mặt sông Đuống cho khu đô thị đảm bảo nhu cầu của người dân trong khu đô thị, lưu lượng đạt từ 3.500-5.500m3/ngày/đêm.
Để bổ sung nước cho khu vực quận Hà Đông, huyện Thanh Trì, huyện Thanh Oai, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP xây dựng trạm tăng áp cục bộ trên đường 70. Việc này đã được UBND TP chấp thuận. Công ty nước mặt Sông Đuống sẽ triển khai xong trong tháng 1/2024. Từ đó, lượng nước cấp cho khu đô thị Thanh Hà sẽ được cải thiện.
Liên quan đến tình hình trật tự tại khu vực này, lãnh đạo TP đã chỉ đạo quyết liệt; UBND huyện Thanh Oai, quận Hà Đông đang làm việc trực tiếp với chủ đầu tư và người dân.