Tiêm kích F-16 đối mặt với nhiều mối đe dọa từ Nga

Quan chức Mỹ xác nhận Ukraine gần đây đã tích cực triển khai máy bay chiến đấu F-16 trong các hoạt động quân sự nhằm đối phó với lực lượng Nga.

Ông Christopher G. Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ (EUCOM) tiết lộ, không quân Ukraine đã tăng cường đáng kể việc triển khai máy bay F-16 trong cuộc xung đột với Nga, và các đợt giao hàng bổ sung từ những đối tác châu Âu như Hà Lan và Đan Mạch vẫn đang diễn ra.

Động thái này đánh dấu một sự thay đổi quan trọng của Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm với Nga, khi mà Kiev trước đó luôn tìm cách củng cố phòng không, chống lại vũ khí "chiếm ưu thế trên không" của Moscow.

Máy bay F-16 (hay còn gọi Fighting Falcon) là dòng máy bay chiến đấu đa năng một động cơ do General Dynamics (nay là Lockheed Martin) thiết kế vào đầu những năm 1970. Ban đầu được coi là máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không, qua nhiều thập kỷ, F-16 đã phát triển thành một nền tảng đa năng, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ chiến đấu không đối không đến tấn công mặt đất.

F-16 có thể đạt vận tốc Mach 2 (tương đương 2.400 km/h), tầm bay khoảng 4.200 km. F-16 được trang bị 11 giá treo để mang vũ khí các loại như tên lửa AIM-9 Sidewinder và AIM-120 AMRAAM để giao chiến trên không, cũng như đạn dẫn đường chính xác JDAM cho các mục tiêu trên mặt đất.

Việc Ukraine tích hợp F-16 vào các hoạt động chiến đấu đã làm thay đổi chiến thuật tác chiến. Ông Christopher G. Cavoli lưu ý, các máy bay F-16 được Ukraine sử dụng hằng ngày để nhắm mục tiêu vào các mối đe dọa tên lửa đồng thời tấn công các vị trí của Nga ở khu vực phía đông.

Tuy nhiên, việc duy trì F-16 trong vùng chiến sự là một thách thức to lớn đối với Ukraine. Không giống như máy bay thời Liên Xô, được thiết kế cho điều kiện khắc nghiệt và được bảo dưỡng bằng các linh kiện sẵn có trong nước, F-16 đòi hỏi một chuỗi cung ứng phức tạp và cơ sở hạ tầng chuyên biệt.

Trước sự gia tăng hoạt động của các máy bay chiến đấu F-16, Nga coi sự xuất hiện của F-16 là một "lằn ranh đỏ". Đáp lại, Moscow đã triển khai các hệ thống S-400 dọc theo mặt trận, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu ở phạm vi lên tới 400 km bằng tên lửa 40N6. Các hệ thống này gây ra mối đe dọa đáng kể cho F-16, buộc các phi công Ukraine phải bay thấp hoặc ở rìa vùng chiến sự để tránh bị phát hiện.

Ngoài ra, Nga được cho là cũng tích cực triển khai các máy bay chiến đấu tiên tiến như Su-35. Với động cơ đẩy vectơ và tên lửa R-77, Su-35 được đánh giá là một đe dọa tiềm tàng của F-16.

Quỳnh Như

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tiem-kich-f-16-doi-mat-voi-nhieu-moi-de-doa-tu-nga-post1732477.tpo