Thuyền cổ mới phát hiện ở Bắc Ninh có 2 thân, khả năng có từ thời Lý - Trần
Thuyền cổ mới được phát hiện ở Bắc Ninh có quy mô cấu trúc và kỹ thuật phức tạp. Theo các nhà nghiên cứu, khả năng thuyền có từ thời Lý - Trần.
Tinh xảo kỹ nghệ đóng thuyền được phát hiện
Ngày 3/5, ông Nghiêm Văn Hách - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết, Sở vừa có báo cáo kết quả bước đầu về giá trị, kết cấu và kỹ thuật đóng thuyền cổ được phát hiện gần thành Luy Lâu, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh mới đây.

Khu vực khai quật thuyền cổ gần thành Luy Lâu, thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh.
Theo đó, sau thời gian thực hiện khai quật khẩn cấp, di tích thuyền cổ đã xuất lộ toàn bộ dấu tích để có thể nhận diện toàn bộ quy mô, cấu trúc, vật liệu và kỹ thuật chế tạo của thuyền.
"Dấu tích thuyền gồm 2 khối nằm nguyên vẹn, thuộc phạm vi lòng sông Dâu có hướng vuông góc với dòng chảy của sông (thuyền nằm theo hướng Đông-Tây, dòng chảy sông Dâu theo hướng Bắc-Nam) và lệch về phía Tây so với dấu tích của sông Dâu còn nhận diện được trên hiện trạng hiện nay. Hai khối kết cấu này có quy mô tương tự, nằm cách nhau 2,3m (vị trí gần nhất, chính giữa)", báo cáo nêu rõ.
Qua khai quật, các chuyên gia xác định thuyền cổ gồm 2 khối nguyên vẹn, cách nhau 2,3m và được đấu nối bằng tấm gỗ ở phần đầu. Hai khối dài trên 16m, rộng 1,95 - 2,2m và có lòng sâu nhất chừng 2,15m.

Thuyền cổ ở Bắc Ninh được đóng hoàn toàn bằng gỗ, không sử dụng kim loại trong các kết cấu và liên kết thuyền.
Phần đầu thuyền có một tấm ván hình chữ T dài gần 6,5m dùng để khóa chặt hai thân thuyền, trong khi phần đuôi có các cấu trúc được cho là nơi gắn bánh lái.
Các nhà nghiên cứu xác định đáy thuyền có kết cấu độc mộc được chế tác từ thân cây nguyên khối, đường kính rộng nhất gần 1m. Do vậy cây gỗ phải có đường kính trên 1m mới có thể dùng để chế tạo.
Thân thuyền ghép từ 7-8 lớp ván, mỗi tấm rộng 22-34cm, dày trung bình 4,5cm. Hai thân thuyền cấu trúc tương tự, chia thành 6 khoang.

Kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền.
Xét tổng thể, người xưa dùng kỹ thuật đục thân cây, ghép các dải ván bằng mộng, sau đó các mộng này được chốt lại bằng đinh gỗ.
"Kỹ thuật phức tạp nhất thể hiện ở phần đầu và đuôi thuyền. Đó là vị trí nối giữa phần đáy độc mộc và ván bửng được khóa chặt với nhau, cố định bằng 4 trụ gỗ có kích thước tương tự nhau 5cmx5cm. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên thấy được trong kỹ thuật đóng tàu thuyền cổ ở Việt Nam và thế giới", báo cáo nêu.
Thuyền cổ khả năng có niên đại khoảng thời Lý và thời Trần
Các nhà khoa học đánh giá thuyền cổ có hai thân. Ở phần niên đại cụ thể sẽ chờ đợi kết quả phân tích C14 nhưng căn cứ vào kỹ thuật loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hóa Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc (được làm từ một thân cây) và kỹ thuật mộng ghép.

Bước đầu, các nhà khoa học đánh giá thuyền cổ có hai thân.
Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý-Trần) và không thể muộn hơn thế kỷ 15 và có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía Nam lên.
Tư liệu thư tịch cũng đã nhắc đến loại thuyền này do nhà vua đóng. Sách Việt Sử lược chép “năm 1106 (thời Lý)… nhà vua cho đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy”; sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép “năm 1124 (thời Lý)… nhà vua cho đóng thuyền Tường Quang, kiểu thuyền hai lòng”.

Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý và thời Trần).
Dẫu chưa có kết quả phân tích niên đại C14 nhưng có thể khẳng định sự có mặt của loại hình thuyền này trong lịch sử Việt Nam, cụ thể là thời Lý (qua ghi chép tài liệu sử).

Hiện vật được mang về nghiên cứu, lấy mẫu phân tích.
Trên cơ sở thực trạng xuất lộ di tích, hiện trường khai quật và kiến nghị của Viện Khảo cổ học, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh thống nhất kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh cho phép thực hiện phương án giữ nguyên trạng tại chỗ di tích thuyền cổ tại hiện trường, đây là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích.