Thương vụ Việt Nam cảnh báo tình trạng lừa đảo tại Pakistan

Theo Thương vụ Việt Nam, thay vì ngồi tại văn phòng, doanh nghiệp nên sang tận nơi gặp gỡ đối tác; kết hợp thêm khảo sát thị trường, mở rộng quan hệ, giúp giảm thiểu rủi ro khi ký hợp đồng.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan mới đây đã cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới trong buôn bán quốc tế. Cụ thể, phía Thương vụ Việt Nam tường thuật lại một câu chuyện như sau: Công ty A (Việt Nam) có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu. Tháng 5 Công ty A nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ khách hàng X (Pakistan) là đại diện của Công ty Y (Pakistan).

Kiểm tra thông tin của Công ty Y theo địa chỉ trang web, Công ty A đánh giá đây là một DN xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan. Công ty A lập tức ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc khách hàng X không giao hàng theo thời hạn hợp đồng, không trả lời rõ ràng các chất vấn của Công ty A.

Nghi ngờ độ tin cậy của khách hàng X, ngày 12-6, Công ty A gửi thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Thương vụ Việt Nam hỗ trợ.

Nhận được đề nghị hỗ trợ, Thương vụ Việt Nam đã đến ngân hàng MCB (ngân hàng nhận 5.000 USD tiền đặt cọc của Công ty A) yêu cầu kiểm tra và phong tỏa tài khoản của khách hàng X. Sau đó Thương vụ Việt Nam đến trụ sở Công ty Y thì đại diện công ty này thông báo khách hàng X không phải là đại diện của công ty Y. Công ty Y không mở tài khoản tại MCB.

Khi Thương vụ Việt Nam đưa ra bằng chứng Công ty A đã chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc vào tài khoản mang tên Công ty Y tại MCB thì đại diện Công ty Y khẳng định đây là một hành vi lừa đảo bằng cách mở tài khoản mang tên Công ty Y một cách trái phép.

Trên cơ sở thông tin của Công ty Y, Thương vụ Việt Nam cảnh báo Công ty A và đề nghị chấm dứt giao dịch với khách hàng X. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì, Công ty A không xem xét cảnh báo, không thực hiện đề nghị của Thương vụ Việt Nam và tiếp tục giao dịch với khách hàng X. Có thể là nhu cầu nguyên liệu của Công ty A quá cao; có thể là chào hàng của khách hàng quá hấp dẫn; có thể lòng tin của Công ty vào Thương vụ Việt Nam không cao?

Ngày 13-8, Công ty A gửi thư đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan và Bộ phận Thương vụ hỗ trợ về việc Công ty A đã ký hợp đồng với Công ty Z (Pakistan) mua 01 container cá mú (grouper) chất lượng cao (size 1000-up là chủ yếu) trị giá 81.900 USD, đã thanh toán 71.900 USD, Công ty Z đã giao hàng nhưng sau đó không gửi chứng từ giao hàng và cắt đứt liên lạc.

Mặc dù ngày 14-8 là ngày nghỉ lễ Quốc khánh của Pakistan, nhưng vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc nên Thương vụ Việt Nam đã tìm cách liên hệ với đại diện Công ty Z theo tố cáo của Công ty A và mời đến trụ sở Thương vụ Việt Nam làm việc.

Kết quả buổi làm việc, đại diện Công ty Z khẳng định không nhận được số tiền 71.900 USD. Tài khoản mang tên Công ty Z mở tại ngân hàng Meezan Bank Limited (đã nhận 71.900 USD) không phải là tài khoản của công ty Z.

Đại diện Công ty Z khẳng định theo yêu cầu của 1 đối tác Pakistan công ty đã giao 1 container cá mú chất lượng thấp (size 300/500 là chủ yếu) và đã lập hóa đơn thanh toán trị giá 41.775 USD trong đó Công ty Z đã nhận được 5.000 USD tiền đặt cọc.

Công ty Z cho rằng đối tác Pakistan đã mở tài khoản mạo danh Công ty Z tại ngân hàng Meezan Bank Limited để lừa đảo. Thương vụ Việt Nam nhận định đối tác Pakistan này chính là khách hàng X đã tìm cách lừa Công ty A bằng thủ đoạn mở tài khoản mạo danh công ty Y tại ngân hàng MCB. Bộ phận Thương vụ đã cảnh báo đề nghị công ty A chấm dứt quan hệ với khách hàng X.

Phía Thương vụ đã có những phân tích về phương thức lừa đảo của công ty X. Theo hồ sơ có thể nhận định khách hàng X đã tìm cách mở tài khoản mạo danh Công ty Z tại ngân hàng Meezan Bank Limited, sau đó ký hợp đồng với Công ty A (Việt Nam) với tên và địa chỉ thật của Công ty Z, với tài khoản mạo danh Công ty Z tại ngân hàng Meezan Bank Limited.

Sau đó khách hàng X ký hợp đồng với Công ty Z, đặt cọc 5.000 USD để công ty Z giao 1 container cá mú chất lượng thấp. Sau đó khách hàng X yêu cầu Công ty Z gửi bản sao B/L (thật 100%), bản sao giấy chứng nhận chất lượng (thật 100%), bản sao giấy chứng nhận xuất xứ (thật 100 %). Công ty X chỉ còn phải làm mỗi một việc là lập hóa đơn thương mại (giả 100%), phiếu đóng gói (giả 100%) là có đủ bộ bản sao chứng từ giao hàng gửi cho Công ty A yêu cầu thanh toán.

Với chiêu thức này, chắc chắn là Công ty A không thể phát hiện ra được đây là bộ chứng từ giao hàng giả mạo.

Trước đó, sau khi ký hợp đồng với Công ty Z, khách hàng X đã yêu cầu công ty gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thật 100%), giấy phép xuất khẩu thủy sản (thật 100%) để gửi cho A để tạo độ tin cậy.

Trước đó, khách hàng X sau khi mở tài khoản mạo danh Công ty Y MCB chắc chắn đã tìm cách ký hợp đồng với Y để lừa A. Thế nhưng, vì Công ty Y là DN xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín nên khách hàng X không thực hiện được âm mưu lừa đảo, dẫn đến việc không giao hàng theo thời hạn hợp đồng, không trả lời rõ ràng các chất vấn của Công ty A.

Thương vụ Việt Nam đã khiếu nại và cảnh báo MCB phải chịu trách nhiệm về việc để cho khách hàng mở tài khoản trái quy định để thực hiện hành vi lừa đảo. Dự kiến, Thương vụ Việt Nam sẽ tiếp tục khiếu nại và cảnh báo ngân hàng Meezan Bank Limited với nội dung tương tự và thông báo cho Ngân hàng nhà nước Pakistan kiến nghị kiểm tra và chấn chỉnh các ngân hàng thương mại Pakistan không để cho khách hàng mở tài khoản trái quy định để thực hiện hành vi lừa đảo.

Đối với DN, Thương vụ Việt Nam kiến nghị đối với số tiền lớn như 71.900 USD thì cần chấp nhận chi phí 1-2.000 USD để sang tận nơi gặp gỡ đối tác; kết hợp thêm khảo sát thị trường, mở rộng quan hệ, giúp giảm thiểu rủi ro và có khi còn tìm thêm được thị trường mới với lợi ích lớn gấp nhiều lần chi phí bỏ ra.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/thuong-vu-viet-nam-canh-bao-tinh-trang-lua-dao-tai-pakistan-post116346.html