Thường vụ Quốc hội nói về con số 300.000 người tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết với quy định tại dự thảo sẽ không tăng về số người tham gia lực lượng an ninh trật tự ở cơ sở và cũng không làm tăng về tổng kinh phí.
Sáng 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Dự kiến thành lập tổ bảo vệ an ninh trật tự
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết Hiến pháp năm 2013, Luật CAND và nhiều văn bản khác đã quy định mọi công dân đều có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các lực lượng ở cơ sở có trách nhiệm tham gia, hỗ trợ CAND trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT).
“Tuy nhiên, hỗ trợ có tính chất thường xuyên, nòng cốt, có quá trình thực hiện lâu dài trên phạm vi toàn quốc thì chỉ có ba lực lượng, đó là bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng” - ông Tới nói.
Theo ông Tới, mục đích của việc này là kiện toàn lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng gọi là Tổ bảo vệ ANTT.
Trong đó, tổ trưởng, tổ phó đảm nhiệm “hai vai” (vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, vừa thực hiện nhiệm vụ dân phòng) để không làm tăng biên chế, kinh phí so với hiện nay.
Tiếp thu ý kiến về việc sắp xếp, kiện toàn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để không làm tăng biên chế, Ủy ban Thường vụ QH cho biết đã chỉnh lý Điều 16 dự thảo Luật để quy định các chức danh Tổ bảo vệ ANTT.
Còn tại thôn, tổ dân phố đã bổ nhiệm chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thì công an cấp xã đề xuất Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định công nhận là chức danh tổ trưởng, tổ phó Tổ bảo vệ ANTT để bảo đảm không làm tăng biên chế.
Về kinh phí hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Một số ý kiến cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như tờ trình của Chính phủ và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm.
Do đó, các đại biểu đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh “không làm tăng biên chế”, “không làm tăng ngân sách” so với thực tiễn hiện nay.
Cả nước có 298.688 người đang tham gia lực lượng an ninh cơ sở
Giải trình cụ thể, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết theo báo cáo của Chính phủ ngày 6-10, hiện toàn quốc có 298.688 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng.
Các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỉ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới).
Tính đến tháng 12-2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì cần có ít nhất 254.163 người tham gia (mỗi tổ cần ít nhất ba người). Dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo luật là 3.505 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, do dự thảo quy định mỗi Tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố nên tổng số Tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống.
“Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH nói.
Nêu ý kiến về giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng với con số hơn 200.000 người như báo cáo của Chính phủ nêu thì kinh phí cần bảo đảm là hơn 5.000 tỉ/năm chứ không chỉ dừng lại ở con số hơn 3.000 tỉ như giải trình của Ủy ban Thường vụ QH.
Vì vậy, ông Hòa đề nghị cần xem xét lại vấn đề này.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng việc quy định số lượng phải phụ thuộc vào phạm vi rộng hẹp, dân cư nhiều ít, tình hình phức tạp hay không và để cộng đồng dân cư tự quyết.
Khi đó, chế độ bồi dưỡng cũng phải bám sát nguyên tắc tự quản - giữ an ninh, trật tự cho địa bàn cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thì cũng nên để cộng đồng trả thù lao, bồi dưỡng, không nên đòi ngân sách chi trả.
“Như thế sẽ không làm tăng biên chế “không chuyên trách”, không tăng kinh phí từ ngân sách Nhà nước chi trả” - đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Dòng sự kiện: Kỳ họp thứ 6, QH khóa XV
Tuần làm việc thứ 2, Quốc hội thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội cùng 3 dự luật quan trọng 29/10/2023 10:10 Nhiều băn khoăn về việc lập lực lượng an ninh cơ sở 28/10/2023 05:54 Đại biểu Quốc hội lo chậm tiến độ sân bay Long Thành 28/10/2023 05:42
Xem thêm