Thương mại điện tử kéo gần nhà sản xuất với người mua
Thương mại điện tử (TMĐT) không chỉ là kênh phân phối hiệu quả, mà còn là động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh và thanh toán không dùng tiền mặt...

Mua sắm qua livestream và thương mại kết hợp giải trí (shoppertainment) đã trở thành xu hướng dẫn đầu, đặc biệt trên các nền tảng như TikTok Shop và Shopee
Một trong những điểm nhấn quan trọng của TMĐT Việt Nam là khả năng kết nối trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Các phiên bán hàng trực tiếp (livestream) trên nền tảng mạng xã hội như TikTok Shop đã giúp nông dân và tiểu thương đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng mà không cần qua trung gian. Năm 2023, một phiên livestream bán ớt tươi Đà Lạt trên TikTok Shop đã tiêu thụ tới 3 tấn ớt chỉ trong một lần phát sóng.
Ông Nguyễn Minh Tuân, chủ kênh TikTok “Chiếu cói thân vui” tại Thái Bình, chia sẻ việc chuyển sang bán hàng trực tuyến đã giúp ông tiêu thụ được 30.000 chiếc chiếu cói, doanh thu tăng trưởng gấp nhiều lần so với trước đây. Nhờ TMĐT, người sản xuất có thể bán hàng trực tiếp với giá hợp lý, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thương lái.
Trên thực tế, trước xu hướng người tiêu dùng chuyển sang các nền tảng tích hợp nội dung giải trí như livestream bán hàng của TikTok Shop, hoặc các hệ sinh thái bán hàng đa dạng như Shopee, mô hình TMĐT truyền thống ngày càng tỏ ra kém sức cạnh tranh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng doanh thu TMĐT Việt Nam dự kiến đạt 35 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 18%/năm. Các nền tảng lớn như Shopee và TikTok Shop hiện đang chiếm lĩnh thị trường.

Shopee và TikTok Shop dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh thu hiện nay
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến và 50% giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. Các chương trình như “Go Online” và “Tự hào hàng Việt”, do TikTok Shop phối hợp với Bộ Công Thương triển khai, đã đào tạo hàng nghìn tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ nâng cao kỹ năng TMĐT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững.
Ông Trần Văn Bình, chuyên gia kinh tế số nhận định: “TMĐT không chỉ là kênh bán hàng mà còn là nền tảng thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí và mở rộng thị trường”.
Dù TMĐT Việt Nam đạt được những thành tựu ấn tượng, vẫn còn những thách thức cần vượt qua như hạ tầng logistics chưa đồng bộ, chất lượng dịch vụ giao hàng chưa cao và vấn đề bảo mật thông tin. Để khắc phục, cần đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ và xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.

TMĐT đang trở thành động lực chủ lực trong việc thúc đẩy kinh tế số Việt Nam, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và mở ra cơ hội phát triển cho doanh nghiệp cũng như người lao động. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, TMĐT được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường TMĐT hàng đầu khu vực Đông Nam Á.