Thương hiệu mạnh là chưa đủ

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Sông Lam Nghệ An là một thương hiệu mạnh. Chẳng thế mà hơn mười năm qua, dù là nhà tài trợ chính cho đội bóng nhưng Ngân hàng Bắc Á không một lần ghép tên, bởi nói như ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An: 'Bốn chữ Sông Lam Nghệ An có giá trị cực lớn, vô giá nên cần duy trì và bảo tồn'. Nhưng 'duy trì và bảo tồn' như thế nào khi Sông Lam Nghệ An đang xếp cuối bảng V-League 2021 với chỉ 10 điểm, sau 12 vòng đấu?

Kể từ khi V-League ra đời, Sông Lam Nghệ An được ví như “ốc đảo” với cách làm bóng đá rất riêng, thậm chí là rất "dị". Nhưng rồi những người làm bóng đá ở xứ Nghệ cũng hiểu, Sông Lam Nghệ An không thể cứ đứng mãi ngoài thời cuộc. Bóng đá chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao cần rất nhiều tiền để theo đuổi cuộc chơi. Nếu cứ khăng khăng bám lấy cách làm cũ, cái tên-thương hiệu Sông Lam Nghệ An sẽ không mất đi, nhưng đội bóng sẽ chơi ở hạng nào?

Cầu thủ Sông Lam Nghệ An (bên trái) sẽ gặp nhiều khó khăn khi không còn nhà tài trợ Ngân hàng Bắc Á.Ảnh: HẢI ĐĂNG.

Bài học Quảng Nam còn đó. Vô địch V-League 2017 tưng bừng là thế nhưng khi nhà tài trợ rút lui, bóng đá xứ Quảng "lùi dần đều" và giờ đang chơi ở giải hạng Nhất. Nam Định hai mùa giải trước chỉ trụ hạng ở những vòng đấu cuối cùng, huấn luyện viên (HLV) trưởng Văn Sỹ không chỉ lo về chuyên môn mà còn phải cậy nhờ tài trợ từ những chiến hữu. Gần nhất, Than Quảng Ninh không còn nguồn tài trợ dồi dào như những năm trước nên điêu đứng đủ đường: Cầu thủ đình công đòi lương, thưởng; ông chủ đòi trả đội bóng lại cho tỉnh. Vừa qua, đến đội bóng Hải Phòng cũng thay đổi chủ tịch câu lạc bộ. Lãnh đạo thành phố hoa phượng đỏ đã quyết định giao đội bóng cho cổ động viên nổi tiếng nhất Hải Phòng: Hoàn “pháo”. Vừa nhậm chức chủ tịch, ông Trần Hoàn đã bỏ tiền túi và huy động được 10 tỷ đồng để thay mới mặt cỏ, lắp mới dàn đèn ở sân Lạch Tray; Hải Phòng thắng trận 2-0 trước Sông Lam Nghệ An, tân chủ tịch đội bóng thưởng ngay 1 tỷ đồng.

Những chuyện khó khăn và đổi thay tích cực ở các đội bóng khác chính là bài học cho Sông Lam Nghệ An, dẫn tới động thái HLV trưởng lẫn Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An vừa mới từ chức, với mong muốn người mới lên thay sẽ đưa đội bóng xứ Nghệ phát triển mạnh mẽ mọi mặt. Dù từ chức chủ tịch hội đồng quản trị đội bóng nhưng ông Nguyễn Hồng Thanh vẫn giữ chức tổng giám đốc. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hồng Thanh cho hay: “Sắp tới sẽ có một vài doanh nghiệp tiềm năng tài trợ cho đội bóng. Để nuôi được tuyến 1 và các tuyến trẻ ở Sông Lam Nghệ An thì cần rất nhiều nguồn kinh phí. Đơn cử riêng đội 1 có gần chục cầu thủ chuẩn bị hết hạn hợp đồng. Nếu gia hạn hợp đồng thì chi phí “lót tay” cho mỗi cầu thủ cũng không hề ít, vài tỷ đồng/người”. Dù rất yêu quê hương và tạo điều kiện cho đội bóng nhưng nhiều cầu thủ Sông Lam Nghệ An đã chuyển sang khoác áo đội bóng khác vì chi phí “lót tay” ở đội bóng quê hương thấp. Biểu tượng của đội bóng xứ Nghệ lúc này là Phan Văn Đức nhưng hợp đồng đôi bên sẽ hết hạn vào tháng 12-2021. Đức “cọt” vẫn đang ưu tiên việc gia hạn với đội nhà nhưng cái khó của lãnh đạo Sông Lam Nghệ An là đang thiếu tiền.

Nói về chuyện kinh phí thì các đội bóng hoạt động bằng ngân sách nhà nước đều gặp khó khăn. Hơn 10 năm qua, Ngân hàng Bắc Á đồng hành với Sông Lam Nghệ An nhưng khả năng lớn là hết năm nay, ngân hàng này sẽ rút lui. Được biết trong thời gian đầu tài trợ cho Sông Lam Nghệ An, phía Ngân hàng Bắc Á tài trợ đều 50 tỷ đồng/năm, sau rút xuống 30 tỷ đồng/năm và trong năm nay là 20 tỷ đồng. Với một đội bóng trông chờ vào ngân sách như Sông Lam Nghệ An, “hụt” 10 tỷ đồng tài trợ khiến các tuyến liêu xiêu. Và nói như ông Nguyễn Hồng Thanh thì: “Ít tiền nên khi đàm phán hợp đồng hoặc lấy quân về, lãnh đạo đội bóng thường ở thế yếu”.

Với mong muốn cải thiện thành tích của đội nhà và có sự đổi thay tích cực ở cấp thượng tầng, HLV trưởng Ngô Quang Trường và Chủ tịch Hội đồng quản trị đội bóng Nguyễn Hồng Thanh đã từ chức. Ông Nguyễn Hồng Thanh bấy lâu nay được ví như “Khổng Minh xứ Nghệ”, nhưng qua cuộc trò chuyện, mới thấy cái khó của người đứng đầu đội bóng: “Làm bóng đá chuyên nghiệp, quan trọng nhất vẫn phải có nhiều tiền. Mô hình Sông Lam Nghệ An có hay đến mấy mà không có tiền thì cũng khó thành công. Thậm chí, phải có rất nhiều tiền mới có thể làm bóng đá hiệu quả. Tôi cùng HLV Ngô Quang Trường từ chức là bởi mong mỏi đội bóng quê hương có bước phát triển mới”.

KHOA MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thuong-hieu-manh-la-chua-du-659568