Thuế quan của Mỹ làm tăng nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá

Những tuyên bố thiếu nhất quán về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến thị trường ngoại hối toàn cầu biến động mạnh.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Những tuyên bố thiếu nhất quán về chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến thị trường ngoại hối toàn cầu biến động mạnh, thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng nhu cầu sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Theo các chỉ số biến động tỷ giá do ngân hàng JPMorgan công bố đối với Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và các nền kinh tế mới nổi, biến động trên thị trường tiền tệ hiện đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi hai ngân hàng Silicon Valley Bank và Credit Suisse sụp đổ vào tháng 3/2023.

Sự thiếu chắc chắn xung quanh các chính sách thuế quan của ông Trump đã khiến nhu cầu sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá gia tăng, nhằm đối phó với những biến động tỷ giá bất ngờ đang tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp có quy mô toàn cầu.

Ông Nathan Venkat Swami, Giám đốc giao dịch ngoại hối khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Citigroup, cho biết nhu cầu sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá đã tăng mạnh từ tháng 11/2024, ngay sau khi ông Trump tái đắc cử, do giới đầu tư lo ngại về định hướng chính sách thương mại trong nhiệm kỳ mới. Ông Swami nói:“Hoạt động giao dịch có phần chững lại trong tháng Hai do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025 tại nhiều nước châu Á, nhưng đã tăng trở lại trong tháng Ba, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp có nhu cầu phòng ngừa rủi ro”.

Thông thường, các tập đoàn đa quốc gia sẽ phòng ngừa một phần thu nhập ngoại tệ của mình và điều chỉnh tỷ lệ này tùy thuộc vào mức độ rủi ro tỷ giá mà họ dự báo. Trong bối cảnh bất ổn thương mại gia tăng, nhiều doanh nghiệp đang nâng mức độ phòng ngừa rủi ro.

Một lãnh đạo cấp cao tại một công ty chăm sóc sức khỏe châu Âu - đơn vị sản xuất và xuất khẩu thiết bị y tế sang châu Á - chia sẻ: “Chúng tôi ngày càng thận trọng hơn, nên muốn tăng cường phòng ngừa rủi ro”. Công ty này ghi nhận doanh thu bằng đồng nhân dân tệ (NDT) tại Trung Quốc, đồng tiền từng có xu hướng tăng giá so với đồng euro trong thời gian gần đây. Do đó, công ty đã tận dụng tỷ giá thuận lợi để mua các hợp đồng phòng ngừa rủi ro trước khả năng đồng NDT giảm giá - điều thực tế đã xảy ra sau khi ông Trump công bố gói thuế quan đối ứng vào ngày 2/4.

Không chỉ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế cũng đang gia tăng giao dịch các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá trong bối cảnh có sự xoay vòng danh mục đầu tư khỏi cổ phiếu Mỹ sang các thị trường khác. Bà Wei Li, Giám đốc đầu tư đa tài sản tại Trung Quốc của BNP Paribas, cho biết nhà đầu tư thường phòng ngừa rủi ro danh mục cổ phiếu quốc tế bằng cách bán khống đồng nội tệ của quốc gia liên quan. Bà nói: “Thị trường năm nay đã thay đổi hoàn toàn. Diễn biến hiện tại tạo ra nhu cầu rất lớn đối với các công cụ phòng ngừa tỷ giá”.

Tình trạng biến động tỷ giá gia tăng đã góp phần giúp các ngân hàng Phố Wall ghi nhận kết quả giao dịch tích cực trong quý I/2025, với doanh thu từ mảng ngoại hối tăng mạnh. Phần lớn các giao dịch phòng ngừa rủi ro, đặc biệt là với các đồng tiền ít phổ biến, được thực hiện theo hình thức thỏa thuận riêng (OTC) giữa khách hàng và ngân hàng. Tuy nhiên, dữ liệu từ các thị trường công khai cũng cho thấy nhu cầu với các hợp đồng tương lai ngoại hối đang tăng lên rõ rệt.

Tại Hong Kong (Trung Quốc), lượng hợp đồng mở đối với hợp đồng tương lai của đồng NDT - một chỉ báo phản ánh mức độ hoạt động trên thị trường - đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Tương tự, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX), khối lượng giao dịch hợp đồng ngoại hối tương lai cũng đang trên đà thiết lập kỷ lục mới trong năm nay.

Tuy nhiên, chuyên gia Swami của Citigroup cảnh báo rằng nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu có thể khiến nhu cầu phòng ngừa rủi ro tỷ giá giảm sút. Ông nói: “Nếu tăng trưởng toàn cầu chịu ảnh hưởng từ sự bất định kéo dài, liên quan đến chính sách thuế quan và hoạt động thương mại bị tác động, đó sẽ là kịch bản khiến khối lượng giao dịch ngoại hối sụt giảm”.

Diệu Linh (Theo Finance Times)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thue-quan-cua-my-lam-tang-nhu-cau-phong-ngua-rui-ro-ty-gia/370504.html