Thực trạng và giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư

Những năm qua, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, vận động Nhân dân chấp hành và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua các kỳ Đại hội, công tác tổ chức và phương thức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận đã được thay đổi mới, ngày càng phù hợp hơn với bối cảnh lịch sử, thực tiễn công tác tổ chức của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương. Trong điều kiện hiện nay, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư cần bám sát quy định hướng dẫn Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập hợp quần chúng vào các tổ chức xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư và cả nước.

Ban Công tác Mặt trận1 ở khu dân cư là hình thức tổ chức hoạt động, công tác Mặt trận nằm trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập theo các thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, được gọi chung là khu dân cư (có địa phương còn gọi là địa bàn dân cư). Ban Công tác Mặt trận do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập, trong đó có chức danh trưởng ban, phó trưởng ban.

Trong quá trình hình thành và phát triển, hoạt động của các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã góp phần to lớn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn dân cư... tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây cũng là cầu nối quan trọng trong việc vận động, tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư còn có những hạn chế, khó khăn cần tiếp tục khắc phục, đòi hỏi cần phải đổi mới và có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ban Công tác Mặt trận qua các kỳ Đại hội

Sau Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ I (2/1977) tuy Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa đặt ra vấn đề xây dựng tổ chức “liền kề” - dưới Ủy ban Mặt trận cơ sở, nhưng do yêu cầu khách quan của thực tiễn hoạt động, đã từng bước hình thành một loại hình thức tổ chức mới là Mặt trận xã và tương đương (gọi chung là cấp cơ sở). Thời gian sau, tổ chức này chính thức được thành lập trên phạm vi cả nước. Đây là những tổ chức tiền đề, có phương thức hoạt động phong phú, đa dạng và là cơ sở để hình thành mạng lưới công tác Mặt trận rộng khắp cả nước những năm tiếp theo.

Đến Đại hội Mặt trận toàn quốc lần thứ II (5/1983), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua Điều lệ, trong đó quy định: “Tùy tình hình cụ thể ở từng địa phương, theo sự hướng dẫn của Ủy ban Mặt trận cấp tỉnh hoặc thành phố và Ủy ban Mặt trận cấp huyện, quận, Ủy ban Mặt trận xã, phường, thị trấn có thể áp dụng những hình thức tổ chức linh hoạt để tập hợp, đoàn kết và động viên các tầng lớp nhân dân trong các khu vực dân cư” để cùng nhau tạo ra cuộc sống mới.

Đây là lần đầu tiên Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chính thức đề cập đến tổ chức liền kề dưới cấp cơ sở. Từ quy định trên, ngày 21/10/1983, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa II) đã ra Thông tri số 12-TT/BTK hướng dẫn chi tiết về tổ chức và hoạt động để các cấp có căn cứ thực hiện. Sau một thời gian hoạt động, để sát hơn với tình hình cơ sở, ngày 1/3/1985, Ban Thư ký tiếp tục có Công văn số 18/MTTQVN hướng dẫn bổ sung hoàn chỉnh và cụ thể một số nội dung sau cho các địa phương để thực hiện trong quá trình tổ chức xây dựng mạng lưới hoạt động ở cơ sở. Đây là những văn bản đầu tiên hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của tổ chức Mặt trận liền kề cấp cơ sở đầy đủ nhất, chi tiết nhất, làm cơ sở cho việc tiến hành xây dựng mạng lưới công tác Mặt trận được triển khai ở hầu hết các địa phương trong cả nước.

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng tổ chức mạng lưới hoạt động ở cơ sở, tại Đại hội toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ III (11/1988) đã quy định cụ thể việc thành lập Ban Công tác Mặt trận, theo đó: “Thành lập các Ban công tác Mặt trận khu vực (cụm, khóm, đường phố, thôn, xóm, ấp, bản, buôn, làng…) trong xã, phường, thị trấn để giúp Ủy ban Mặt trận xã, phường, thị trấn tiếp xúc rộng rãi với mọi người dân, đến với từng gia đình”2. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc xác định rõ những nơi tổ chức Ban Công tác Mặt trận.

Ngày 18/6/1991, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông tri số 06 TT/MTTW hướng dẫn việc thành lập các Ban Công tác Mặt trận và tiếp tục khẳng định: Ban Công tác Mặt trận không phải là một cấp Mặt trận mà là mạng lưới công tác, một phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở. Để tiếp tục củng cố, phát huy vai trò vị trí của Mặt trận cơ sở và hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, từ năm 1989 đến năm 1992, Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa III) đã tập trung chỉ đạo việc tổng kết xây dựng tổ chức và hoạt động của Mặt trận cấp xã, phường; qua đó để tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc xây dựng tổ chức và hoạt động của Mặt trận cấp cơ sở, trong đó có vấn đề xây dựng tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận.

Phát huy những thành quả đã đạt được về việc xây dựng tổ chức Mặt trận cấp cơ sở và mạng lưới công tác Mặt trận, tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IV (nhiệm kỳ 1994 - 1999) quy định: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn tổ chức mạng lưới Ban hoặc Tổ công tác Mặt trận ở từng thôn, bản, buôn, làng, cụm dân cư nhằm tiếp xúc với từng hộ gia đình và mọi công dân”3.

Điểm mới trong Điều lệ Mặt trận Tổ quốc tại Đại hội lần này là đã quy định việc thành lập Ban hoặc Tổ Công tác Mặt trận tại cụm dân cư. Ngày 30/9/1995, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ số 311/MTTW, trong đó quy định về thành phần, số lượng, phạm vi hoạt động của Ban Công tác và Tổ Công tác Mặt trận.

Riêng về Tổ Công tác Mặt trận được quy định cho từng cụm dân cư từ 10 đến 15 hộ sống liền kề nhau và chỉ áp dụng cho những nơi địa dư quá rộng, bản thân các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận không thể tiếp xúc trực tiếp được với từng hộ gia đình, từng người dân thì mới thành lập các tổ để cùng cộng tác với các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận ở thôn, ấp, bản… mình để tiếp cận trực tiếp được với người dân.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến và nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trao Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho các điển hình tiêu biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Chủ tịch Đỗ Văn Chiến và nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu trao Bằng khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam cho các điển hình tiêu biểu. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiệm kỳ Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V (nhiệm kỳ 1999 - 2004) quy định thêm việc thành lập tại ấp, bản, khu phố, cộng đồng dân cư, cụ thể: “Ban Công tác Mặt trận được tổ chức ở thôn, làng, ấp, bản, khu phố, cộng đồng dân cư khác ở cơ sở, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn ra quyết định thành lập”4.

Đại hội VI (nhiệm kỳ 2004 - 2009), quy định tổ chức thêm tại buôn, phum, sóc và gọi chung là khu dân cư: “Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu phố (gọi chung là khu dân cư)”5. Từ đây tổ chức của Ban Công tác Mặt trận được hình thành rộng khắp ở hầu hết các vùng miền, khu vực… trong cả nước.

Đến Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009 - 2014) quy định thêm về tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khối phố, cụ thể: “Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi chung là khu dân cư)”6.

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) quy định tổ chức thêm ở tổ dân phố và thời gian nhiệm kỳ: Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi chung là khu dân cư), có nhiệm kỳ là 5 (năm) năm7. Như vậy, đến Đại hội VIII, lần đầu tiên về nhiệm kỳ của Ban Công tác Mặt trận đã được quy định cụ thể về thời gian.

Đặc biệt, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, tại mục 3, Điều 6 nêu rõ: “Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định”8. Từ đây, việc tổ chức Ban Công tác Mặt trận đã được pháp luật quy định cụ thể.

Tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019 - 2024) quy định về Ban Công tác Mặt trận so với Điều lệ đề ra tại Đại hội lần thứ VIII không thay đổi về hình thức nhưng có sự thay đổi về thời gian nhiệm kỳ, đã rút ngắn thời gian còn một nửa so với Đại hội lần thứ VIII: Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố... (gọi chung là khu dân cư) có nhiệm kỳ là hai năm rươĩ9.

Như vậy, có thể thấy, quan điểm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc tổ chức Ban Công tác Mặt trận nói chung đã có sự thay đổi qua từng thời kỳ, theo hướng ngày càng sát hơn với thực tiễn tổ chức và hoạt động theo mô hình tổ chức của chính quyền và cơ sở.

Vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư trong giai đoạn hiện nay

Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố tổ chức công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ban Công tác Mặt trận vận động Nhân dân đoàn kết, phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng quy ước, hương ước, nếp sống văn hóa.

Trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ban Công tác Mặt trận thường xuyên phát động Nhân dân trong khu dân cư tham gia quét dọn, thu gom rác thải, phát quang cây bụi ven đường, khơi thông cống rãnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm gắn với các mô hình “Ngày thứ bẩy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, mô hình “Sạch đường, sáng ngõ, sạch đồng”, mô hình đoạn đường tự quản... vận động Nhân dân hiến đất làm đường, các công trình công cộng, trồng hoa dọc các trục đường liên thôn, khuôn viên các nhà văn hóa, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Trong thực hiện cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ban Công tác Mặt trận đã vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ bằng tiền, vật liệu xây dựng, công lao động trị giá hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ các hộ nghèo xây nhà Đại đoàn kết, sửa chữa nhà dột nát... Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đã vận động Nhân dân tích cực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, giúp nhau xóa đói giảm nghèo; động viên Nhân dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất để phát triển sản xuất, góp phần giảm nhanh hộ nghèo, tăng hộ khá giả, hộ giàu.

Ban Công tác Mặt trận còn làm tốt công tác vận động Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, duy trì và phát huy hoạt động của Ban an ninh trật tự, Tổ liên gia tự quản với các hộ gia đình tham gia. Tuyên truyền, vận động Nhân dân các khu dân cư lắp bóng điện thắp sáng đường làng, ngõ xóm, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.

Hằng năm, vào dịp ngày 18/11, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với Ngày Pháp luật, các khu dân cư tổ chức “Bữa cơm Đại đoàn kết” qua đó đã tăng thêm tình cảm gắn bó trong cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa.

Với chức năng giám sát và phản biện xã hội được quy định trong Hiến pháp, các Quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong những năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai mạnh mẽ các chương trình giám sát, phản biện từng bước mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ năm 2013 đến năm 2021, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và một số tổ chức thành viên ở Trung ương đã tổ chức được 92 cuộc giám sát, 12 cuộc phản biện trên phạm vi toàn quốc.

Từ kết quả thực hiện đó, trong những năm qua, trên khắp cả nước đã có rất nhiều Ban Công tác Mặt trận, Trưởng Ban Công tác Mặt trận điển hình, tiêu biểu được nêu gương, làm cơ sở để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy và nhân rộng. Về cá nhân có thể kể đến như: Ông Phạm Văn By, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp 7, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang; bà Dương Thị Huyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Bản Súng, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn; ông Phạm Văn Hùng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Phú Châu, xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng, Bình Phước; bà Hoàng Thị Dịu Minh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiểu khu Phú Gia, thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội; ông Đinh Công Tặn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Hào Lý, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum; ông Lê Đình Hoàng, thôn Đức Lợi, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, Đắk Nông; ông Phạm Văn Cảnh, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 4, phường An Phú, thành phố Thuận An, Bình Dương;...

Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, điển hình như: Ban Công tác Mặt trận ở cơ sở bản Cà Đạc, xã Tân Hợp, huyện Mộc Châu, Sơn La; Ban Công tác Mặt trận Thôn 3 xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam; Ban Công tác Mặt trận ấp Hiệp Ngãi, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, Tiền Giang; Ban Công tác Mặt trận ấp Hải Lâm, xã Phước Hưng, Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu; Khu dân cư thôn Sao Sa, xã Nam Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình;…

Đặc biệt, nhằm ghi nhận những thành tựu, sự đóng góp của các điển hình tiêu biểu với công tác Mặt trận, ngày 26/11/2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao thưởng Bằng khen cho 236 điển hình là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và Trưởng Ban Công tác Mặt trận tiêu biểu giai đoạn 2017 - 2022 đến từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đây là những tấm gương điển hình có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để xây dựng và củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; vận động Nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện, hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn một bộ phận cán bộ của các ngành, các cấp và cả cán bộ Mặt trận chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Mặt trận. Từ chưa nhận thức rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận chưa rõ, chưa nổi và thiếu chiều sâu, sức thuyết phục Nhân dân chưa cao.

Nhiều nơi chưa chủ động xây dựng được chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, quý, tháng; chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ; chưa phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Công tác Mặt trận phụ trách các khu vực, số hộ dân, chưa trực tiếp tuyên truyền vận động đến từng gia đình, người dân. Vì thế, không ít Ban Công tác Mặt trận chưa thực hiện tốt công tác trực tiếp tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư có khối lượng công việc lớn, song hiện nay Trưởng Ban Công tác Mặt trận kiêm nhiệm nhiều chức danh (Bí thư chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận, Tổ trưởng Tổ hòa giải...), chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của nhiều tổ chức, khối lượng công việc nhiều. Mặt khác, nhiều người coi công việc tham gia hoạt động xã hội chỉ là phần phụ, còn chính yếu phải lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, công việc gia đình, nên việc giành thời gian, trí tuệ, công sức cho công tác Mặt trận có lúc, có nơi còn hạn chế.

Công tác giám sát chỉ dừng lại ở mức độ “theo dõi - phát hiện”, nội dung kiến nghị còn chung chung, chưa cụ thể, chưa theo sát việc giải quyết của các cơ quan liên quan đến nội dung đã kiến nghị, nên hiệu quả công tác giám sát chưa cao. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng một số nơi chưa được phát huy.

Chế độ sinh hoạt phí đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận còn thấp, chưa phù hợp từ đó không khuyến khích được Trưởng ban tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực, nhiệt huyết công tác, thậm chí kinh phí hoạt động cho Ban Công tác Mặt trận ở một số địa phương chưa được quan tâm. Nhiều người làm công tác Mặt trận cho rằng, nguồn kinh phí cho hoạt động của Ban Công tác Mặt trận là hoàn toàn không có, phụ cấp của Trưởng ban quá thấp đang là hạn chế lớn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư là những người gần dân, thường xuyên tiếp xúc và giải quyết các vấn đề ở khu dân cư, lắng nghe các ý kiến Nhân dân để phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương. Vì vậy, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận cơ sở ngoài tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm còn cần phải có những kiến thức, năng lực trình độ nhất định.

Theo nhiều cán bộ làm công tác Mặt trận, một trong những nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn là do thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư; điều kiện, phương tiện làm việc của cán bộ khu dân cư còn gặp rất nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của những hạn chế còn đến từ sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền các cấp và cơ chế phối hợp thống nhất hành động thiếu tính ràng buộc. Công tác tham mưu cho chi ủy, chi bộ lãnh đạo việc xây dựng và thực hiện chương trình phối hợp thống nhất hành động ở một số nơi còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa chủ động.

Những hạn chế này đòi hỏi cần phải có những giải pháp từng bước khắc phục để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Ban Công tác Mặt trận trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

Giải pháp nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong giai đoạn mới

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với cán bộ Ban Công tác Mặt trận

Cán bộ và công tác cán bộ là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Cấp ủy chi bộ cần quan tâm đối với công tác cán bộ Mặt trận, ưu tiên lựa chọn cán bộ Mặt trận tham gia cấp ủy chi bộ vì công tác cán bộ là khâu then chốt có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Do vậy, cần tranh thủ và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác cán bộ Mặt trận và hoạt động của Ban Công tác Mặt trận.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều Trưởng ban Ban Công tác Mặt trận giữ chức vụ lãnh đạo Đảng cấp cơ sở, trong đó không ít người giữ chức vụ Bí thư Chi bộ. Mô hình tổ chức Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu dân cư góp phần tinh gọn bộ máy tổ chức địa phương và mang lại hiệu quả đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến Nhân dân.

Bí thư Chi bộ sẽ hiểu rõ được chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong các giai đoạn; do đó, khi thực hiện vai trò của Trưởng Ban Công tác Mặt trận để tuyên truyền đến người dân họ sẽ triển khai công tác này đúng trọng tâm, trọng điểm hơn. Đồng thời, là người trực tiếp tiếp xúc nên Trưởng Ban Công tác Mặt trận sẽ nắm bắt rõ, hiểu rõ được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân; và với vai trò Bí thư Chi bộ, họ sẽ đề xuất ý kiến của người dân đến các cấp nhanh hơn.

Thực tiễn cho thấy hiệu quả của việc kiêm nhiệm đã góp phần tinh gọn bộ máy, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, Ban Công tác Mặt trận còn thực hiện chức năng giám sát, trong khi Bí thư chi bộ cũng là đối tượng chịu sự giám sát. Do vậy, để mô hình phát huy hiệu quả, điều quan trọng nhất là cần sự vào cuộc của cấp ủy trong khâu lựa chọn, bố trí những cán bộ hội đủ các yêu cầu để cùng lúc “gánh hai vai”; đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, có chế độ đãi ngộ tương xứng với vai trò, công sức của đội ngũ này.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận

Xuất phát từ việc tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới đất nước, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư.

Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”10.

Quán triệt chủ trương đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong tình hình mới; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Cùng với việc tuyên truyền, triển khai, thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX, cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, là tổ chức phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận, trực tiếp tập hợp, đoàn kết, vận động mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần cùng Chi bộ và chính quyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương.

Ban Công tác Mặt trận khu dân cư cần học tập, nghiên cứu tài liệu để nắm rõ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, dựa trên quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… và thực hiện tốt công tác phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên trong Mặt trận.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới phương thức, tổ chức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận

Thường xuyên, củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư đảm bảo số lượng, đảm bảo cơ cấu thành phần Ban Công tác Mặt trận theo quy định.

Cần tiếp tục thu hút những người “có năng lực, có tâm, có tài”, già làng, trưởng bản, những cá nhân tiêu biểu,… tham gia công tác Mặt trận.

Xây dựng quy chế hoạt động của Ban Công tác Mặt trận, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, duy trì họp thường kỳ theo quy định và họp bất thường khi cần thiết.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận để triển khai các phong trào thi đua một cách linh hoạt, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với thực tiễn địa phương để thu hút được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia. Chủ động nắm chắc tình hình Nhân dân ở khu dân cư, kịp thời phát hiện giải quyết những mâu thuẫn bức xúc trong Nhân dân để có biện pháp giải quyết, tháo gỡ.

Trong công tác tuyên truyền vận động Nhân dân, quan trọng nhất là người cán bộ phải thực sự gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm với công việc, kiên trì, gần dân, hiểu dân, đồng thời biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là lực lượng đảng viên Chi bộ, đảng viên sinh hoạt theo Quy định số 213-QĐ/TW ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức Đảng và Nhân dân nơi cư trú.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động một cách phù hợp và an toàn.

Thứ tư, cần chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về công tác Mặt trận

Xuất phát từ thực trạng trình độ học vấn, chính trị, kiến thức về kinh tế - xã hội, luật pháp và năng lực phối hợp công tác của một số Ban Công tác Mặt trận cũng như của Trưởng Ban Công tác Mặt trận còn hạn chế,… đòi hỏi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ mặt trận khu dân cư.

Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, tình hình mới cho cán bộ, với nhiều nội dung như: các chủ trương, chương trình hành động của Ban Thường trực gắn với các báo cáo chuyên đề thực tế; những mô hình và cách làm hay; các điển hình tiên tiến của địa phương và thông qua rèn luyện từ thực tiễn công tác.

Đổi mới phương thức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Mặt trận nhất là những vị mới tham gia bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hội thi Trưởng Ban công tác Mặt trận giỏi các cấp; giao lưu, học tập chia sẻ kinh nghiệm...

Thứ năm, ban hành thông tư hướng dẫn về chế độ, chính sách, điều kiện làm việc đối với Ban Công tác Mặt trận và Trưởng Ban Công tác Mặt trận

Xuất phát từ thực trạng chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng với vai trò, công sức của đội ngũ tham gia Ban Công tác Mặt trận, trong thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục kiến nghị với cấp ủy, chính quyền quan tâm chế độ phụ cấp đối với Trưởng Ban Công tác Mặt trận và kinh phí hoạt động của Ban Công tác Mặt trận phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương.

Đây là một trong những quyết sách quan trọng để động viên cán bộ nhiệt tình gắn bó với công tác Mặt trận lâu dài, khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thông qua đó, cũng là thể hiện rõ vai trò, vị trí của Ban Công tác Mặt trận nói chung và Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Cần chú trọng công tác khen thưởng, nhằm biểu dương kịp thời những gương điển hình và nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động của hệ thống Mặt trận, nhất là Ban Công tác Mặt trận. Đây là yếu tố quan trọng tác động đến kết quả hoạt động của Mặt trận, nhất là yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Chú thích:

1. Năm 2022, cả nước có gần 11.000 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và hơn 90.000 Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Cơ cấu của Ban Công tác Mặt trận bao gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường, thị trấn cư trú tại các thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đại diện chi ủy, những người đứng đầu của Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân, Chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Chi hội Chữ thập đỏ, một số cá nhân tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, trong các tôn giáo, dân tộc,... cư trú, hoạt động, công tác ở khu dân cư.

2. Điều 10, Chương III, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ III, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1989, tr.83.

3. Điều 5, Chương II, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội IV, Hà Nội, 8/1994, tr.69.

4. Điều 16, Chương II, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.104.

5. Điều 27, Chương IV, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.105.

6. Điều 27, Chương IV, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.96.

7. Điều 27, Chương IV, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.105.

8. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 9-10.

9. Điều 27, Chương IV, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nguồn: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2019, tr. 105-106.

10. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.172.

* Ngô Hoàng Nam*- * Tiến sĩ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

**Nguyễn Thanh Minh - ** Thạc sĩ, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ

và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/thuc-tien/thuc-trang-va-giai-phap-nang-cao-vai-tro-chat-luong-hoat-dong-cua-ban-cong-tac-mat-tran-o-khu-dan-cu-55494.html